Hà Giang

Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP. Hà Nội

09:06, 15/11/2019

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, theo chương trình Kỳ họp, vào sáng ngày 29/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Qua thảo luận, đa số các vị đại biểu Quốc hội tán thành với mục tiêu, quan điểm, nội dung phạm vi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội như dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình. Các vị đại biểu Quốc hội cũng đã góp nhiều ý kiến cụ thể về phạm vi, thời gian thí điểm việc thực hiện điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã. Đặc biệt là về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và cán bộ, công chức của Ủy ban nhân dân phường.

Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, tại phiên thảo luận toàn thể hội trường này, các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về những nội dung cơ bản, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết. Một là về thời gian thực hiện thí điểm và thời hạn yêu cầu Chính phủ báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm. Hai là về việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã. Ba là về Ủy ban nhân dân phường nơi thực hiện thí điểm, về tên gọi, địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn và cán bộ, công chức.

Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Hoàng Trung Hải

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ việc thí điểm mô hình chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của Hà Nội, đó là một đô thị có vai trò đặc biệt và là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước trong bối cảnh tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần hết sức cân nhắc trong việc thực hiện thí điểm và cần phải quan tâm để việc điểm mô hình này vừa đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra trong việc tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Bày tỏ sự tán thành cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết cho thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường nhiệm kỳ 2021-2026 tại thành phố Hà Nội, song đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị xác định rõ vị trí và địa vị pháp lý của Ủy ban Nhân dân phường, về vị trí địa lý, pháp lý và thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, về chế định trách nhiệm cá nhân và của Ủy ban nhân dân phường trong chế định trách nhiệm tập thể theo pháp luật quy định. Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, Nghị quyết phải thiết kế quy định rõ hơn để bảo đảm cơ quan hành chính của quận, thị xã thì chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, thị xã, chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân quận, thị xã.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tạo cũng chỉ ra, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ về điều khoản trực tiếp đối với việc giám sát việc thực hiện các nghị quyết của nghị quyết Hội đồng nhân dân phường đã được ban hành trước khi thực hiện việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường nhưng vẫn còn hiệu lực pháp luật. Nội dung của dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ được địa vị pháp lý của các chức danh của cán bộ các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể.

Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà thì đề nghị xem lại tên gọi của Nghị quyết. Đại biểu phân tích, qua tiếp toàn bộ Đề án, Tờ trình cho thấy lần thí điểm này thực chất là không còn Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là do Ủy ban nhân dân quận chỉ định, bổ nhiệm. Vì vậy, nên xem xét lại nội dung và tên của nghị quyết này và đại biểu kiến nghị tên gọi của Nghị quyết nên là “thí điểm không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt ra câu hỏi liệu thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường có vi phạm các quy định của Hiến pháp, do đó cần có rà soát, đánh giá lại các nội dung, cân nhắc thận trọng khi thực hiện thí điểm.

Đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của thành ủy, chính quyền Hà Nội đã sáng tạo, đổi mới, bứt phá để đi đầu trong đổi mới phân cấp quản lý hành chính, song đại biểu Đinh Văn Nhã – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cũng đặt câu hỏi vậy mô hình này của chính quyền Hà Nội có theo định hướng trong đổi mới phân cấp quản lý hành chính hiện này là xóa bỏ cấp trung gian nhưng tập trung đầu tư phát triển mạnh cấp cơ sở.

Liên quan đến những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm là về cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị để thông qua Nghị quyết, phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.Hà Nội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, yêu cầu xây dựng Đề án thí điểm bắt nguồn từ thực tiễn của Hà Nội. Bộ máy chính quyền của Thành phố Hà Nội hiện nay đang thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương có 3 cấp đầy đủ là thành phố, quận, huyện, thị xã, phường và thị trấn. Trong khi đặc điểm khu vực đô thị là dân cư sống rất tập trung, mật độ dân cư cao nên hoàn toàn có thể giảm bớt một cấp chính quyền để giảm tầng nấc làm gọn nhẹ hệ thống hành chính và giúp cho các quyết định điều hành của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, quận, huyện, thị xã đối với cơ quan hành chính cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, những thách thức ngày càng tăng về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, an ninh, trật tự đối với Thủ đô đòi hỏi có một cơ chế, chính sách hợp lý, cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm của Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, với việc thực hiện đổi mới các cơ quan chuyên môn của thành phố và quận, thị xã, phù hợp với tính chất đô thị, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa thành phố Hà Nội với các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân quận, thị xã là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân Thủ đô là hết sức cần thiết và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Hà Nội.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết, Đề án đã được thành phố chuẩn bị công phu, có tiếp thu, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 26 Quốc hội khóa XII năm 2008 của Quốc hội và có xây dựng lộ trình, từng bước thận trọng. Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu kỹ lưỡng mọi tác động của đề án khi được triển khai thực hiện; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân phường để đảm bảo khi thực hiện đề án quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế. Đồng thời, rà soát lại phân cấp giữa trung ương với thành phố, giữa thành phố với quận, huyện, xã, phường, để tạo sự chủ động nhanh nhất trong điều hành hành chính của các cấp chính quyền.

Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết thêm, khi xây dựng Đề án này, ngay từ đầu thành phố đã rất quan tâm đến việc thực hiện thí điểm có bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo cũng như lấy ý kiến của các nhà luật học, các nhà quản lý. Qua đó cho thấy đề án là đề án thí điểm và không vi hiến. Đây cũng là nội dung được khẳng định trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm là nhu cầu thực sự của các địa phương không phải chỉ riêng Hà Nội, với mong muốn thí điểm các mô hình quản lý theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng được nhu cầu của người dân tốt hơn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh việc thực hiện thí điểm trên nguyên tắc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng nhưng phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và đáp ứng được nhu cầu đổi mới phát triển của thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ cần phải thống nhất rằng: các đơn vị hành chính ở nước ta đều phải có chính quyền địa phương, nhưng cấp chính quyền địa phương phải bao gồm cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, còn nơi nào không phải là tổ chức cấp chính quyền địa phương có thể là Ủy ban nhân dân hay chính quyền chỉ có 1 cơ quan hành chính. Nếu như Nghị quyết này được thông qua thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức của cơ quan này phải có sự mới, không phải như cấp phường hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết thêm, việc Quốc hội thông qua được Nghị quyết tại kỳ họp này sẽ bảo đảm cho Hà Nội triển khai chuẩn bị bầu cử ở cơ sở và tổ chức chính quyền mới. Nếu như Nghị quyết không được thông qua thì việc tổ chức đại hội ở cơ sở sẽ không thực hiện được theo tinh thần mới này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để giải trình báo cáo với Quốc hội về nội dung này.

Theo: Quochoi.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra, làm việc tại Bắc Quang

BHG - Ngày 13.11, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh có buổi kiểm tra, làm việc tại huyện Bắc Quang về tiến độ sản xuất vụ Đông, tình hình tiêu thụ cam và tiến độ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh (CCB) nghèo tại các xã Hùng An, Quang Minh và Việt Vinh. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện Bắc Quang.

14/11/2019
Chủ tịch UBND tỉnh dự khai trương Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông sản – dược liệu tỉnh

BHG - Chiều 14.11, UBND tỉnh tổ chức khai trương Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông sản - dược liệu tỉnh tại thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang. Dự và cắt băng có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Bắc Quang và các doanh nghiệp, HTX...

14/11/2019
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh làm việc tại thị trấn Yên Minh

BHG - Ngày 13.11, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc tại thị trấn Yên Minh (Yên Minh). Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh. Dự buổi làm việc về phía huyện có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện.

 

14/11/2019
Công nghệ tạo ra mô hình kinh doanh mới cho báo chí

"Công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới. Quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn "Báo chí và Công nghệ" ngày 13-11, tại Hà Nội

14/11/2019