Hà Giang

Người chiến sĩ Thông tin ngày ấy

17:07, 29/04/2015

BHG- Cứ mối lần Tháng Tư về trong lòng mỗi chúng ta lại bồi hồi xao xuyến, trào dâng một niềm cảm xúc thật thiêng liêng cao quý, ấy là tháng ngày lịch sử vĩ đại nhất của dân tộc ta – Ngày 30.4.1975, Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để có ngày lịch sử vẻ vang ấy, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc dù ở hậu phương miền Bắc hay chiến trường miền Nam, họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình ngã xuống nơi chiến trường, hàng triệu triệu người con phải chịu đựng muôn vàn gian khổ khó khăn, hy sinh một phần máu thịt, công sức cho giải phóng dân tộc... Nhưng trong họ ký ức về những năm tháng trong quân ngũ góp phần vào Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì không thể nào quên. Điều mà tôi muốn nói đến một con người như vậy, đó là CCB Đoàn Hùng Tự, nguyên chiến sĩ Thông tin tiểu đoàn 9, Trung đoàn 132 thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc ngày ấy được tham gia phục vụ chiến dịch mở màn Giải phóng Tây Nguyên và tiếp theo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để Giải phóng miền Nam. Anh hiện ở xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang, và còn là một CCB làm kinh tế giỏi, nhiều năm được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Hội viên nông dân sản xuất giỏi, đạt Gia đình Văn hóa tiêu biểu Toàn quốc năm 2007. 

CCB Đoàn Hùng Tự bên vườn cây ăn quả , trung bình mỗi năm cho thu hoach trị giá 120 triệu đồng
CCB Đoàn Hùng Tự bên vườn cây ăn quả, trung bình mỗi năm cho thu hoạch trị giá 120 triệu đồng.

Lỗi hẹn với anh Tự đôi lần, lần này tôi dành thời gian đến thăm gia đình anh. Ngôi nhà sàn 3 gian rộng, cột gỗ to chắc chắn, khang trang dựng trong một khuôn viên nửa ha được anh bố trí một ao thả cá trước nhà theo kiểu phong thủy cùng những lô vườn trồng na, ổi, thanh long, dâu tây, rau màu, khu nuôi gà, lợn... nhìn thật đẹp mắt. Bên chén nước trà xanh, qua câu chuyện, tôi được biết anh đã có một thời trận mạc thời chống Mỹ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên thật tự hào. Anh Đoàn Hùng Tự quê ở An Lão, Bình Lục (Hà Nam), năm 1971 học Trường Trung cấp Bưu điện Trung ương. Khi đó, chiến trường niềm Nam đang bước vào thời kỳ ác liệt của chiến tranh, trường anh lần lượt nhiều học sinh vào bộ đội đi chiến đấu ở miền Nam. Thế rồi đến lớp anh kế tiếp đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Tự viết đơn tình nguyện đi bộ đội và được nhà trường và đơn vị chấp nhận. (Lẽ ra anh được ưu tiên ở lại vì là con độc nhất). Sau 3 tháng huấn luyện tân binh ở tỉnh Quảng Bình, anh được biên chế vào đại đội 14, tiểu đoàn 9, Trung đoàn 132 ( Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc) rồi vào Nam cùng đơn vị xây dựng tuyến đường dây hữu tuyến từ Quảng Bình vào Quảng Trị... Anh kể: Ngày đó tôi người nhỏ, gầy, cuộc sống dã chiến ở rừng và cường độ công việc, nhiệm vụ đòi hỏi rất cao, quyết liệt, trong điều kiện máy bay địch bắn phá thường xuyên, đơn vị tôi vừa phát tuyến vừa dựng cột, mắc đường dây để bảo đảm thông tin liên lạc từ ngoài Bắc vào chiến trường.

Có một kỷ niệm ngay từ những ngày đầu tôi không thể nào quên, đó là cuối năm 1974 trong một lần đi phát tuyến đường dây thông tin, tôi phụ trách một tổ, có một chiến sĩ bị cây gỗ to đè vào người, đồng chí ấy chỉ kịp kêu lên rồi ngất đi. Tôi cùng một chiến sĩ chạy đến dùng các biện pháp để lấy đồng đội ra. Một chiến sĩ chạy về báo cáo đại đội chi viện, còn tôi và một đồng chí nữa chuyển chiến sĩ bị thương gãy đùi về hậu cứ xa khoảng 10 cây số. Có những đoạn đường đi cây cối, đất đá lởm chởm, mỗi khi chuyển chiến sĩ bị thương qua, tôi tình nguyện nằm xuống để người đồng chí bị thương lướt trên người mình cho bớt sự đau đớn... Sau sự việc làm đó, tôi cảm thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm, niềm tin yêu đồng đội càng thắm tình. Và đặc biệt sự cảm nhận về gian khổ và cái chết nơi chiến trường bỗng nhẹ nhàng... Năm đó tôi đã được báo cáo điển hình tiên tiến toàn Trung đoàn...

Đang thực hiện nhiệm vụ ở Quảng Trị thì đầu năm 1975, đơn vị chúng tôi nhận được lệnh vào Tây Nguyên phát tuyến đường dây hữu tuyến. Khi đó chúng tôi không biết là quân ta đang chuẩn bị cho trận đánh lớn Buôn Ma Thuột. Cũng giống như công việc hàng ngày, tôi cùng với đơn vị mở tuyến, đặt trụ cột, mắc đường dây nhưng cường độ làm việc cao hơn, số lượng yêu cầu năng suất hơn, trong khi đó máy bay địch liên tục trinh sát, bắn phá, công tác bí mật đòi hỏi càng cao... Nhưng anh em trong đơn vị ai cũng làm việc hăng hái với tinh thần cao nhất giành chất lượng hiệu quả cao. Anh Tự giải thích thêm: Nói cho nhà báo biết tuyến đường dây thông tin hữu tuyến mà chúng tôi thực hiện không phải chiều ngang hẹp đủ để mắc mấy sợi dây đi qua đâu nhé. Anh biết không, chiều rộng 12 m, mỗi cây cột cao từ 6 - 7 m, còn chiều dài thì theo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, có đến hàng trăm cây số không ít). Đơn vị khoán định mức cho anh em như: 1 ngày phải vận chuyển được 2 (trụ - cột) đến vị trí. Đường đi thật khó khăn dốc đứng, vực sâu, rừng rậm, dây leo chằng chịt...  y vậy mà nhiều anh em làm vượt định mức, trong đó tôi luôn là người vượt định mức đến 300%. Tôi nghĩ đơn giản là nhiệm vụ được giao thì phải hoàn thành. Mình còn là tiểu đội trưởng nên phải gương mẫu trước anh em và để góp phần cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh Tự bỗng giọng trầm xuống: Không hiểu sao dạo đi mắc đường dây thông tin, tôi hay bị sét đánh, có lần bị nhiễm điện sét đánh ngất đi anh em phải đưa về. Vì thời tiết ở Tây Nguyên mưa chỗ này nhưng nắng chỗ kia, đường dây trần dễ bị nhiễm điện. Nhưng tôi chẳng bao giờ ngần ngại trước nhiệm vụ được giao, chỉ nghĩ một điều là phải hoàn thành tốt. Anh Tự kể cho tôi nghe câu chuyện về trong một lần anh thực hiện nhiệm vụ quan trọng... Đó là thời điểm đơn vị anh đang đảm nhiệm một tuyến đường dây phải thông suốt 24/24 giờ để nối thông tin từ Sở chỉ huy mặt trận về các sư đoàn phối hợp chuẩn bị cho trận đánh Buôn Ma Thuột. Khi anh đi kiểm tra đường dây cùng một chiến sĩ thì phát hiện dây thông tin bị đứt. Các anh dùng hết các biện pháp mà vẫn không nối được hai đầu dây đứt vì dây bị ngắn. Trong lúc cảm thấy như bất lực trước tình huống éo le vậy, trong anh bỗng lóe lên một giải pháp: Cuốn một đầu dây vào ngón chân cái, một tay nắm kéo đầu dây còn lại, dùng răng cắn nối hai đầu dây vào nhau và anh nằm lên một thân cây khô đổ cho dòng điện chạy qua cơ thể để nối mạch thông tin. Anh đề nghị đồng đội chạy về đơn vị lấy dây nối, còn anh vẫn nằm yên cắn răng vào hai đầu dây trong thời gian khoảng 30 phút... Khi đồng đội trở lại vẫn thấy anh trong tư thế nối dây. Hành động dũng cảm của anh đã góp phần làm nên chiến thắng của bộ đội ta phục vụ cho trận mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột, đập tan “tấm cửa thép” của ngụy quân Sài Gòn mở đầu cho thắng lợi vĩ đại chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975). Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, anh cùng đơn vị (Trung đoàn 132 Thông tin liên lạc) cùng các đơn vị khác hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn. Những mệnh lệnh chỉ đạo, chỉ huy của cấp trên phục vụ cho chiến đấu của bộ đội ta vào giải phóng Sài Gòn đã có một phần to lớn công sức của Trung đoàn Thông tin 132 (Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc) trong đó có phần góp sức của anh – người chiến sĩ thông tin hữu tuyến năm xưa. Với những thành tích lập công xuất sắc trong phục vụ chiến đấu, Đoàn Hùng Tự vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.

ĐẶNG QUANG VƯỢNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát huy giá trị tinh thần của Chiến thắng 30.4, cùng cả nước tạo nên những thành tựu mới

BHG- Ngày 30.4.1975 đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sau 30 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), đất nước ta mới thực sự thống nhất, Bắc – Nam sum họp; nhân dân ta hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

29/04/2015
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Triệu Thị Nái tiếp xúc cử tri tại hai huyện Vị Xuyên và Bắc Quang

BHG- Ngày 27.4, đồng chí Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại địa bàn hai huyện Vị Xuyên và Bắc Quang. 

28/04/2015
UBND tỉnh họp phiên tháng 4

BHG- Ngày 26.4, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4, nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH tháng 4, phương hướng, nhiệm vụ tháng 5.2015; xem xét, giải quyết các báo cáo, tờ trình của các sở, ngành trình UBND tỉnh. 

27/04/2015
Tuần tra song phương giữa Đồn Biên phòng Phó Bảng và Trạm kiểm soát Biên cảnh Đổng Cán

BHG- Ngày 25.4, Đồn Biên phòng Phó Bảng và Trạm kiểm soát Biên cảnh Đổng Cán, Malypho, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tổ chức tuần tra song phương và phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. 

27/04/2015