Hà Giang

Vì sao Ánh Viên không còn bất lợi khi bơi làn ngoài cùng?

08:25, 26/07/2021

Trước đây việc bơi ở làn ngoài sẽ gây khó khăn cho VĐV vì sóng cộng hưởng từ bên trong và thành bể. Nhưng điều này đã được giải quyết.

Ở vòng loại (heat) 200m tự do chiều 26/7, Ánh Viên bơi ở làn số 8, tức là làn ngoài cùng bên trái. Còn vòng loại 800m tự do chiều 29/7, kình ngư Việt Nam bơi ở làn 7, nhưng nhóm này chỉ có bảy người, tức là cô vẫn bơi ở làn ngoài. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng bơi vòng loại 1.500m tự do ở làn 8, chỉ có 800m tự do anh được bơi ở làn 5.

Ánh Viên sẽ bơi ở làn ngoài ở cả hai nội dung cô tham dự ở Olympic 2020.
Ánh Viên sẽ bơi ở làn ngoài ở cả hai nội dung cô tham dự ở Olympic 2020.

Ở mỗi nhóm bơi, ban tổ chức thường xếp làn cho VĐV dựa theo thành tích trước đó. Các vòng heat ở Olympic sẽ lấy thành tích xét chuẩn Olympic. Kình ngư thành tích tốt hơn được xếp ở những làn ở giữa: làn 4 hoặc 5. Các kình ngư mạnh hơn bơi ở giữa để khán giả theo dõi dễ hơn, và nổi bật hơn trên máy quay. Khi các kình ngư giữa bơi nhanh hơn, nhóm bơi sẽ tạo thành hình mũi tên tiến về phía trước.

Cách bố trí này từng bị cho là gây bất lợi với các kình ngư bơi làn ngoài cùng: làn 1 hoặc 8. Thứ nhất, khi họ đập tay và chân xuống mặt nước, sẽ tạo ra sóng. Luồng sóng này dội vào thành bể, và dội ngược lại, khiến luồng nước bị rối, tạo thành lực cản. Theo nghiên cứu của Hocking và Hutchinson, các kình ngư chỉ bị ảnh hưởng bởi lực cản này nếu bơi sát bể mức thấp hơn 0,002 mm, tức là chưa đến 1 cm. Điều này là không thể, dựa theo cách duỗi tay và chân của họ.

Luồng sóng từ thành bể dội ngược lại cũng tạo ra áp lực theo phương ngang so với hướng bơi của kình ngư. Cũng theo Hocking và Hutchinson, áp lực này không đáng kể nếu kình ngư bơi cách tường quá 1/4 chiều cao của của họ. Chẳng hạn Ánh Viên cao 1m73, nếu cô bơi cách tường hơn 43 cm, áp lực phương ngang sẽ không đáng kể.

Yếu tố đó có thể là bất lợi ở vài chục năm trước, nhưng không còn ở bơi lội hiện đại, theo HLV Jon Rudd - người từng dẫn dắt nhiều kình ngư vô địch thế giới. Ông nói với BBC năm 2016: "Ở hầu hết giải quốc tế, bể bơi hiện nay thiết kế 10 làn bơi, nhưng hai làn ngoài cùng để trống. Điều đó hạn chế gần như hoàn toàn các tác động từ sóng dội vào tường, vì mỗi làn bơi rộng 2,5m. Đoạn dây thừng phân làn cũng đã thay đổi so với trước đây. Chúng có tác dụng cản trở sóng dạt sang giữa các làn bơi. Yếu tố cuối cùng là các bể hiện tại thường sâu 3m, so với 2m như trước đây. Khoa học chứng minh rằng bể càng sâu càng ít luồng nước nhiễu".

Hafnaoui thắng chung kết 400m tự do nam dù bơi làn số tám.
Hafnaoui thắng chung kết 400m tự do nam dù bơi làn số tám.

Cũng đã có nhiều kình ngư đoạt HC vàng Olympic hay phá kỷ lục thế giới dù bơi làn ngoài cùng. Chính tại Olympic 2020, chung kết nội dung 400m tự do nam sáng 25/7, kình ngư Tunisia Ahmed Hafnaoui bơi làn số 8 nhưng bất ngờ đoạt HC vàng.

Sự thật là bơi ở làn giữa sẽ có góc nhìn bao quát hơn về các đối thủ trong nhóm, nhưng yếu tố này chưa chắc đã là lợi thế. Có những kình ngư khi dẫn trước sẽ có tâm lý thoải mái hơn và thực hiện tốt hơn, cũng có người khi phải bám đuổi sẽ tạo ra động lực và quyết tâm lớn hơn. Nhưng, các kình ngư đa phần không quan tâm tới đối thủ, mà chỉ thực hiện đúng đấu pháp của họ.

Chẳng hạn ở bơi tự do, nhiều kình ngư bơi làn giữa nhưng mỗi khi ngẩng lên để thở, họ chỉ nghiêng sang một bên cố định. Họ không muốn để ý tới đối thủ, mà chỉ muốn hoàn thành phần thi cá nhân một cách tốt nhất.

Duncan Scott - nhà vô địch châu Âu năm 2018 nội dung 200m tự do nam, cũng bơi làn số 8 ở chung kết. Anh không nhìn thấy các đối thủ và chỉ tập trung vào thành tích bản thân. Anh nói với Eurosport: "Tôi không biết chuyện gì xảy ra với các đối thủ trong nhóm đua. Tôi không biết mình ở vị trí nào trong cuộc đua, mà chỉ tuân thủ đúng đấu pháp đề ra. Tôi chỉ trút hết sức cho 25 m cuối cùng và hy vọng kỳ tích".

Tâm lý thi đấu là yếu tố quan trọng trong thể thao, nhất là đấu trường lớn nhất như Olympic. Việc phải bơi ở làn ngoài cùng có thể lợi thế hoặc khó khăn, tuỳ vào tâm lý của từng VĐV. Đó cũng là một phần của cuộc chơi, vì những người được dự Olympic không chỉ so tài, mà còn cần tâm lý chiến.

Còn tác động bất lợi của việc bơi làn ngoài cùng, không đáng kể.

Theo VnExpress


Cùng chuyên mục

Kỷ lục Olympic bị phá 3 lần trong 7 phút

Kỷ lục Olympic nội dung 100 m bơi ngửa nữ liên tục bị phá ở phần thi vòng loại chiều 25/7. Vòng loại nội dung 100 m ngửa nữ có 6 lượt. Kỷ lục Olympic nội dung này thuộc về kình ngư người Australia Seebohm Emily, lập tại London 2012 với thời gian 58 giây 23. Tuy nhiên, ở 3 lượt bơi cuối vòng loại nội dung này tại Olympic Tokyo 2020, kỷ lục của Emily liên tục bị xô đổ.Đầu tiên, Masse Kylie của Canada lập kỷ lục Đại hội khi hoàn thành 100 m bơi ngửa trong thời gian 58 giây 17. Kylie bơi ở lượt 4, bắt đầu lúc 17h09 (giờ Hà Nội).Kaylee đang giữ kỷ lục.

26/07/2021
Xạ thủ Xuân Vinh ra quân ở Olympic

Hoàng Xuân Vinh có cơ hội giành huy chương đầu tiên cho Việt Nam ở Olympic Tokyo, khi vòng loại và chung kết 10m súng ngắn hơi diễn ra hôm nay 24/7. Xuân Vinh đấu vòng loại 10m súng ngắn hơi lúc 11h, giờ Hà Nội. Mỗi xạ thủ bắn 60 phát, tính điểm để chọn ra tám người vào đấu chung kết. Chung kết nội dung này diễn ra 13h30 cùng ngày. Xuân Vinh là đương kim vô địch Olympic, nhưng anh sa sút nhiều kể từ năm 2016.

24/07/2021
24 thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam dự lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020

Vào 18 giờ tối 23/7 (theo giờ Việt Nam), 24 thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 với những hàng ghế khán đài trống vắng. Theo đó, sẽ chỉ có khoảng 1.000 quan chức dự khán trên sân Olympic.

23/07/2021
Một kỳ thế vận hội đặc biệt

Tối nay, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ chính thức khai mạc sau một năm bị hoãn do đại dịch Covid-19. Đây là kỳ Thế vận hội đặc biệt trong lịch sử phong trào Olympic trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhưng cũng thể hiện sự đoàn kết, tình hữu nghị và nỗ lực đồng lòng vượt khó chinh phục những đỉnh cao thành tích, hướng tới tương lai của thể thao thế giới.

23/07/2021