Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: "Bóng đá Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực!"

13:23, 25/03/2015

Một năm trước, vào ngày 25/3, Đại hội VFF nhiệm kỳ VII đã chính thức diễn ra với tinh thần đổi mới, đổi mới triệt để và toàn diện nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn 2030.

 
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng

Nhân dịp này, phóng viên báo Bóng đá đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng về những biến chuyển của nền bóng đá một năm sau Đại hội VFF nhiệm kỳ VII.
 
“KHÔNG KHOAN NHƯỢNG VỚI TIÊU CỰC”
PV: Một năm nhìn lại, Chủ tịch đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện nhiệm vụ đặt ra tại Đại hội VFF nhiệm kỳ VII?
- Chủ tịch Lê Hùng Dũng: Một năm qua, so với những mục tiêu đã được Đại hội VFF lần thứ VII đề ra, tôi thấy bước đầu có những kết quả tích cực, tạo cơ sở và niềm tin hoàn thành mục tiêu dài hạn của bóng đá Việt Nam. Trong chương trình hành động của mình, VFF đặt ra hai mục tiêu là làm sạch và nâng cao chất lượng của nền bóng đá. Đây là những mục tiêu xuyên suốt, lâu dài và là cái đích hướng tới của bóng đá nước nhà. Hai mục tiêu này bổ trợ cho nhau, bởi không làm sạch nền bóng đá thì không có sự phát triển. Không đẩy mạnh sự phát triển bằng hành động chống tiêu cực, thực hiện những chiến lược dài hạn là đi ngược với mong muốn của Đảng, Nhà nước và chưa hoàn thành ước nguyện của đông đảo NHM.
 
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VFF và JFA là mốc son trong mối quan hệ giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản
 
Chúng ta hãy bắt đầu với mục tiêu làm sạch nền bóng đá. Nhiệm vụ gian khó này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Để làm sạch nền bóng đá, cần phải hướng đến những vấn đề sau. Thứ nhất, phải từng bước làm trong sạch công tác trọng tài. Trước đây, các đội bóng, dư luận và báo chí kêu rất nhiều về công tác trọng tài. Có nhiều tình huống, pha xử lý nhạy cảm, gây tranh luận nhưng không đi đến kết luận cuối cùng với những lý do muôn thủa như “chứng cứ đâu?”, “xử lý kỷ luật hết thì ai làm giải”? Giờ thì khác, chúng tôi sẽ không mời làm nhiệm vụ, hoặc đình chỉ làm nhiệm vụ những trọng tài bị nghi vấn. Mùa giải 2014, chúng tôi đã không mời làm nhiệm vụ 6 trọng tài. Mùa giải 2015, một trọng tài FIFA cũng bị “treo còi”. Tất nhiên, những nghi vấn này phải có cơ sở và VFF vẫn chấp nhận những pha xử lý tranh cãi, nhưng nó phải thuần túy chuyên môn và nằm trong giới hạn cho phép. Vượt qua giới hạn về chuyên môn, bất cứ ai cũng phải rời cuộc chơi. Rất mừng là đến nay, công tác trọng tài đã có những chuyển biến tích cực, tạo dựng được lòng tin với dư luận.
 
Thứ hai, để làm sạch nền bóng đá thì phải loại trừ dần yếu tố tạo ra tiêu cực. Trọng tài tiêu cực để được gì? Tất nhiên là tiền rồi! Họ không thể tiêu cực nếu không có người đưa tiền. Một số ông bầu, một số vị điều hành ở đội bóng vì cần điểm nên đã cho tiền trọng tài. Họ cố ý làm trái các quy định và trên thực tế đã có trường hợp phải trả giá vì hành động của mình do không hợp lý hóa được khoản chi. Tôi đã từng kêu gọi các ông bầu là “xin các anh đấy, đừng cho tiền trọng tài nữa!”. Tôi tin, nếu không có “đầu vào” từ một số đội bóng thì tiêu cực sẽ dần bị triệt tiêu.
 
Còn gì nữa không, thưa ông?
- Tôi cho rằng, để có một nền bóng đá sạch thì cần phải quan niệm đúng về tác động của vấn nạn cá độ vốn đang hoành hành. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc ở trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup ngày 11/12/2014. Bao nhiêu kịch bản buồn ở những năm về trước đã tái lặp với trận đấu của ĐT Việt Nam hôm đó. Lượt đi chúng ta đá quá hay, nhưng lượt về thì thua mà không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra? Câu hỏi đặt ra là chúng ta thua là do những sai lầm đơn thuần về chuyên môn hay có bàn tay của các đường dây cá độ? Chúng ta không thể không đặt câu hỏi về những gì đã xảy ra. Đến giờ, dù có nhiều ý kiến nhưng tôi vẫn giữ quan điểm là cần phải đặt câu hỏi về trận thua này. Cũng chính vì điều này mà tôi đã chỉ đạo báo Bóng đá mua bản quyền và cho in phát hành cuốn sách “Kelong Kings”. Đây là cuốn tự truyện của Wilson Raj Perumal (sinh ngày 31/7/1965) là một công dân Singapore, bị kết án tù về tội danh dàn xếp tỷ số. Thông qua cuốn tự truyện này bạn sẽ thấy vòi bạch tuộc của bọn cá độ đã vươn đến những nơi xa nhất, những giải đấu nhỏ nhất. Qua đó, bạn có hình dung khác về bóng đá ĐNÁ và cả bóng đá Việt Nam nữa. Có một chi tiết đáng chú ý là tay trùm này từng có lần đến Việt Nam. Và, trong cuộc hội thảo mới đây giữa VFF, FIFA, Interpol, chúng tôi đã được cung cấp thông tin là có đến 52 tổ chức cá độ đã đưa các giải đấu của Việt Nam vào tầm ngắm. Nhắc đến những điều trên để thấy rằng, không nên quá ngây thơ khi đánh giá về một thất bại. Không phải trận thua nào cũng đơn thuần xuất phát từ yếu tố chuyên môn. Nên nhớ rằng, các đường dây cá độ đang coi Việt Nam là thị trường béo bở cần phải xâm nhập! Vì vậy, chúng ta không thể ngây thơ, hoặc cố tình ngây thơ như cách nghĩ của người làm bóng đá đơn thuần, không có thông tin, hoặc nắm bắt thông tin một cách mơ hồ. 
 
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hội kiến chủ tịch AFC Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa 
 
VFF đã phối hợp với các cơ quan chức năng đánh mạnh tiêu cực thông qua sự việc liên quan đến hai đội bóng V.Ninh Bình và Đồng Nai. Ban chấp hành VFF cũng ra Nghị quyết trong phiên họp tại Cần Thơ là sẽ cấm thi đấu vĩnh viễn với những cá nhân có liên quan đến tiêu cực. Có thể, vì điều này mà một số người phản ứng với VFF là quá khắc nghiệt, lạnh lùng, triệt mất đường kiếm sống của cầu thủ. Nhưng, đó là sự khắc nghiệt cần thiết để góp phần làm sạch nền bóng đá. Cựu thủ tướng Anh Tony Blair trong một lần đến Việt Nam đã nói một câu mà tôi rất tâm đắc: “Bất cứ cải cách nào mà không có chống đối thì đó là cải cách tồi”. Những gì chúng ta đang làm chưa hẳn là cải cách, bởi nó diễn ra theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước lâu nay, đó là làm sạch nền bóng đá. Tôi không mơ hồ trong việc đặt mục tiêu làm sạch nền bóng đá ngay lập tức. Tôi biết, làm sạch nền bóng đá là một công việc phức tạp, gian khổ và trường kỳ. Chúng ta phải làm từng bước với thái độ quyết tâm và ý thức trách nhiệm cao nhất. Phải làm sạch nền bóng đá trước khi nâng cao trình độ phát triển. Muốn vậy, cần phải có một bản lĩnh chính trị vững vàng và một phương pháp tiếp cận và giải quyết tình huống đúng đắn.
 
“5 NĂM NỮA, CHÚNG TA SẼ CÓ MỘT ĐTQG KHÁC”
Thế còn mục tiêu nâng cao trình độ nền bóng đá thì sao, thưa ông?
- Với mục tiêu này, tôi đặt ra 4 nhiệm vụ cụ thể. Đầu tiên là nâng tầm chất lượng các ĐTQG. Thứ hai là phát triển hơn nữa V-League. Thứ ba là đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ. Nhiệm vụ cuối cùng là nâng cao hệ thống cơ sở vật chất phục vụ bóng đá. 
 
Chúng ta hãy bắt đầu từ mục tiêu nâng tầm các ĐTQG. VFF sẽ triển khai từng mục tiêu cụ thể thế nào, thưa ông?
- Ngay từ sau Đại hội VFF nhiệm kỳ VII, chúng tôi đã đặt mục tiêu phải nâng cao chất lượng ĐTQG. VFF thực hiện mục tiêu này với sự kiên định. Chúng tôi hướng đến sự hợp tác với một nền bóng mạnh trong châu lục. Ở châu Á thì có hai khu vực mà bóng đá Việt Nam có thể hướng đến, tìm kiếm sự hợp tác toàn diện là Tây Á và Đông Á. Với Tây Á thì mối quan hệ của chúng ta chỉ dừng lại ở mức vừa phải. Bên cạnh đó, giữa hai bên có nhiều rào cản về khoảng cách địa lý, chiến lược phát triển. Trong khi đó, VFF và LĐBĐ Nhật Bản (JFA) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sự hợp tác toàn diện. Đến giờ, phía bạn đã gửi cho chúng ta hai HLV dẫn dắt ĐTQG nam và ĐTQG nữ. HLV Toshiya Miura đã bước đầu chứng minh được năng lực thông qua thành công tại Asiad 17 và AFF Suzuki Cup 2014. HLV Norimatsu Takashi đã bắt đầu công việc tại ĐTQG nữ một cách tích cực. Quan điểm của tôi là phải kéo dài sự hợp tác toàn diện giữa VFF và JFA sau khi bản thỏa thuận 2 năm giữa hai bên kết thúc. Nói một cách thẳng thắn là phía bạn đang hỗ trợ, chứ chúng ta chưa có điều kiện để đáp lại một cách tương xứng. 
 
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đánh giá cao nỗ lực của HLV Toshiya Miura với các ĐTQG nam Việt Nam
 
Hiện đang có những ý kiến nghi ngờ năng lực, sự phù hợp của HLV Miura khi dẫn dắt ĐT U23 QG. Quan điểm của ông thế nào?
- Việc bàn ra tán vào về trường hợp của ông Miura không phải chỉ bây giờ mới có. Khi ông ấy mới đến, nhiều người đã hồ nghi nhưng sau đó, phải ngỡ ngàng và hết lời tung hô về những gì ông ấy đã làm. Có hai việc làm của ông Miura đang bị một số người phản ứng. Đầu tiên là việc đặt ra quy chế phát ngôn. Tiếp đó là các bài tập nhồi thể lực ở ĐT U23 Việt Nam. Tôi xin thưa rằng, việc làm ấy của ông Miura cho thấy sự chuyên nghiệp và là điều hết sức bình thường ở các nền bóng đá chuyên nghiệp. Chúng ta biết, nhưng lâu nay vẫn thích đi theo lối mòn xưa cũ và giờ có người đặt ra giới hạn mới thì đương nhiên bị phản ứng. Có chuyên gia bóng đá chê ông Miura là “không ai biết ở Nhật”. Tôi thì nghĩ thế này, mọi người sẽ biết đến HLV trưởng ĐT Việt Nam nếu chúng ta có thể chi 2 triệu USD/năm. Việc đó thì không thể rồi! Hơn thế nữa, với điều kiện hiện tại của nền bóng đá thì nhiều người cho rằng, đến Mourinho cầm quân thì cũng chưa chắc thành công ở Việt Nam! Vậy nên, tôi rất cầu thị, tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến phản biện, thậm chí là chỉ trích, nhưng tôi và VFF có quyền được lựa chọn và quyết định. Vì thế, tôi đã nói với ông Miura là “tôi ủng hộ ông trong cách xây dựng đội tuyển. Hãy làm điều mà ông cho là đúng và đừng bận tâm đến áp lực!”. Vì thế, việc ông Miura huấn luyện thể lực cho ĐT U23 QG là điều hết sức bình thường và chúng tôi tôn trọng việc làm đó. Lâu nay cầu thủ của mình thể lực yếu, chỉ đủ sức đá 60-70 phút, chạy khoảng 6 km trong khi đối thủ chạy 8-10 km một trận đấu. Ở CLB, một số HLV không quan tâm đúng đến việc tích lũy, nâng cao thể lực cho cầu thủ. Họ sợ bị phản ứng, hoặc không quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Thế nên, khi lên đội tuyển, bị nhồi thể lực thì cầu thủ quá tải và chấn thương. Vậy nên, đừng đổ lỗi cho Miura khi ông ấy đang thực hiện những quy trình hết sức căn bản của bóng đá.
 
Nhưng vẫn có ý kiến đề nghị xem xét lại vai trò của HLV Miura, quan điểm của ông thế nào?
- Một số người đang kêu gọi xem xét sự phù hợp của ông Miura khi ĐT U23 Việt Nam có kết quả không như ý trong các trận đấu tập huấn. Có một thực tế là một bộ phận dư luận muốn đội bóng phải thắng trong mọi trận đấu. Họ cũng không quan tâm đến thực tế là đội bóng đang trong quá trình thử nghiệm. Trước đây, chúng ta luôn mỉa mai là đội bóng luôn ở tình trạng “thử kêu đốt xịt”. Giờ ông Miura thử cho đấu trường chính thì vẫn bị phản ứng. Cá nhân tôi cho rằng, ông Miura đang có cách tiếp cận vấn đề đúng. Tôi đặt tham vọng, với hướng đi này, 5 năm tới, chúng ta sẽ có một ĐTQG khác. Đó là một đội bóng mạnh mẽ về thể lực, có tư duy chiến thuật và bản sắc trong lối chơi.
 
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng luôn quan tâm sát sao tới công tác đào tạo tài năng cho bóng đá Việt Nam
 
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là ĐTQG nữ sẽ nằm ở đâu trong kế hoạch nâng tầm chất lượng các ĐTQG?
- Nếu bạn để ý sẽ thấy, VFF đang có những đầu tư bài bản cho bóng đá nữ. Nó không chỉ thể hiện ở việc, chúng tôi mời HLV Nhật Bản, ông Norimatsu Takashi về trực tiếp tuyển chọn cầu thủ và dẫn dắt ĐTQG. Giải VĐQG nữ đã được tổ chức với nhiều nét mới, trong đó đáng chú ý là tăng số lượng đội tham dự và tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ. VFF cũng tích cực tạo nguồn thông qua việc tập trung dài hạn các đội dự tuyển trẻ để chuẩn bị nhân sự cho ĐTQG trong tương lai. Chúng tôi cũng lên kế hoạch tập huấn, thi đấu đầy tham vọng cho ĐTQG nữ với mục tiêu, xác lập được một vị thế cao trên đấu trường quốc tế.
 
ĐTQG chỉ thực sự mạnh nếu V-League sống động và phát triển. VFF sẽ nâng tầm sân chơi cao nhất quốc nội như thế nào, thưa ông?
- VFF đã và đang đặt ra những lộ trình cụ thể và đầy tham vọng cho V-League. Để nâng tầm V-League, việc đầu tiên mà chúng tôi hướng đến là từng bước ngăn chặn và loại trừ bạo lực ra khỏi đời sống bóng đá. Kể từ lần xử lý pha vào bóng thô bạo của cầu thủ Trần Đình Đồng (SLNA) tôi thấy các pha bóng bạo lực đã giảm đi đáng kể. Mỗi vòng đấu, tôi đều hỏi anh Nguyễn Văn Mùi, Trưởng ban Trọng tài, là có thẻ đỏ không? Thẻ đó đó là trực tiếp hay gián tiếp, có tình trạng vào bóng thô bạo, triệt hạ đối phương hay không? Rất mừng là báo cáo từ bộ phận chuyên môn là những pha bóng thô bạo đã giảm đi rất nhiều. Tôi nhấn mạnh, bóng đá là cuộc đấu tay đôi, cần sự quyết liệt, nhưng nó không đồng nghĩa với bạo lực. Việc làm thứ hai mà VFF đã và đang làm nhằm nâng cao chất lượng V-League là đề cao đạo đức sân cỏ, tinh thần cao thượng trong bóng đá. Khán giả và các nhà đầu tư không thể đến sân, bỏ tiền tài trợ cho đội bóng nếu họ thường xuyên chứng kiến hình ảnh xấu xí, lối ứng xử phi thể thao. Họ chỉ yêu và chấp nhận bỏ tiền nếu được chứng kiến những hình ảnh, hành xử lay động lòng người. Tôi còn nhớ rằng, năm 2006, sau khi không thành công trong việc chinh phục ngôi vô địch World Cup, người Đức đã thực hiện một chiến dịch đầy tham vọng là đầu tư cho một lứa cầu thủ mới với một triết lý bóng đá mới, quyến rũ hơn. Ban đầu, chiến lược này đã bị phản ứng gay gắt từ dư luận và một số nhà chuyên môn. Đích thân Thủ tướng Đức là bà Angela Merkel đã phải tổ chức một cuộc hội thảo với giới truyền thông và chuyên môn nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch đầy tham vọng của LĐBĐ nước này. Và giờ, tất cả đều thấy, người Đức đã bước lên đỉnh thế giới nhờ một lối chơi đẹp, nhưng quan trọng hơn, chiến công ấy có được là nhờ tầm nhìn sâu rộng của những người làm bóng đá và sự ủng hộ của dư luận. Nhân đây, tôi cũng chia sẻ là bản thân dành nhiều tình cảm cho ĐT U19 QG bởi thực tế, họ đá chơi thứ bóng đá đẹp, quyến rũ. Họ đi đến đâu cũng có khán giả. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Yêu mến ở đây không có nghĩa là thiên vị. Yêu mến ở đây là ghi nhận với những đóng góp của người làm bóng đá và xa hơn nữa, tôi muốn nền bóng đá có nhiều đội bóng đá đẹp và cao thượng như U19 QG, có nhiều đội bóng đào tạo trẻ tốt như HA.GL, SLNA, Viettel…
 
 
Ông đã nói về HA.GL và các trung tâm đào tạo trẻ khác. Với tư cách là người đứng đầu VFF, ông đánh giá thế nào về chuyển biến của công tác đào tạo trẻ hiện nay?
- Mô hình của HA.GL đã được kiểm chứng về sự hiệu quả. PVF cũng có những bước đi nhằm tìm kiếm sự hoàn thiện. Nhưng, tôi đặc biệt đánh giá cao Trung tâm đào tạo Viettel. Tôi đã đến thăm cơ sở mới của Trung tâm này ở Láng Hòa Lạc. Phải nói rằng, đây là một trong những Trung tâm bề thế và hiện đại bậc nhất châu lục, thậm chí là thế giới. Tôi được biết Viettel đã có kế hoạch hợp tác với Borussia Dortmund để thành lập học viện bóng đá. Họ cũng có sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với học viện của HA.GL. Nếu đúng lộ trình, tôi tin, Viettel sẽ là thế lực của bóng đá Việt Nam và châu lục. Họ sẽ có một tương lai sáng sủa bởi đây là Trung tâm có truyền thống và sự dồi dào về năng lực tài chính mà không một CLB nào của Việt Nam có được.
 
Câu hỏi cuối cùng, bóng đá Việt Nam cần phải làm gì để cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, qua đó nâng cao chất lượng nền bóng đá?
- Không thể có một nền bóng đá phát triển nếu thiếu hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại phục vụ đào tạo và thi đấu. Hiện tại, ở Việt Nam chỉ có sân Mỹ Đình là đáp ứng yêu cầu của FIFA để tổ chức các trận quốc tế. Sân Thống Nhất và Bình Dương thì chỉ đáp ứng được yêu cầu của AFC. Tôi muốn đưa các trận đấu quốc tế của ĐTQG đến các sân vận động trên cả nước, ví dụ như sân Vinh. SLNA là đội bóng đóng góp nhiều tuyển thủ cho ĐTQG và NHM bóng đá Nghệ An có quyền được chứng kiến các cầu thủ con cưng thi đấu trên sân nhà. Thế nhưng, đến nay sân Vinh vẫn chưa đủ điều kiện để tổ chức các trận đấu quốc tế. Trong buổi làm việc mới đây với Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã bày tỏ sự ủng hộ và quyết tâm cải thiện hệ thống cơ sở vật chất sân Vinh. Tôi nghĩ rằng, các địa phương cần ủng hộ đội bóng trong việc cải thiện hệ thống cơ sở vật chất. Bởi lẽ, với điều kiện tài chính hiện tại, ít đội bóng có thể tự lo về cơ sở vật chất.
 
Một năm nhìn lại, tôi thấy rằng bóng đá Việt Nam đang đi đúng lộ trình trong việc thực hiện kế hoạch làm sạch và nâng tầm chất lượng nền bóng đá. Tất nhiên, con đường đi đến đích bao giờ cũng gian nan, có nhiều thử thách, nhưng với những tín hiệu tích cực đã phân tích ở trên, tôi tin bằng quyết tâm và hành động của mình, VFF đủ sức dẫn dắt nền bóng đá tiến lên phía trước.
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Hy vọng Thể Công trở lại
Tôi hy vọng Thể Công sớm trở lại với sự vào cuộc quyết liệt của tập đoàn Viettel. Có thể tên gọi mới của đội bóng là Thể Công Viettel, hoặc Viettel Thể Công cũng được. Nhưng, sự hiện diện của đội bóng này trên bản đồ bóng đá, trước hết là giải hạng Nhất QG sẽ tạo ra cú hích cho sự phát triển. Ở Việt Nam, Viettel có điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển bóng đá. Tôi tin, nếu thực sự quyết tâm, đội bóng này sẽ vươn đến tầm châu lục.
 
Không giảm án cho cầu thủ tiêu cực!
Khi chứng kiến hình ảnh cầu thủ Lê Quang Hùng (V.NB) khóc tại tòa tôi cũng thương và tiếc lắm. Đó là cầu thủ có chuyên môn nhưng vì dính đến tiêu cực mà bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Nhưng, đó là quyết định không thể khác. Trong tương lai chúng ta có thể giảm án cho cầu thủ, nhưng ít nhất, trong nhiệm kỳ của tôi, điều đó không diễn ra. Sắp tới, khi có hồ sơ pháp lý của các cầu thủ Đồng Nai dính tiêu cực, tôi sẽ chuyển hồ sơ cho Trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường. Theo đúng tinh thần Hội nghị Ban chấp hành VFF, các cầu thủ liên quan sẽ bị loại ra khỏi sân chơi do VFF quản lý.
http://bongdaplus.vn

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chi đoàn Đồn Biên phòng CKQT Thanh Thủy: Tổ chức giải đấu giao lưu bóng truyền

BHG - Chiều ngày 24. 3, Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Thanh Thủy phối hợp với Đoàn xã Thanh Thủy và chi đoàn các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn tổ chức giải đấu giao lưu bóng chuyền chào mừng Kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26. 3.1931 –2015). Đây là dịp để các đoàn viên, thanh niên trong các chi đoàn có dịp để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời là cơ hội rèn luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe cho các đoàn viên.

25/03/2015
U23 Việt Nam kết thúc chuyến tập huấn: Va đập và trưởng thành

U23 Việt Nam đã kết thúc 1 tháng tập huấn, thi đấu giao hữu và đến ngày 27/3 sẽ chính thức bước vào tranh tài tại vòng loại U23 châu Á 2016. HLV Toshiya Miura vẫn đang đối mặt với khối lượng công việc lớn và bây giờ, qua những lần "va đập", ông đã tạo nên một U23 Việt Nam có hình hài tươi sáng.

24/03/2015
M.U đã "ngấm" triết lý của Van Gaal?

Chuyện M.U giành chiến thắng không có gì mới. Dù người ta chỉ trích Quỷ đỏ đủ đường, họ vẫn thắng 16 trận trước khi vòng 30 diễn ra, chỉ kém 1 trận thắng so với thành tích của Man City và Arsenal. Nhưng cách M.U đánh bại Liverpool, và trước đó là Tottenham, thì lại rất đáng bàn.

24/03/2015
Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức giải bóng đá kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931- 2015)

BHG- Trong 2 ngày 21 – 22.3, tại Sân bóng Cao nguyên đá, phường Nguyễn Trãi (TPHG), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh phối hợp với Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh, Đoàn thanh niên Công an tỉnh, Đoàn thanh niên Bộ CHQS tỉnh, Đoàn thanh niên Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Thành đoàn Hà Giang tổ chức giải bóng đá kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

23/03/2015