Hà Giang

Đầu tàu kinh tế châu Âu trong khủng hoảng

13:36, 27/07/2022

Nguồn cung khan hiếm và giá năng lượng tăng cao đã tác động mạnh tới nền kinh tế Đức. Trong ngành công nghiệp, khoảng một phần tư số công ty phải giảm quy mô hoặc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức thiệt hại của “đầu tàu kinh tế châu Âu” lên tới 2,7% GDP vào năm 2023 và 0,4% vào năm 2024.

Ảnh minh họa: Người dân đi bộ tại đại lộ mua sắm Kurfurstendamm, Đức, ngày 5/12/2020.
Ảnh minh họa: Người dân đi bộ tại đại lộ mua sắm Kurfurstendamm, Đức, ngày 5/12/2020.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), giá năng lượng tăng cao buộc ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Đức giảm sản lượng, thậm chí đình chỉ toàn bộ lĩnh vực kinh doanh. Khoảng 16% số công ty sản xuất công nghiệp buộc phải có những quyết định phù hợp bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, tỷ lệ này cao gấp đôi (32%) với những công ty sử dụng nhiều năng lượng, như các ngành thép, thủy tinh và giấy.

Đây là những con số đáng báo động đối với lĩnh vực công nghiệp của Đức và giá năng lượng cao kéo dài tạo gánh nặng đối với ngành sản xuất của nước này. Tình hình của nhiều công ty được dự báo có thể tiếp tục xấu. Ngay từ tháng 7 này, nhiều công ty đã phải mua khí đốt trên thị trường cho những tháng còn lại trong năm. Chỉ khoảng 50% số công ty công nghiệp đáp ứng được nhu cầu về khí đốt cho cả năm thông qua các hợp đồng.

Những diễn biến khó đoán trên thị trường năng lượng gây ra rủi ro đáng kể cho nền công nghiệp của Đức, nhất là khi nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa đông ngày một rõ nét. Cơ quan Quản lý mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur) vừa thông báo, Đức đang trở lại lộ trình bơm khí đốt ổn định, song nhiều khả năng sẽ không đạt mục tiêu về dự trữ khí đốt.

Ngay khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) hoạt động trở lại sau 10 ngày bảo trì, dù chỉ vận hành với 40% công suất, Bộ Kinh tế Đức đã nâng mục tiêu dự trữ khí đốt, theo đó lấp đầy 75% kho dự trữ khí đốt vào ngày 1/9, nâng lên 85% vào ngày 1/10 và 95% vào ngày 1/11. Tuy nhiên, tính đến ngày 23/7, tổng lượng khí đốt dự trữ của Đức mới đạt 65,91%. Với công suất vận chuyển của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 như hiện nay, dự trữ khí đốt của Đức chỉ có thể đạt mức tối đa là 80%-85%.

Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ Đức kích hoạt giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt và mới đây tiếp tục công bố gói biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng mới, trong đó quy định rõ việc tăng mức tích trữ đối với các cơ sở dự trữ khí đốt. Ngoài nguồn dự trữ than cứng cho các nhà máy điện đã được kích hoạt, việc dự trữ than non cũng được kích hoạt từ ngày 1/10 tới. Việc vận chuyển than và dầu được ưu tiên trong ngành vận tải đường sắt. Bộ Kinh tế cũng công bố các quy định sửa đổi để tiết kiệm năng lượng.

Cuộc xung đột tại Ukraine làm gián đoạn nguồn cung khí đốt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Mặc dù Chính phủ Đức đã thực thi nhiều biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, song nguy cơ Nga có thể dừng nguồn cung khí đốt tới Đức bất cứ lúc nào được dự báo khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 1,5% GDP trong năm 2022.

Theo IMF, nếu kịch bản Nga đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 xảy ra, hoạt động kinh tế của Đức có thể giảm sút đáng kể và lạm phát gia tăng mạnh. IMF dự báo, kinh tế Đức chỉ có thể tăng trưởng 1,2% trong năm 2022 và 0,8% năm 2023. Ngoài ra, theo IMF, giá năng lượng tăng cùng với việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga đồng nghĩa với việc lạm phát có khả năng tiếp tục tăng cao trong hai năm tới. Lạm phát ở Đức có thể lên tới 7,7% trong năm 2022 và 4,8% năm 2023.

Không thể trông cậy hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, Đức đã lên các phương án nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như giảm mức tiêu thụ khí đốt. Chính phủ Đức đang làm tất cả có thể để vượt qua tình huống khó khăn hiện nay, khi nền kinh tế đầu tàu châu Âu chao đảo trong “bão khủng hoảng” do giá năng lượng leo thang và nguồn cung khí đốt bấp bênh.

Theo Nhân Dân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cuba phát triển vaccine mới chống biến thể Omicron
Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm Cuba (BioCubaFarma) Eduardo Martínez ngày 25/7 cho biết các nhà khoa học nước này đang phát triển một kháng nguyên chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và sẵn sàng cho ra mắt thêm một ứng cử viên vaccine ngừa Covid-19 nữa.
26/07/2022
Thổ Nhĩ Kỳ công bố kế hoạch sớm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine
Ngày 24/7, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, trung tâm điều phối tại Istanbul, được thành lập sau những thỏa thuận ngày 22/7 về nguồn cung nông sản từ Ukraine, đang triển khai những nỗ lực nhằm khởi động tiến trình xuất khẩu ngũ cốc thông qua Biển Đen một cách sớm nhất có thể.
25/07/2022
Australia có số ca tử vong do COVID-19/ngày cao nhất trong đợt bùng phát Omicron mới

Ngày 21/7, Australia đã báo cáo số người tử vong do COVID-19/ngày cao nhất, trong khi số người nhập viện dao động gần mức cao kỷ lục.


22/07/2022
Hợp chủng quốc Mexico

Cùng với Việt Nam, Mexico là một trong 11 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 


22/07/2022