Nỗ lực ngăn khủng hoảng lương thực toàn cầu

07:21, 22/05/2022

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dư âm của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, những ngày gần đây, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đã nhóm họp, tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề này. Đây được cho là những động thái nhằm giúp thế giới giảm bớt nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện.

 

Nhiều người dân châu Phi sống bằng nguồn cứu trợ lương thực do xung đột và hạn hán.
Nhiều người dân châu Phi sống bằng nguồn cứu trợ lương thực do xung đột và hạn hán.

Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình an ninh lương thực toàn cầu được tổ chức tại New York (Mỹ) ngày 20-5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley và Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu (Khuất Đông Ngọc) đã nêu bật những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mất an ninh lương thực trên toàn cầu.

Theo đó, ở vùng Sừng châu Phi, hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua đã ảnh hưởng tới hơn 18 triệu người. Xung đột và bất ổn tiếp diễn tại Ethiopia và Somalia làm cho cuộc sống của người dân thêm khốn khó. Cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguy cơ bất ổn an ninh lương thực càng thêm trầm trọng do Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của thế giới. Hiện có tới 25 triệu tấn ngũ cốc mà thế giới rất cần đang bị phong tỏa tại các cảng ở nước này.

Trong khi đó, việc nhiều quốc gia không xuất khẩu ngũ cốc nhằm bảo vệ nguồn cung trong nước cũng là nguyên nhân đẩy giá lương thực ngày càng “phi mã”. Nếu các biện pháp hữu hiệu không kịp thời được đưa ra, giá lương thực tiếp tục leo thang, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể sẽ chính thức xảy ra vào năm 2023.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres đề xuất 4 bước mà các nước có thể thực hiện để ngăn chặn xung đột và đói kém, bắt đầu với việc tìm các giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột mới, xây dựng nền hòa bình bền vững. Bước quan trọng nhất hiện nay là Hội đồng Bảo an cần nỗ lực hết sức trong quyền hạn để thúc đẩy đạt được thỏa thuận ngừng bắn cũng như hòa bình ở Ukraine nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Thứ hai là việc bảo vệ quyền tiếp cận nhân đạo và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Thứ ba, cần có sự phối hợp để giảm thiểu những nguy cơ dẫn tới mất an ninh lương thực, năng lượng và tài chính. Cuối cùng, ông A.Guterres kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ đầy đủ cho các hoạt động nhân đạo với những cơ chế hỗ trợ phát triển chính thức.

Cũng trong một nỗ lực nhằm hạn chế những nguy cơ đối với an ninh lương thực toàn cầu, ngày 19-5 vừa qua, các bộ trưởng phát triển của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã quyết định thành lập liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu. Cơ chế này cho phép G7 làm việc với các đối tác khác để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động, ứng phó một cách nhanh chóng đối với tình trạng khan hiếm lương thực hiện nay. G7 cũng mong muốn thay đổi cấu trúc một cách bền vững để trong tương lai, các nước có khả năng tự cung tự cấp lương thực tốt hơn.

Theo thống kê mới nhất của WFP, số người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực ở mức nghiêm trọng trên toàn cầu đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19, lên 276 triệu người. Đến cuối năm 2022, dưới tác động tích tụ của các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và chính trị liên tục diễn ra, con số này dự báo sẽ tăng lên 323 triệu người. Nạn đói tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đang bùng phát. Do đó, các quốc gia cần phải hành động một cách quyết đoán và đoàn kết, bảo đảm cung cấp lương thực một cách nhanh chóng cho những người có nhiều nguy cơ nhất. Bên cạnh đó, việc tăng cường hoạt động sản xuất bền vững, đầu tư thỏa đáng cho các hệ thống sản xuất nông nghiệp sẽ là những bước đi cần thiết để tránh được những cú sốc trong tương lai.

Theo hanoimoi.vn

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nga quyết định cắt nguồn cung khí đốt sang Phần Lan từ ngày 21/5
Công ty khí đốt Gasum của Phần Lan cho biết tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên kể từ sáng 21/5 song Gasum cho biết chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống này.
21/05/2022
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhằm chống tăng giá xăng dầu
Ngày 19/5, với tỷ lệ 217 phiếu thuận và 207 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật do đảng Dân chủ đệ trình nhằm chống lại sự tăng giá đối với xăng dầu.
20/05/2022
EU nỗ lực tự chủ năng lượng
Ủy ban châu Âu (EC) vừa lên kế hoạch chi 195 tỷ euro đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, cũng như tìm kiếm các nguồn cung năng lượng mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, châu Âu phải quyết liệt hơn mới có thể thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng này, nhất là khi nội bộ Liên minh châu Âu (EU) chưa thể “đồng thanh tương ứng” trong việc dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
19/05/2022
Máy bay Triều Tiên đến Trung Quốc nhận hàng hỗ trợ chống dịch
Những chuyến bay khứ hồi giữa Triều Tiên và Trung Quốc vài ngày gần đây dường như là các chuyến bay quốc tế đầu tiên của Air Koryo kể từ đầu năm 2020.
18/05/2022