Mỹ trừng phạt loạt quan chức Myanmar

11:31, 03/07/2021

Bộ Tài chính Mỹ liệt ba thành viên hội đồng hành chính, 4 bộ trưởng và 15 người thân của các quan chức Myanmar vào danh sách trừng phạt.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/7 liệt 22 cá nhân liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar vào danh sách trừng phạt.

7 người trong số này là thành viên chính quyền quân sự Myanmar, bị cáo buộc "tiếp tục đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ trong nước" và "sử dụng vũ lực sát thương với người Myanmar, bao gồm trẻ em và thành viên các nhóm dân tộc thiểu số".

Các quan chức Myanmar bị trừng phạt gồm thành viên Hội đồng Hành chính Quốc gia (SAC) Saw Daniel, Banyar Aung Moe và Aye Nu Sein, Bộ trưởng Thông tin Chit Naing, Bộ trưởng Đầu Tư và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Aung Naing Oo, Bộ trưởng Lao động, Nhập cư và Dân số Myint Kyaing, Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Thet Thet Khnie.

15 cá nhân còn lại chịu lệnh trừng phạt là vợ, chồng hoặc con cái của các quan chức quân sự cao cấp của Myanmar. OFAC cho biết những người này sở hữu mạng lưới đóng góp vào "lợi nhuận bất chính" của các quan chức chính quyền quân sự.

Binh sĩ Myanmar đứng gác tại một chốt kiểm soát an ninh ở thủ đô Naypyidaw ngày 17/2.
Binh sĩ Myanmar đứng gác tại một chốt kiểm soát an ninh ở thủ đô Naypyidaw ngày 17/2.

OFAC cho biết toàn bộ tài sản tại Mỹ cùng lợi ích của 22 người trong danh sách chịu lệnh trừng phạt sẽ bị phong tỏa. Bất cứ tài sản nào thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp, từ mức 50% trở lên, của những người trong danh sách cũng thuộc diện phong tỏa.

Tất cả giao dịch của công dân Mỹ liên quan đến 22 người trong danh sách trừng phạt hoặc tài sản của họ đều bị cấm, trừ khi được cấp phép đặc biệt.

Đây là động thái trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Myanmar, sau khi quân đội nước này bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực hồi tháng 2. Lệnh trừng phạt gần đây nhất diễn ra hôm 25/3, nhằm vào hai tập đoàn Myanmar Economic Holdings Public Company (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd (MEC), toàn bộ tài sản của họ tại Mỹ bị phong tỏa.

Các cuộc biểu tình bùng nổ tại Myanmar từ tháng 2, khiến lực lượng an ninh nước này dùng vũ lực trấn áp và làm nhiều người thiệt mạng. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết tính tới hôm 28/6, ít nhất 883 người Myanmar thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh. Chính quyền quân sự Myanmar bác bỏ và cho rằng thương vong thực sự thấp hơn.

Theo VnExpress


Cùng chuyên mục

Israel có thể phải hủy gần 800.000 liều vaccine Pfizer
Bộ Y tế Israel sẽ tiêu hủy ít nhất 800.000 liều vaccine Pfizer nếu không tìm được người mua trong vòng 2 tuần tới, một kênh truyền hình đưa tin. Số liều vaccine Pfizer này sắp hết hạn vào cuối tháng 7 và trị giá hàng trăm triệu USD, theo kênh truyền hình Kan.
 

 

30/06/2021
Campuchia thêm 883 ca mắc, 16 ca tử vong do COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn đang tiến sát tới ngưỡng cao 900 ca một ngày, với ngày càng nhiều ca lây nhiễm ngoài thủ đô Phnom Penh và các ca nhập cảnh.

29/06/2021
Indonesia tăng kỷ lục hơn 21.000 ca nhiễm Covid-19

Indonesia tăng hơn 21.000 ca nhiễm mới Covid-19, cao kỷ lục từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đang trở nên quá tải. Giới chức y tế Indonesia thông báo ghi nhận 21.342 ca nhiễm mới nCoV hôm 27/6, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc vượt 2,1 triệu người. Nước này cũng tăng 409 ca tử vong vì Covid-19 chỉ sau một đêm, khiến số người chết vượt 57.000.

28/06/2021
Ấn Độ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Delta Plus

Giữa bối cảnh các biến thể không ngừng xuất hiện và ngày càng nguy hiểm hơn, nhiều nước đã chuyển hướng chiến lược sang yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

26/06/2021