Hà Giang

Mỹ cảnh báo Covid-19 thành 'đại dịch của người không tiêm vaccine'

07:37, 17/07/2021

Giới chức y tế Mỹ kêu gọi dân chúng đi tiêm vaccine Covid-19 và cảnh báo đây đang trở thành đại dịch của những người chưa tiêm chủng.

Nhân viên y tế Mỹ tiêm vaccine Covid-19 cho một bé gái tại bang Bắc Carolina ngày 12/4.
Nhân viên y tế Mỹ tiêm vaccine Covid-19 cho một bé gái tại bang Bắc Carolina ngày 12/4.

Thế giới đã ghi nhận 190.195.823 ca nhiễm nCoV và 4.089.568 ca tử vong, tăng lần lượt 488.629 và 6.824, trong khi 171.666.493 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.917.884 ca nhiễm và 624.426 ca tử vong do nCoV, tăng 29.419 ca nhiễm và 192 ca tử vong so với một ngày trước đó.

"Có một thông điệp rõ ràng đang được đưa ra là Covid-19 đang trở thành đại dịch của những người không tiêm vaccine", giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky ngày 16/7 cảnh báo.

Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày tại Mỹ có 2.790 người phải nhập viện, tăng 36%, số ca tử vong là 221 người, tăng 26%.

Mức gia tăng đột biến tập trung ở các cộng đồng có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp và "những người Mỹ không tiêm vaccine chiếm gần như toàn bộ các ca nhập viện lẫn tử vong do nCoV gần đây", điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết.

Đợt bùng phát mới tại Mỹ chủ yếu do biến chủng gốc Ấn Độ Delta, hay B.1.617.2, chiếm 80% số ca nhiễm. Một nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Virological cho biết biến chủng Delta phát triển nhanh hơn trong cơ thể người so với các chủng trước, đồng thời người nhiễm đưa nhiều virus ra không khí hơn và tăng đáng kể khả năng lây bệnh.

Các loại vaccine Covid-19, bao gồm sản phẩm của Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson, vẫn có hiệu quả cao với biến chủng Delta. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng của Mỹ chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây.

Tính đến 15/7, 67,9% dân số trưởng thành ở Mỹ tiêm ít nhất một mũi vaccine. Với tốc độ hiện tại, Mỹ khó lòng đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho 70% người trưởng thành vào cuối tháng 7.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 31.063.987 ca nhiễm và 413.123 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 38.112 và 560 ca.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng một đợt bùng phát mới có thể ập đến Ấn Độ trong vài tuần tới. Ấn Độ từng hứng đợt bùng phát thảm khốc hồi tháng 4-5.

Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người lớn vào cuối năm nay nhưng chiến dịch này đang chững lại và các thành phố lớn như Delhi và một số bang cho biết họ đã hết vaccine.

Ấn Độ tiêm hơn 9 triệu liều vào ngày 21/6 nhưng con số sau đó đó đã giảm xuống chưa đến ba triệu liều mỗi ngày. Nước này tiêm chủng cho gần 390 triệu người, trong chưa đến 6% dân số đã tiêm hai liều, 23% mới tiêm một liều.

Indonesia báo cáo 1.025 ca tử vong do nCoV trong 24 giờ qua, mức tăng kỷ lục từ khi đại dịch xuất hiện tại quốc gia này, nâng tổng số lên 71.397. Số ca nhiễm mới tại Indonesia là 54.000, cao nhất thế giới, tổng số là 2.780.803.

Tuần trước, quốc gia đông dân thứ tư thế giới đã tiến hành các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, bao gồm đóng cửa các trung tâm mua sắm, nhà hàng và văn phòng tại thủ đô Jakarta, đảo Java và đảo Bali.

Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Yaqut Cholil Qoumas cảnh báo người dân không tụ tập và chuyển sang cầu nguyện tại nhà cho lễ hội Hồi giáo Eid-al-Adha sắp tới để tránh nguy cơ lây lan Covid-19. "Khi chính phủ ban hành các quy định bảo vệ người dân, đó là điều bắt buộc", Bộ trưởng Qoumas nhấn mạnh.

Indonesia dồn lực chống Covid-19 tại đảo Java, nơi các bệnh viện gần như rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, một số vùng xa xôi của đất nước với tỷ lệ tiêm chủng thấp đang bắt đầu chứng kiến ca nhiễm tăng cao.

"Chúng tôi thừa nhận khả năng lây nhiễm ở Java rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi đang đề nghị chính quyền trung ương cũng chú ý tới chúng tôi", Phó thống đốc tỉnh Đông Nusa Tenggara Josef Nae Soi nói, thêm rằng mới có khoảng 12% trong 5,3 triệu dân tại tỉnh này được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Thái Lan trong 24 giờ qua báo cáo thêm 9.692 ca nhiễm và 67 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 của nước này lên lần lượt 381.907 và 3.099.

Bất chấp WHO cảnh báo việc tiêm trộn các vaccine Covid-19 của những hãng sản xuất khác nhau là "xu hướng nguy hiểm" vì chưa được chứng minh, nhà virus học hàng đầu Thái Lan Yong Poovorawan khẳng định có thể đạt hiệu quả tăng cường nhờ kết hợp vaccine bất hoạt Sinovac với vaccine công nghệ vector như AstraZeneca.

57% ca nhiễm mới gần đây ở thủ đô Bangkok liên quan biến chủng Delta. Số ca nhiễm tăng nhanh dẫn đến tình trạng thiếu giường bệnh trầm trọng, khiến giới chức phải cho phép bệnh nhân triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được cách ly tại nhà và các trung tâm cộng đồng. Thái Lan cũng cho phép người dân sử dụng bộ xét nghiệm Covid-19 ngay tại nhà.

Myanmar ghi nhận 6.194 ca nhiễm mới và 190 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên lần lượt 218.739 và 4.536.

Myanmar đang đối mặt với đợt bùng phát lớn khi hàng nghìn nhân viên y tế đình công để phản đối cuộc đảo chính hồi tháng hai. Trong những ngày gần đây, hàng trăm người đã xếp hàng để mua oxy trên khắp Yangon và thành phố lớn thứ hai đất nước Mandalay.

Khoảng 1,75 triệu người đã được tiêm chủng ở đất nước 54 triệu dân. Một quan chức cho biết Myanmar dự kiến nhận 6 triệu liều vaccine Trung Quốc trước tháng 8, cụ thể, chính quyền quân sự đặt mua 4 triệu liều và Bắc Kinh sẽ tặng thêm hai triệu liều. Hồi đầu tháng, Myanmar thông báo họ đồng ý mua hai triệu liều vaccine từ Nga.

Theo vnexpress.net


Cùng chuyên mục

Israel có thể phải hủy gần 800.000 liều vaccine Pfizer
Bộ Y tế Israel sẽ tiêu hủy ít nhất 800.000 liều vaccine Pfizer nếu không tìm được người mua trong vòng 2 tuần tới, một kênh truyền hình đưa tin. Số liều vaccine Pfizer này sắp hết hạn vào cuối tháng 7 và trị giá hàng trăm triệu USD, theo kênh truyền hình Kan.
 

 

30/06/2021
Campuchia thêm 883 ca mắc, 16 ca tử vong do COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn đang tiến sát tới ngưỡng cao 900 ca một ngày, với ngày càng nhiều ca lây nhiễm ngoài thủ đô Phnom Penh và các ca nhập cảnh.

29/06/2021
Saudi Arabia phá đường dây làm giả chứng nhận tiêm vaccine COVID-19

Các nghi phạm, trong đó có 9 quan chức thuộc Bộ Y tế, bị cáo buộc thay đổi tình trạng bệnh, xác nhận tiêm chủng hoặc đã tiêm một hay hai liều vaccine trong giấy chứng nhận giả. Hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA) ngày 15/7 đưa tin nước này đã bắt giữ hơn 120 đối tượng tình nghi cung cấp hoặc mua giấy chứng nhận giả về tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

16/07/2021
Australia sẽ hỗ trợ 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam

Những liều vaccine này được hỗ trợ cho Việt Nam trong bối cảnh trước đó Australia đã cam kết một gói hỗ trợ trị giá 40 triệu AUD cho chương trình triển khai vaccine COVID-19 của Việt Nam. Thượng nghị sỹ Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao và Thượng nghị sỹ Zed Seselja, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương cho biết trong năm 2021, Australia sẽ hỗ trợ 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 AstraZeneca cho chương trình triển khai vaccine của Việt Nam.

15/07/2021