Hà Giang

Trên 26,4 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, Ấn Độ có hơn 84.000 ca nhiễm mới trong ngày

08:36, 04/09/2020

Tính đến sáng 4/9, thế giới đã ghi nhận trên 26,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 871.000 người đã tử vong vì đại dịch này.

Trên thế giới, hiện trên 26,4 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Trên thế giới, hiện trên 26,4 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với hơn 6,3 triệu ca mắc COVID-19 và trên 190.800 người thiệt mạng vì bệnh dịch. Trong 24 giờ qua, hơn 35.200 người đã bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ.

Tổng số ca mắc tại Brazil hiện đã lên tới hơn 4 triệu ca. Trên 124.600 người đã tử vong vì dịch bệnh này tại Brazil. Ngày 3/9, quốc gia này đã ghi nhận hơn 38.700 ca nhiễm mới.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp tại Ấn Độ. Nước này đã ghi nhận gần 4 triệu ca mắc COVID-19, hơn 68.500 người không qua khỏi. Đặc biệt, số ca mắc mới trong 24 giờ qua tại Ấn Độ đã lên tới mức kỷ lục với hơn 84.000 trường hợp, cao nhất thế giới. Theo xu hướng này, Ấn Độ có thể vượt Brazil, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, về tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sau hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngày 3/9, Thái Lan đã ghi nhận ca mắc đầu tiên là một người đàn ông ở thủ đô Bangkok. Đây là ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng tại Thái Lan kể từ ngày 26/5 vừa qua. Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 tại Thái Lan được ghi nhận trong 3 tháng qua đều là các ca nhập cảnh và được phát hiện trong quá trình cách ly.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, các trường học ở thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch COVID-19, đã náo nhiệt trở lại khi học sinh và sinh viên từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước quay trở lại học tập. Từ giữa tháng 5 đến nay, Vũ Hán chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc là hơn 85.000 trường hợp.

Tại Australia, chính quyền bang Victoria cùng ngày thông báo số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức 3 con số với 113 trường hợp. Thực tế này đã phủ bóng đen lên những nhận định lạc quan rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai đã được kiềm chế tại địa phương này. Thủ phủ Melbourne của bang này, cũng là thành phố lớn thứ hai của Australia, đang trong tuần phong tỏa thứ 5 của đợt phong tỏa dự kiến kéo dài trong 6 tuần. Hiện Australia ghi nhận trên 26.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 678 người không qua khỏi.

Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Cộng hòa Czech. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 650 ca bệnh, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch hồi tháng 3. Hiện Czech xác nhận tổng cộng trên 26.000 ca mắc COVID-19. Số ca tử vong do COVID-19 ở Czech đang là 425 ca, thấp hơn các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở nước này đã gia tăng trong những ngày gần đây.

Đan Mạch trong 24 giờ qua đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất kể từ hồi tháng 4 với 179 ca. Đất nước 5,8 triệu dân này là một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội sau khi khống chế thành công dịch bệnh. Tuy nhiên, số các ca nhiễm mới gia tăng nhanh sau đó đã làm chậm tiến trình mở cửa trở lại.

Tương tự, Áo cũng ghi nhận thêm 403 ca bệnh mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 3/4 vừa qua. Có tới 50% số các ca nhiễm mới của Áo là ở thủ đô Vienna. Hiện nước này đã có trên 28.300 bệnh nhân COVID-19, trong đó hơn 700 người đã tử vong vì dịch bệnh.

Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất với trên 633.000 ca nhiễm và hơn 14.500 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 2.400 ca nhiễm mới.

Trung tâm Phòng và kiểm dịch châu Phi (Africa CDC) cho biết, đến nay các nước trong châu lục này đã tiến hành hơn 11,8 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó 10,7% ca dương tính. Năm quốc gia chiếm hơn 70% tổng số ca nhiễm của châu lục gồm Nam Phi, Ai Cập, Marocco, Nigeria và Ethiopia.

Theo vtv.vn


Cùng chuyên mục

Mỹ có thể cấp phép vaccine trước khi giai đoạn thử nghiệm 3 hoàn thành

Các đơn vị phát triển vaccine có thể nộp đơn xin cấp phép và phê duyệt trước khi kết thúc giai đoạn 3. Người đứng đầu Cơ quan Dược và Thực phẩm Mỹ Stephen Hahn cho biết sẵn sàng bỏ qua các quy trình phê duyệt thông thường để cấp phép vaccine ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt. Tuy nhiên ông khẳng định quyết định của cơ quan này không liên quan đến việc làm hài lòng hay thúc đẩy cơ hội tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

31/08/2020
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sẽ điện đàm lần chót với Tổng thống Mỹ

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, người vừa tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe, dự kiến sẽ điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào 31/8 tới đây.Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, người vừa tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe, dự kiến sẽ điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào 31/8 tới đây. Nội dung cuộc điện đàm tập trung vào việc thông báo lý do ông Abe đột ngột từ chức vì lý do sức khỏe, đồng thời, dự kiến... 

29/08/2020
WHO cảnh báo châu Âu về một "giai đoạn khó khăn" khi năm học mới bắt đầu

WHO cảnh báo châu Âu đang bước vào thời kỳ khó khăn trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi năm học mới bắt đầu. Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge hôm nay cảnh báo, châu Âu đang bước vào thời kỳ khó khăn trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi năm học mới bắt đầu. Ông đồng thời nhấn mạnh vai trò của thanh thiếu niên trong việc lây truyền virus SARS-CoV-2.

28/08/2020
Trung Quốc cấp phép thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trên người

Vaccine ngừa Covid-19 tái tổ hợp gen từ tế bào côn trùng vừa được Cục quản lý giám sát dược phẩm Trung Quốc cấp phép thử nghiệm trên người. Người phụ trách phòng thí nghiệm bệnh viện Hoa Tây, thuộc đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc Ngụy Vu Toàn cho biết, các nhà khoa học đã tiến hành chèn gen của virus vào trong tế bào côn trùng, từ đó biến tế bào trở thành "nhà máy" sản xuất protein vaccine tái tổ hợp chất lượng cao.

27/08/2020