60 năm Hiệp ước Rome: còn chăng "sự đoàn kết trong đa dạng" của EU?

06:41, 26/02/2017

EU kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome đặt nền móng cho khối trong bối cảnh phải đối mặt với Brexit, khủng hoảng nhập cư và mối đe dọa khủng bố.

Những ngày này, các nước châu Âu đang tích cực chuẩn bị cho dịp lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký các Hiệp ước Rome tạo nền móng cho Liên minh châu Âu (EU) ngày nay (25/03/1957-25/03/2017). Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, bởi nó diễn ra trong bối cảnh chưa bao giờ các giá trị mà Liên minh châu Âu vẫn hằng theo đuổi lại phải đối mặt với những thử thách lớn như hiện nay.

60 nam hiep uoc rome con chang su doan ket trong da dang cua eu hinh 1

 

Các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại Rome năm 1957, cuộc họp đặt nền móng cho EU sau này. Ảnh: Nghị viện châu Âu EP

Ngày 25/3/1957, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg đã ký một hiệp ước tại Rome, thành lập nên Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), còn được gọi là Thị trường chung (Common Market). Đi vào hoạt động chỉ chưa đầy 1 năm sau đó, từ tháng 1/1958, có thể nói, EEC là một bước tiến quan trọng trong phong trào liên minh kinh tế và chính trị của châu Âu.

60 năm sau đó, số lượng thành viên của cộng đồng này đã tăng lên từ 6 lên 28 quốc gia trải dài cả Đông và Tây Âu. Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh không ngừng này, Liên minh châu Âu cũng đang phải trải qua một thời kỳ khó khăn, với những thách thức được xem là lớn nhất trong 60 năm tồn tại của mình.

Cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đã buộc nhiều nước phải ngừng thực hiện các quy định của Không gian tự do đi lại Schengen, trong khi các nhà lãnh đạo EU không thể thống nhất được với nhau về việc làm thế nào để chia sẻ gánh nặng của cuộc khủng hoảng này.

Nền kinh tế EU cũng đang đi theo chiều hướng xấu với tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới thanh niên ở Nam Âu và cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp vẫn đang đe doạ khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Việc Anh rời EU là một đòn giáng mạnh khiến EU bị mất đi một thành viên chủ chốt và điều đó làm liên minh này bị suy yếu.

Điều đáng sợ hơn chính là hiệu ứng Domino.

Hiện nay, ở nhiều nước, tỉ lệ người dân muốn rời EU cũng cao ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn tỉ lệ người dân ủng hộ ở lại EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker từng cảnh báo, cuộc trưng cầu dân ý ở Anh có thể đe dọa mọi thành tựu mà người dân châu Âu đoàn kết mới có được.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome, tại địa điểm có ý nghĩa này đã diễn ra cuộc gặp mặt của những người yêu mến và luôn đấu tranh cho các giá trị của Liên minh châu Âu. Tất cả đều là những người từng và sắp theo học chương trình trao đổi sinh viên Eramus, một trong những biểu tượng đoàn kết của Liên minh châu Âu được thành lập cách đây đúng 30 năm, song lại đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Italy phụ trách vấn đề Liên minh châu Âu Sandro Gozi, từng là sinh viên Eramus tại Paris trong những năm 1990 hi vọng chương trình sẽ vẫn được tiếp tục và đây sẽ là minh chứng tốt nhất cho sự đoàn kết của EU.

Bà nói: “Tôi hi vọng Liên minh châu Âu sẽ sớm thoát khỏi tình cảnh hiện nay. Bởi nếu không trong 30 năm nữa, châu Âu sẽ tiếp tục phân rã và trên thực tế tiến trình này cũng đã bắt đầu. Nếu châu Âu đưa ra lựa chọn chính trị đúng đắn, trước mắt tôi sẽ là một châu Âu phát triển bền vững, một châu Âu liên hiệp và tích cực trên thế giới.”

Thổ Nhĩ Kỳ  là một trong những quốc gia mới nhất tham gia vào chương trình Eramus. Baris Katas, một sinh viên 22 tuổi đã bày tỏ hi vọng Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục là “biểu tượng của sự đoàn kết trong đa dạng”.

“Đối với tôi, châu Âu là một điều gì đó phát triển không ngừng, chứ không dậm chân tịa chỗ, đó là một liên minh luôn vận động, thay đổi và thích ứng với  thời kỳ mới” - Baris Katas chia sẻ.

Trong năm 2017 này, các cuộc bầu cử quan trọng sẽ được tiến hành ở Hà Lan, Pháp và Đức. Bất cứ cuộc bầu cử nào trong số này cũng có thể đem tới sự lên ngôi cho phe dân túy và gia tăng thêm bất ổn cho EU.

Song trong một năm có nhiều nguy cơ lớn về chính trị này, lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng có ý nghĩa đối với tương lai Liên minh châu Âu.

Lễ kỷ niệm này có tầm quan trọng về mặt chính trị bởi nó diễn ra cùng với bước ngoặt đầu tiên cho mối liên kết châu Âu thời hậu chiến, đó là việc nước Anh rời Liên minh châu Âu.

Điều này sẽ khiến toàn EU phải thêm quyết tâm dồn hết nỗ lực để biến lễ kỷ niệm này thành một sự kiện tập hợp những thành viên còn lại./.

VOV.VN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng lòng tin - thông điệp tại cuộc đàm phán hòa bình về Syria

Để đàm phán thành công, việc trước tiên Chính phủ Syria và phe đối lập cần làm chính là xây dựng lòng tin đối với nhau.

24/02/2017
Hoãn ban hành sắc lệnh nhập cư mới, ông Trump chấp nhận thất bại?

Dù đã hoãn ban hành sắc lệnh nhập cư mới nhưng chính quyền Trump vẫn cho thấy quyết tâm theo đuổi chính sách hạn chế người nhập cư.

24/02/2017
EC cảnh báo Anh sẽ phải trả giá đắt vì Brexit

 Ngày 21/2, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cảnh báo cái giá của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ "rất chát".

23/02/2017
Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc sau 1 tháng ông Trump trở thành Tổng thống

Những người ủng hộ nhiệt thành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra thất vọng khi nhiều người "không nhận ra những thành công ban đầu" của ông.

22/02/2017