Hà Giang

LHQ quyết tâm siết chặt mọi nguồn cung tài chính của khủng bố

15:14, 13/02/2015

Trong một động thái được cho là kiên quyết đóng góp vào nỗ lực toàn cầu về chống khủng bố, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 12/2 đã nhất trí thông qua một Nghị quyết nhằm làm suy kiệt các nguồn thu tài chính của các tổ chức khủng bố.

Cùng với đó, Hội nghị đặc biệt của Liên minh châu Âu vừa nhóm họp cũng đã nhất trí về một số giải pháp bổ sung để đánh bại các lực lượng cực đoan trên thế giới. 

Bản dự thảo nghị quyết do Nga soạn thảo sau khi tham vấn với Mỹ và châu Âu, đã nhận được sự ủng hộ của 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Văn bản có tính ràng buộc về pháp lý này dựa trên phần lớn những lệnh trừng phạt trước đó của Liên Hợp Quốc nhằm vào những tổ chức, cá nhân có liên quan đến mạng lưới khủng bố quốc tế al- Qaeda, đặc biệt là phong tỏa tài sản và cấm vận vũ khí.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang kiểm soát hầu hết mỏ dầu ở Mosul, Iraq (ảnh: AP)
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang kiểm soát hầu hết mỏ dầu ở Mosul, Iraq (ảnh: AP)

Theo đó, nghị quyết cấm toàn bộ các hoạt động thương mại với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), al- Qaeda hay phiến quân Hồi giáo Nursa Front...

Nghị quyết của Liên Hợp Quốc hối thúc các quốc gia kiên quyết ngăn chặn nguồn hàng hóa như kim loại, vật nuôi, ngũ cốc, thiết bị điện tử, thuốc lá, vũ khí đặc biệt là dầu mỏ ra-vào các vùng lãnh thổ do khủng bố kiểm soát. Bên cạnh đó, nghị quyết yêu cầu các nước ngừng ngay việc trả tiền chuộc con tin cho các nhóm khủng bố. Bởi, nếu việc làm này tiếp diễn sẽ đặt người dân trên toàn cầu vào sự nguy hiểm hơn khi họ là  “miếng mồi ngon” cho chúng. Tuy nhiên, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhấn mạnh không cho phép sử dụng vũ lực quân sự.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin gọi đây là một phản ứng rất rõ ràng và kiên quyết của Liên Hợp Quốc trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố.

“Tôi tin rằng đây là những phản ứng quyết liệt cho thấy sự cần thiết của việc sử dụng nỗ lực tập thể để giải quyết các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt. Dựa trên nghị quyết 2199 được thông qua trước đó, chúng tôi bổ sung thêm nội dung về chặn đứng các nguồn tài trợ cho khủng bố cũng như các hoạt động thương mại bất hợp pháp về dầu. Tôi nghĩ rằng, đây là giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ  khủng bố không chỉ ở Syria, Iraq ở Trung Đông hay  nơi nào khác trên thế giới, nơi chủ nghĩa khủng bố đang manh nha trỗi dậy”, ông Vitaly Churkin nói.

Sau khi nghị quyết được Hội đồng Bảo An thông qua với sự nhất trí cao, đại sứ của Iraq và Syria tại Liên Hợp Quốc cho rằng biện pháp này sẽ giúp phá vỡ sự liên kết giữa các phần tử thánh chiến trên khắp thế giới cũng như các nhóm tội phạm ở châu Âu, Jordan hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ Iraq và Syria nhấn mạnh, đây còn là một bước đi đúng đắn để tiến tới thiết lập một khuôn khổ rộng lớn hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, không chỉ ở khu vực Trung Đông mà trên toàn thế giới.

Đại sứ Iraq Mohamed Ali Alhakim nói: "Đối  với Iraq, tại sao điều này là vô cùng quan trọng? Bởi vì, khủng bố đang buôn lậu dầu và khí đốt. Ngoài ra, chúng còn gia tăng các vụ cướp bóc các tài sản văn hóa cổ từ Mosul hay các khu vực mà chúng đang chiếm giữ. Hơn bao giờ hêt, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế để giúp ngăn chặn vấn đề này”

Số liệu của Liên Hợp Quốc ước tính, doanh thu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo từ việc bán dầu dao động trong khoảng từ 846.000 đến 1,6 triệu USD một ngày. Trong khi đó, nguồn thu từ các khoản đòi tiền chuộc con tin mỗi ngày đem về cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng khoản tiền từ 96.000 đến 123.000 USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của  Bộ Quốc Phòng Mỹ thì dầu mỏ hiện nay không còn là nguồn thu chính của Tổ chức khủng bố này nữa. Bởi lẽ, thời gian qua, các cuộc không kích của Liên quân quốc tế nhằm vào các mỏ dầu đã làm suy yếu nguồn thu từ dầu mỏ của Tổ chức này. Để suy kiệt thêm nữa nguồn tài chính cho khủng bố, Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên nỗ lực hợp tác góp đánh bại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố bằng việc ngăn chặn mọi nguồn thu trực tiếp và gián tiếp từ mọi hướng.

Trước sự gia tăng hoành hành vô cùng tàn bạo của khủng bố, các nước châu Âu ngày càng ý thức rõ ràng rằng chủ nghĩa khủng bố không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Chúng “mọc rễ” và lớn mạnh, trở nên phức tạp và nguy hiểm không chỉ ở Trung Đông mà từ ngay chính trong lòng ở đất nước họ. Chính vì thế, trong tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về chống khủng bố ngày 12/2, các nước thành viên của EU đã nhất trí các đề xuất hành động lẫn cam kết thực thi mạnh mẽ. Trong đó, bao gồm thiết lập hệ thống trao đổi thông tin hành khách, các trạm kiểm soát giữa các quốc gia thành viên, sửa đổi Hiệp ước Schengen để có thể kiểm soát hơn sự di chuyển của các đối tượng bị tình nghi.

Ngoài ra, các nước trong Liên minh châu Âu thống nhất sẽ đẩy mạnh việc trao đổi thông tin tình báo để hỗ trợ nhau trong việc sớm phát hiện các đối tượng khủng bố, đẩy mạnh cuộc chiến truyền thông, xóa bỏ các trang mạng internet mang tư tưởng cực đoan hay lôi kéo, chiêu dụ thanh niên và tăng chế tài trừng phạt những cá nhân, tổ chức bao che và biện hộ cho chủ nghĩa khủng bố cho dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo VOV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Libya: Phe đối lập nêu điều kiện đàm phán với chính phủ

Ngày 29/1, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) Libya - cơ quan lập pháp cũ không chịu từ nhiệm đã nêu điều kiện đàm phán với chính phủ được quốc tế công nhận theo đó phe đối lập sẽ chỉ tham gia nếu đàm phán được tổ chức ở Libya.

30/01/2015
Ông Obama đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng sức mạnh quân sự chống IS

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 13 năm một Tổng thống Mỹ lại yêu cầu Quốc hội trao quyền sử dụng sức mạnh quân sự.

12/02/2015
Ông Ashton Carter sắp trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Tối 10/2, Ủy ban Quân lực Thượng viện đã nhất trí bỏ phiếu chuẩn thuận ông Ashton Carter làm Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp cuả Mỹ.

11/02/2015
Nhà Trắng đề nghị quốc hội cho phép dùng vũ lực chống IS

Nhà Trắng ngày mai sẽ đề nghị quốc hội cho Washington thêm quyền dùng vũ lực để đối phó Nhà nước Hồi giáo, mở đường cho các nghị sĩ bỏ phiếu về quy mô của chiến dịch không kích 6 tháng qua.

11/02/2015