Sáng mãi đường Hạnh phúc

07:28, 17/03/2015

BHG- 50 năm, kể từ ngày con đường Hạnh Phúc (ĐHP) được hoàn thành (20.3.1965 – 2015), những giá trị to lớn mà ĐHP mang lại đã được chứng minh, đưa Cao nguyên đá từng ngày vươn lên. Công lao, hy sinh vì sự nghiệp chung của thanh niên xung phong (TNXP) các tỉnh, đồng bào các dân tộc Hà Giang đã tạc nên trang sử đá, là ngọn đuốc sáng để các thế hệ noi theo. Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết mang tên “Sáng mãi con ĐHP”.

Kỳ I: Hồi ức của “Kiến trúc sư trưởng”

Bác Phạm Đình Dy - “Kiến trúc sư trưởng” con đường Hạnh phúc.
Bác Phạm Đình Dy - “Kiến trúc sư trưởng” con đường Hạnh phúc.

Với ý thức giữ lại những ký ức về con đường Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc hay còn gọi là ĐHP, mấy năm trước, tôi đã cố gắng để gặp được nhân chứng số 1 về ĐHP, ghi lại những hồi tưởng của nguyên Bí thư Tỉnh ủy, “Kiến trúc sư trưởng” Phạm Đình Dy về những năm tháng làm ĐHP.

Trong câu chuyện dài, tôi được biết bác Phạm Đình Dy bắt đầu gắn bó với ngành Giao thông Hà Giang từ những năm 1957, 1958. Bác Dy nhớ lại, từ trước khi được Bộ Giao thông điều lên công tác tại Hà Giang làm Trưởng ty Giao thông, bác đã được lãnh đạo Khu ủy Việt Bắc đặt vấn đề giúp Hà Giang phát triển giao thông, đặc biệt là đường lên các huyện vùng cao. Khi được điều động lên Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Xã đã ngay lập tức gặp bác Dy để bàn về vấn đề mở đường Hà Giang – Đồng Văn.

Ngay sau đó, bác Dy đã có nhiều cuộc đi bộ từ Hà Giang lên Đồng Văn để khảo sát tuyến đường. Bác Dy kể, khi Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xã hỏi có khó khăn quá không, tôi nói rất khó khăn, nhưng nếu quyết tâm thì có thể làm được con đường.

Qua lặn lội khảo sát, bác Dy đã lập được phương án xây dựng con đường và báo cáo với BTV Tỉnh ủy. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xã hỏi bác Dy mấy năm có thể làm xong tuyến đường Hà Giang – Đồng Văn, bác Dy trả lời, nếu với tốc độ của khoảng 1.500 người trên công trường thì mất khoảng 4 năm.

Bác Dy nhớ lại, để tiến đến khởi công con đường, việc khảo sát, lập phương án là cả một quá trình. Thời điểm đó, để “ăn chắc” tỉnh ta còn nhờ thêm các chuyên gia của châu Văn Sơn (Trung Quốc) sang để giúp ta khảo sát, xác định tuyến đường với mong muốn đường ngắn, tiết kiệm nhân vật lực. Hai chuyên gia Trung Quốc sang Hà Giang, sau khi gặp bác Dy, họ đã được bố trí đi khảo sát. Khi về họ báo cáo với Tỉnh ủy một phương án ngắn hơn, dễ làm hơn và nhanh hơn phương án của bác Dy, nhiều người lúc đó nghe xong ngả theo phương án của 2 chuyên gia Trung Quốc. Bí thư Xã hỏi ý kiến bác Dy, bác Dy thừa nhận đường của bạn khảo sát ngắn hơn bởi đi sát biên giới 2 nước, thời gian thi công ngắn hơn vì không vướng nhiều đá. Nhưng bác Dy không tán thành phương án đó bởi nguyên tắc đường giao thông, đặc biệt là đường xương sống phải đi vào nội địa, đường phải có dân. Nếu đi ra biên giới theo phương án của bạn thì sẽ gần như bỏ qua Yên Minh. Bác Dy nhớ lại, lúc đó với sự tâm huyết, tận tụy với công việc Bí thư xã còn nói với tôi, họ (chuyên gia) có đến 2 người, còn anh chỉ có 1!?. Để bảo vệ phương án của mình, tôi đã phải về Hà Nội mời người thầy là cụ Trần Văn Cầu, một chuyên gia cầu đường đầu ngành của nước ta lúc bấy giờ lên đi khảo sát thực tế tuyến đường. Qua khảo sát, cụ Cầu rất đồng tình phương án của tôi, đồng thời nói với tỉnh, cứ nghe và làm theo phương án của anh Dy, không cần phải bàn cãi gì nhiều. Tuyến đường tuy dài hơn, nhưng là tuyến nội địa, có khó khăn ban đầu nhưng đường đá càng vững.

Bác Dy tâm sự, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xã là một người rất nhiệt huyết với giao thông, tận tụy với công việc và vì dân, bản thân tôi rất khâm phục. Trước tình trạng giao thông Hà Giang quá khó khăn, Bí thư Xã có lần nói, “tỉnh gì mà cứ ra khỏi thị xã Hà Giang là chẳng muốn đi đâu”. Bí thư Xã cũng nói, tôi không biết khoa học kỹ thuật nhiều như anh, làm đường khoa học rất quan trọng, nhưng phải lắng nghe dân. Vì thế, có lần ông còn rủ tôi đi bộ băng rừng, vượt núi để khảo sát nhằm tìm ra tuyến đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất vượt qua dốc Quản Bạ.

Sau khi duyệt phương án xây dựng đường, Tỉnh ủy giao cho bác Dy sang báo cáo với Khu ủy Việt Bắc. Bác Dy nhớ lại, tôi sang báo cáo tình hình với anh Thanh Phong, Phó Chủ tịch Khu ủy. Anh Thanh Phong nghe xong và hỏi, quyết tâm của Hà Giang thế nào, tôi nói quyết tâm lắm!. Tiếp đó anh Thanh Phong liền nói, mình các anh không thể làm nổi đâu. Tôi sẽ chịu trách nhiệm đặt vấn đề với 6 tỉnh trong Khu để huy động nhân lực cùng lên mở đường. Tôi rất phấn khởi, trở về báo cáo với Bí thư Xã.

Ngày 10.9.1959 Hà Giang khởi công con đường, ban đầu huy động dân công, đồng bào các dân tộc bắt đầu mở đường Hạnh Phúc từ thị xã Hà Giang. Sau đó, lực lượng thanh niên xung phong các tỉnh từng bước lên Hà Giang, cùng góp sức với công trường tiến lên Cao nguyên đá.

Đường Hạnh phúc như dải lụa mềm mại vắt qua Bắc Xum, Quản Bạ.
Đường Hạnh phúc như dải lụa mềm mại vắt qua Bắc Xum, Quản Bạ.

Đúng như dự tính của bác Dy, con đường Hà Giang – Đồng Văn dài 164km được hoàn thành với thời gian hơn 4 năm, từ tháng 9.1959 – 9.1963. Nếu không có sự kiện phỉ nổi loạn, chắc chắn đường có thể làm nhanh hơn thế. Tiếp đó, tuyến đường từ Đồng Văn – Mèo Vạc qua đỉnh Mã Pì Lèng 21km được quyết tâm thi công. Đây là tuyến đường khó khăn nhất trong toàn tuyến ĐHP. Bác Dy xúc động nói với tôi, con số hơn 2.200.000 ngày công mở ĐHP là con số mà tôi nhớ cả đời. Cùng với hy sinh của lực lượng TNXP, ngày công của đồng bào các dân tộc Hà Giang chiếm gần một nửa. Người dân đi làm đường khổ lắm, cơm đùm, cơm nắm, phải chịu khổ cực để gánh vác nhiệm vụ chung. Bác Dy nhắc tôi rằng, phải viết như thế nào để thể hiện được tinh thần của nhân dân. Con đường có công sức của TNXP, nhưng không thể không nhắc đến công lao của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Thành công vĩ đại là của nhân dân, không thuộc về riêng ai cả. Bản thân tôi cũng chỉ là một trong số nhiều anh em cán bộ giao thông, cán bộ của tỉnh cùng tham gia góp sức.

Kết thúc câu chuyện bác Dy nói, bây giờ Nhà nước làm một con đường như vậy thì không biết hết bao nhiêu tiền của. Nhưng trong điều kiện khó khăn như vậy, ĐHP đã được làm nên bởi tinh thần cộng sản, không ai nghĩ đến chuyện ăn bớt, cắt xén, trên dưới đồng lòng vì sự nghiệp.         

Kỳ II: Tình yêu trên công trường đá.      

HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp – "chìa khóa" nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững

Kỳ I: Thực trạng sản xuất và sự cần thiết tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

17/03/2015
Trưng bày tài liệu Chuyên đề "Quá trình mở đường Hạnh phúc qua tài liệu lưu trữ"

BHG - Nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành "đường Hạnh phúc", sáng 16.3, tại tiền sảnh Hội trường lớn HĐND – UBND tỉnh, Chi cục Văn thư lưu trữ, Sở Nội vụ tổ chức Trưng bày tài liệu Chuyên đề "Quá trình mở Đường hạnh phúc qua tài liệu lưu trữ". 

16/03/2015
Họp ban chỉ đạo Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành "Con đường Hạnh Phúc"

BHG- Sáng 16.3, Ban chỉ đạo Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành "Con đường Hạnh Phúc" đã tiến hành phiên họp thứ 2 để nghe các ngành thành viên báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị các chuỗi sự kiện. Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp.

16/03/2015
Về một con đường mang tên "Hạnh phúc"

BHG - Để có được con đường mang tên "Hạnh phúc" nối thị xã Hà Giang với 4 huyện vùng cao phía Bắc, 14 thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lạị trên cao nguyên đá. ..

13/03/2015