Hà Giang

Bức Phù điêu nơi " Tột Bắc - Séo Lủng"

07:59, 11/03/2015

BHG- Với sự nỗ lực của tỉnh Hà Giang, đặc biệt là 4 huyện trong Công viên Địa chất (CVĐC ) Toàn cầu, sau 4 năm vượt lên mọi khó khăn thách thức như: Chưa có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý của các cấp, sự nhận thức, nghĩa vụ, trách nhiệm, công tác bảo tồn và phát triển các giá trị di sản của cộng đồng trong vùng Công viên chưa cao.

Thiêng liêng Cột cờ Tổ quốc nơi tột Bắc!. Ảnh: TƯ LIỆU
Thiêng liêng Cột cờ Tổ quốc nơi tột Bắc!. Ảnh: TƯ LIỆU

Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng , đặc biệt là thông tin và hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ còn hạn chế, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và phát triển của CVĐC... Việc đánh giá và công nhận lại CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn của UNESCO cuối năm 2014 là sự khẳng định thành tựu to lớn của chính quyền và đồng bào các dân tộc Hà Giang và của cả nước; đồng thời thể hiện rõ uy tín của Việt Nam với sự cam kết thực hiện tốt tiêu chí của Mạng lưới CVĐC Toàn cầu. Sự phát triển của Cao nguyên đá Đồng Văn không dừng lại ở công nhận của quốc tế mà nó luôn được tiếp tục khám phá, tìm kiếm bổ sung những tiềm năng bí ẩn mà con người chưa có điều kiện khám phá theo chiều địa – văn hóa...  Chính vì vậy CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam) tiếp tục xây dựng Đề tài: Xác định một số giá trị nổi bật của lưu vực sông Nho Quế và thử nghiệm tôn tạo một số loại hình di sản địa - văn hóa trên Cao nguyên đá, phục vụ cho phát triển du lịch và dân sinh tầm nhìn 2030.

Sự cấp thiết của đề tài trong năm 2015 thôi thúc Đoàn công tác của Viện Địa chất, do phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất cùng cán bộ Viện lên Hà Giang trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Ất Mùi, phối hợp với Ban quản lý (BQL) CVĐC , do Tiến sĩ Nguyễn Lê Huy, Trưởng ban cùng cán bộ lên  huyện Đồng Văn, Mèo Vạc khám phá, tìm kiếm di sản địa - văn hóa, tạo điểm nhấn du lịch trong vùng.

Những tháng đầu năm ở Hà Giang, cái rét như kim châm vào da thịt. Những đợt gió bấc vẫn tràn về trên Cao nguyên đá xuống đến 5 độ C. Mưa phùn, sương mù bao phủ khắp núi... Đường dốc quanh co, trơn như mỡ đổ... y vậy mà, Đoàn công tác chúng tôi 6 người vẫn ba lô, túi nải hồ hởi lên đường. Vượt qua cổng trời Quản Bạ, Cán Tỷ, cổng trời Sà Phìn, chúng tôi tới Dinh thự Vua Mèo Vương Chính Đức ở xã Sà Phìn (Đồng Văn), được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước, sau này con trai là Vương Chí Sình nối nghiệp cha làm thủ lĩnh cả một vùng Đồng Văn rộng lớn.

Lũng Cú là điểm khám phá nằm trong chương trình của Đoàn công tác. Chúng tôi vượt qua xã Lũng Táo rồi Ma Lé là đễn xã Lũng Cú (Đồng Văn). Trời vẫn mưa phùn, xe đi trong màn sương mù dày đặc. Từ xa nhìn về hướng Bắc đã lộ ra khoảng trời sáng nhờ, trước mắt chúng tôi là Cột cờ Tổ quốc trên núi Rồng thiêng liêng, lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay. Nơi đây đã chứng kiến thời Bắc thuộc, sử sách truyền lại sau khi chủ động tấn công ngăn quân xâm lược phương Bắc sang tận Ung Châu, Tướng quân Lý Thường Kiệt trở về qua biên ải hội quân, ông cắm một lá cờ xuống đỉnh núi Rồng và nói đại ý:  Đất này là của cha ông ta. Nơi đây là máu thịt của Tổ quốc, dù phải đổ máu, chúng ta phải giữ gìn. Còn Vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh, đất nước yên bình, ông truyền cho một chiếc trống đồng đưa lên Lũng Cú để đồng bào các dân tộc đánh trống mở hội vui Xuân.

Hồ nước hình bán nguyệt dưới chân đỉnh Lũng Cú - mắt Rồng. Ảnh: TƯ LIỆU
Hồ nước hình bán nguyệt dưới chân đỉnh Lũng Cú - mắt Rồng. Ảnh: TƯ LIỆU

Trong những năm qua, sau khi Cột cờ Tổ quốc ở Lũng Cú được xây dựng trang nghiêm trên đỉnh núi Rồng, hầu hết các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài đã lên thăm biểu tượng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam nơi cực Bắc biên cương. Hai bên dưới chân núi Rồng thật ngẫu nhiên có 2 chiếc hồ lớn nước không bao giờ cạn. Một bên là làng Lô Lô Chải, chủ yếu đồng bào Lô Lô; một bên là làng Thèn Pả, 100% đồng bào Mông sinh sống. Hai làng bà con đã sống hàng ngàn đời ở đây, họ bám đất, bám làng để cấy lúa, trồng ngô xây dựng cuộc sống và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Núi Rồng, hai hồ nước dưới chân  luôn gắn liền với truyền thuyết có một con Rồng khi xuống trần gian thấy nhân dân vùng Lũng Cú đói khổ, không có nước sinh sống, bản làng sơ xác, đã để lại đôi mắt làm hồ chứa nước cứu sinh đồng bào. Núi Rồng, hồ nước hôm nay trở thành một điểm du lịch lịch sử, văn hóa thiêng liêng và hấp dẫn trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Sau khi trao đổi nội dung công việc với lãnh đạo xã Lũng Cú, các anh rất vui và cử người đi cùng, đưa chúng tôi đi khám phá những điểm di sản mới. Điểm đầu tiên là đến một hang gần dưới chân Cột cờ Lũng Cú. Phải leo dốc gần như dựng đứng khoảng hơn 20 mét trong trời mưa phùn và đường trơn, cỏ rậm lẫn đá, từ xa chúng tôi đã thấy những vệt khói lơ lửng bay lên. Anh cán bộ xã bảo:  Hang đấy. Miệng cửa hang đấy!

Chúng tôi hăm hở trèo lên. Trông thì gần nhưng trèo thì lâu đến toát cả mồ hôi. Té ra không phải miệng hang mà là các kẽ đá bị nứt, hơi nước trong hang nóng bay lên, gặp không khí lạnh ngưng tụ thành khói. Còn miệng hang thì lại ở phía dưới cách đó gần 10 mét. Chúng tôi lần xuống và vào được hang. Cửa hang rậm rạp cây cỏ lút người, rộng chừng hơn 2 mét, hơi tối, nhưng cũng đủ nhìn thấy những nhũ đá rất đẹp hiện ra. Dưới lòng sâu của hang tiếng nước chảy rầm rầm... Anh Vàng Mí Lùng, dân tộc Mông, người con của thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, kỹ sư nông nghiệp, cán bộ Phòng Địa chính xã đi cùng nói với chúng tôi: Hang này người ta phát hiện từ lâu nhưng chẳng ai dám xuống, sợ  nguy hiểm. Vào mùa nước lên,  đứng cửa hang đã thấy tiếng nước reo ầm ầm hướng chảy ra sông Nho Quế giáp với Trung Quốc. Nếu khám phá mà đưa hang này vào làm du lịch thì thật tuyệt.

Chúng tôi vào sâu trong hang bỗng thấy ấm hẳn người lên. Có người phải cởi áo khoác. Tiến sĩ Vũ Cao Minh bảo: Chúng ta đặt tên cho hang này là Hang Ấm. Được không? Tất cả mọi người cùng cười và tâm đắc.

Mọi người dành thời gian khám phá Hang Ấm nhưng không đi sâu vào được vì thiếu ánh sáng. Hang đủ rộng cho nhiều người vào thăm. Có nhiều nhũ đá với nhiều hình thù khác nhau. Nếu có đèn điện chắc chắn Đoàn sẽ vào sâu hơn để khám phá bí ẩn mới của Hang Ấm. Nơi đây theo dự kiến của Viện Địa chất và BQL Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ là điểm nhấn du lịch rất tốt ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú.

Theo chân anh Vàng Mí Lùng, Đoàn chúng tôi tiếp tục đi vào thôn Séo Lủng – mảnh đất “ Tột Bắc” của Tổ quốc Việt Nam. Con đường đến thôn Séo Lủng giờ đã được mở rộng, rải nhựa từ thôn Thèn Pả vào khoảng 3 cây số. Séo Lủng đây rồi! Mảnh đất “Tột Bắc” thiêng liêng của Tổ quốc đây rồi! Trước đây chúng tôi chỉ được ngắm trên bản đồ Tổ quốc, giờ mảnh đất thiêng liêng, máu thịt Tổ quốc trước mặt chúng tôi. Đi thêm khoảng 1 cây số đường đất nữa chúng tôi đến sát biên giới phần nhô lên cao như chóp nón trên bản đồ Việt Nam là đây. 5 ngọn núi nối liền nhau trải dài dọc biên cương Tổ quốc, giáp với đất Trung Quốc, ngọn núi to hơn, cao hơn người dân nơi đây gọi là núi Mẹ. Núi Mẹ  uy nghiêm mà mộc mạc, bao dung bên những núi con trùng điệp, làm phên dậu, lũy thép che chắn cho đất nước - Tổ quốc yêu thương đã mấy ngàn năm. Lòng chúng tôi bồi hồi xao xuyến. Trái tim đập rộn ràng... Ai cũng thấy niềm tự hào thiêng liêng khi được đứng tại nơi Tột Bắc - Séo Lủng này. Dưới chân chúng tôi đứng là con sông Nho Quế sâu hun hút, vách núi dựng đứng, chảy từ Trung quốc về qua Mèo Vạc sang huyện Đồng Văn rồi xuôi về vùng sông Gâm, qua huyện Bắc Mê. Biên giới Việt – Trung ở Séo Lủng được phân chia bởi con sông Nho Quế dựng thành vách đá lởm chởm, trơ trọi. Bên kia biên giới là huyện Phú Linh (Trung Quốc). Những năm qua Trung Quốc đã ngăn sông Nho Quế làm thủy điện, lòng sông chảy về đất Việt Séo Lủng cạn dần trơ ghềnh đá. Bên này là  xóm Séo Lủng, xã Lũng Cú. Anh Vàng Mí Lùng tâm sự: Ngày còn nhỏ, anh và các bạn thường xuống sông Nho Quế tắm, bắt cá, bắt chim, bẫy thú rừng, ngắm nhìn những đàn khỉ chí chóe chuyền cành trong những khu rừng rậm rạp, tiếng chim kêu râm ran, phong cảnh thật đẹp. Từ khi Trung Quốc khai thác chặn sông Nho Quế, rừng cây kạn kiệt, nguồn nước cạn dần, cảnh, chim, thú cũng vắng bóng, trông thật cô đơn... Thôn Séo Lủng có 47 hộ, chủ yếu đồng bào Mông, trên 50 % số hộ còn nghèo. Sản xuất của bà con chủ yếu trồng ngô vì thiếu nước. Nước ăn trước đây phải xuống lấy tận dưới sông Nho Quế đi xa 3-4 cây số. Bà con Séo Lủng  bao đời nay vẫn bám làng để sống và bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đứng ở Séo Lủng, tôi bỗng nhớ đến bài viết “ Mỏm Tột Bắc” của cố nhà văn Nguyễn Tuân khi ông lên Lũng Cú năm 1960. Nhà văn đã treo tấm bản đồ Việt Nam lên tường nhà một gia đình người Mông, ông lấy một sợi dây điểm đặt chính Bắc từ mỏm Séo Lủng thả theo phương thẳng đứng, điểm cuối của sợi dây trùng điểm chót phía Nam thuộc xã Đất Mũi, Mũi Cà Mau, tọa độ 8 độ 30 phút độ vĩ Bắc, 104 độ 50 phút độ kinh Đông. Ông thốt lên: Sao trùng khít đến thế. Đây mới là điểm Tột Bắc.

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi cũng đã được đến các điểm: Tột Đông Bắc - Trà Cổ ở Móng Cái (Quảng Ninh); điểm Đất Mũi, Tột phía Nam ở Mũi Cà Mau. Sự liên tưởng ấy khiến tôi nghĩ nếu ở điểm Tột Bắc xóm Séo Lủng - Lũng Cú - Hà Giang mà xây dựng được bức Phù điêu biên giới Quốc gia như các tỉnh trên thì tự hào, hạnh phúc biết bao! Bức phù điêu ấy có hình ảnh người chiến sĩ bộ đội cùng dân quân và đồng bào các dân tộc đứng hiên ngang dưới lá cờ Tổ quốc, núi non giăng lũy giăng thành, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam nơi Tột Bắc. Và đây sẽ là điểm du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn nhất cho đồng bào trong nước và nước ngoài đến thăm với niềm tự hào dân tộc. Ý nghĩ ấy của tôi được các thành viên trong Đoàn công tác khen ngợi, có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa và cũng là tình cảm, nguyện vọng của Đoàn công tác trong chương trình khám phá điểm “nhấn” di sản địa – văn hóa trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Thiết nghĩ, lòng mong muốn ấy tỉnh Hà Giang cũng như các cấp có chức năng ở Trung ương ủng hộ, giúp đỡ.

Hà Giang, tháng 2. 2015

Bút ký của Nhà văn Đặng Quang Vượng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc

BHG- Với những công lao to lớn trong việc mở đường, vừa qua Chủ tịch nước đã có Quyết định số 3329, ngày 16.12.2014 về việc phong tặng Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân" cho lực lượng Thanh niên xung phong tham gia mở đường Hạnh Phúc Hà Giang – Đồng Văn. 

10/03/2015
Chú trọng đầu tư phát triển kinh tế biên mậu

BHG- Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đã bố trí trên 1,6 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn thực hiện chiến lược đầu tư, phát triển kinh tế biên mậu. Qua đó, có hơn 200 công trình được đầu tư, xây dựng, 158 công trình đã hoàn thành, quyết toán, đưa vào sử dụng... góp phần quan trọng, tạo đà thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. 

10/03/2015
Hướng tới Hội thảo Phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Tây Bắc-Đông Bắc; kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc.

LTS: Nằm trong khuôn khổ của Hội thảo Phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc – Tây Bắc và Kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc (20.3.1965 – 20.3.2015). Báo Hà Giang Điện tử tổng hợp và trân trọng giới thiệu loạt phim – phóng sự truyền hình, các bài viết giới thiệu hình ảnh đặc sắc về vùng đất và con người Hà Giang; huyền thoại về con đường Hạnh phúc; cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển KT- XH và du lịch – dịch vụ… Làm cơ sở cho Hà Giang liên kết vùng với các tỉnh khu vực Tây Bắc và Đông Bắc cùng phát triển. Báo Hà Giang điện tử xin giới thiệu những bài viết, phóng sự dưới đây:

09/03/2015
Phóng sự: Về vùng Hồi no ấm Nà Nôm

BHG - Thôn Nà Nôm, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, một địa danh được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến, nhờ việc những người dân nơi đây tiên phong đưa cây hồi - một loại cây lưỡng dụng vừa là cây rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa là cây dược liệu giúp người dân có thu nhập ổn định hàng năm từ hai loại sản phẩm Hoa thực tế là quả hồi và Tinh dầu. Thấy những quả đồi trước kia bị bỏ hoang trong thôn giờ phần đa đã chuyển mình biến thành những lô, những khoảnh rừng hồi năm 1 năm 2 đầy sức sống. Sau 4 năm được trồng tại vùng đất này, cây hồi đã cho người dân Nà Nôm thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha/năm từ sản phẩm tinh dầu hồi…

09/03/2015