Hà Giang

Luật Thủy lợi

09:10, 15/05/2018

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Thủy lợi.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước.

2. Hoạt động thủy lợi bao gồm điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

3. Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đậphồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi.

4. Thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác.

5. Công trình thủy lợi đầu mối là công trình thủy lợi ở vị trí khởi đầu của hệ thống tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, điều tiết nước hoặc công trình ở vị trí cuối của hệ thống tiêu, thoát nước.

6. Hệ thống dẫn, chuyển nước bao gồm kênh, mương, rạch, đường ống, xi phông, tuynel, cầu máng dùng để dẫn, chuyển nước.

7. An toàn đập, hồ chứa nước là việc thực hiện các biện pháp thiết kế, thi công, quản lý, khai thác nhằm bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước, các công trình có liên quan, an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập.

8. Vùng hạ du đập là vùng bị ngập lụt khi hồ xả nước theo quy trìnhxả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập.

9. Tình huống khẩn cấp là trường hợp mưa, lũ vượt tần suất thiết kế; động đất vượt tiêu chuẩn thiết kế trên lưu vực hồ chứa nước hoặc tác động khác gây mất an toàn cho đập.

10. Chủ sở hữu công trình thủy lợi là cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước; tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

11. Chủ quản lý công trình thủy lợi là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp hoặc tổ chức được Nhà nước giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu; tổ chức thủy lợi cơ sở; tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

12. Tổ chức thủy lợi cơ sở là tổ chức của những người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cùng hợp tác đầu tư xây dựng hoặc quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

13. Khai thác công trình thủy lợi là việc khai thác, sử dụng tiềm năng và lợi thế của công trình thủy lợi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

14. Sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là sản phẩm, dịch vụ được tạo ra do khai thác công trình thủy lợi.

15. Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là khoản tiền phải trả cho một đơn vị sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Điều 3. Nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi

1. Phù hợp với nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, kết hợp theo đơn vị hành chính, phục vụ đa mục tiêu.

2. Bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

3. Chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước giữa các mùa và vùng; bảo đảm yêu cầu sản xuất, sinh hoạt theo hệ thống công trình thủy lợi, lưu vực sông, vùng và toàn quốc.

4. Sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đúng mục đích; bảo đảm số lượng, chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

5. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; huy động sự tham gia của toàn dân trong hoạt động thủy lợi.

6. Tổ chức, cá nhân được sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và phải trả tiền theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trước những tác động bất lợi trong quá trình xây dựng và khai thác công trình thủy lợi.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi

1. Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

2. Ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thuế.

3. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nướchệ thống tưới, tiêu tiên tiến và hiện đại; hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng.

4. Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi.

5. Hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phù hợp với từng lĩnh vực, nhóm đối tượng sử dụng.

6. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trong trường hợp phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng.

7. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

8. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người trực tiếp hoặc tham gia hoạt động thủy lợi; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ trong hoạt động thủy lợi.

Điều 5. Tiết kiệm nước trong hoạt động thủy lợi

1. Việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong hoạt động thủy lợi phải tuân theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các quy định sau đây:

a) Trong lập quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải đề xuất, lựa chọn giải pháp nguồn sinh thủy, tạo nguồn nước, chống thất thoát nước, sử dụng nước tại chỗ, tái sử dụng nước, kết nối hệ thống thủy lợi liên vùng;

b) Trong quản lý, khai thác phải kiểm kê nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện điều hòa, phân phối, sử dụng nước hợp lý, chống thất thoát nước;

c) Việc tổ chức sản xuất của các ngành kinh tế sử dụng nước, bố trí cơ cấu mùa, vụ, cây trồng, vật nuôi phải phù hợp với điều kiện nguồn nước và có phương án sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

d) Sử dụng nước tưới cho cây trồng phải tiết kiệm, hiệu quả và khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.

Điều 6. Khoa học và công nghệ trong hoạt động thủy lợi

1. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo diễn biến nguồn nước, số lượng, chất lượng nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động phát triển trên lưu vực sông để phục vụ hoạt động thủy lợi.

2. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để tiết kiệm và tái sử dụng nước.

3. Ưu tiên nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nước; bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Điều 7. Hợp tác quốc tế trong hoạt động thủy lợi

1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi trong hoạt động thủy lợi trên các sông liên quốc gia, các sông, suối biên giới giữa Việt Nam với quốc gia liên quan.

2. Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế có liên quan đến hoạt động thủy lợi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Trao đổi thông tin về hoạt động thủy lợi trên các sông liên quốc gia, sông, suối biên giới giữa Việt Nam với quốc gia liên quan.

4. Ưu tiên hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và huy động nguồn lực trong hoạt động thủy lợi.

5. Chủ động tham gia các tổ chức quốc tế liên quan đến hoạt động thủy lợi.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi

1. Xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi.

3. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi.

4. Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi.

5. Sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

6. Cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi.

7. Khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi.

8. Tự ý vận hành công trình thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi trái quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

9. Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố.

10. Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

11. Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật này.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm

BHG - Ngày 26.4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Bắc Mê tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm mua bán người và tội phạm giết người cho thầy và trò các trường Trung học phổ thông và Trường Nội trú tại thị trấn Yên Phú (Bắc Mê).

 

27/04/2018
Những điểm mới của Luật Du lịch 2017

BHG - Luật Du lịch 2017 được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ gần 90% đại biểu tán thành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Báo Hà Giang điện tử tổng hợp, đăng tải về những điểm trọng tâm của Luật Du lịch 2017.

26/02/2018
Chỉ thị 20/CT-TTg ngăn chặn và giảm thiểu bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh

CHỈ THỊ 20/CT-TTG NĂM 2016 VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM NGĂN CHẶN VÀ GIẢM THIỂU TAI NẠN BOM MÌN, VẬT NỔ CÒN SÓT LẠI SAU CHIẾN TRANH DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH

23/03/2018
Những điểm mới của Luật Du lịch 2017

BHG - Luật Du lịch 2017 được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ gần 90% đại biểu tán thành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Báo Hà Giang điện tử tổng hợp, đăng tải về những điểm mới của Luật Du lịch 2017.

21/02/2018