Những điểm mới của Luật Lâm nghiệp trong chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

09:02, 10/01/2018

BHG - Luật Lâm nghiệp được thông qua ngày 15.11.2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, bao gồm 12 chương, 108 điều. Trong đo, Luật quy định về quy hoạch lâm nghiệp, bảo vệ, phát triển rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng; dịch vụ môi trường rừng; hoạt động tài chính trong lâm nghiệp, khoa học và công nghệ về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Với các quy định của Luật, sẽ góp phần quản lý các hoạt động về lâm nghiệp hiệu quả hơn, phát huy những lợi thế về rừng theo hướng là ngành kinh tế - kỹ thuật, đồng thời, rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn, người dân có thể đầu tư vào trồng rừng, làm kinh tế, phát triển nghề rừng.

Về chính sách của Nhà nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 được quy định tại điều 10 về chính sách của Nhà nước về Bảo vệ và phát triển rừng: “Nhà nước có chính sách đầu tư cho việc bảo vệ và phát triển rừng gắn liền, đồng bộ với các chính sách kinh tế - xã hội khác, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, định canh định cư, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân miền núi”. Còn theo Luật Lâm nghiệp mới ban hành, quy định tại điều 4 về chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp, bên cạnh những chính sách chung đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp, Luật đã quy định rõ đối với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cụ thể,  tại khoản 6: “Nhà nước bảo đảm cho đồng bào DTTS, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ”. Điều này thể hiện sự quan tâm của Ban soạn thảo và Quốc hội đối với đồng bào DTTS. Xuất phát từ thực tiễn, nước ta có ¾ diện tích tự nhiên đất liền là đồi núi, đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của hơn 14 triệu đồng bào các DTTS, những người sống gắn bó với rừng và tạo thu nhập chủ yếu từ nghề rừng, từ sản xuất nương rẫy (Báo cáo số: 396/BC-HĐDT14 ngày 31.10.2017, của Hội đồng Dân tộc về Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 – 2016). Vì vậy, phần lớn đồng bào DTTS là những cử tri có ảnh hưởng sâu sắc từ sự điều chỉnh của Luật. Quy định của luật về nội dung này là bước tiến quan trọng để đồng bào các DTTS thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với quá trình quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

Trước hết, chính sách đã khẳng định việc bảo đảm cho đồng bào DTTS, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng, gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp. Nội dung này được cụ thể hóa trong Chương III, mục 1, khoản 8 của Luật. Theo đó, nguyên tắc khi tiến hành giao rừng thì các cơ quan chức năng phải ưu tiên giao rừng cho đồng bào DTTS, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.  Đây là vấn đề mà cử tri, đồng bào DTTS quan tâm. Cùng với đó, quyền của chủ rừng là chủ sở hữu, quyền chủ rừng được giao quản lý hợp pháp theo quy định, sẽ được thực hiện, đảm bảo sự chủ động trong việc sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng... 

Cộng đồng các DTTS số sinh sống gắn với rừng từ ngàn đời, có những bản sắc văn hóa và phong tục tập quán riêng, theo từng vùng. Trong đó, nhiều tập tục có giá trị rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy rừng. Thấy được giá trị của vấn đề này, đối với công tác bảo vệ rừng và đối với đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào; trong Luật cũng quy định rất rõ về chính sách đối với đồng bào DTTS là được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ. Tại điểm d, khoản 2, điều 5, của Luật quy định rừng tín ngưỡng là một trong những loại rừng đặc dụng, để có cơ chế bảo tồn đặc biệt. Cũng tại khoản 8, Điều 14 của Luật quy định nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng thì phải tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư. Về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại điều 94 của Luật cũng quy định rất cụ thể việc: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào DTTS, cộng đồng dân cư gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới.

Luật Lâm nghiệp mới ban hành đã căn cứ từ thực tiễn, từ những mong muốn nguyện vọng của các cử tri, nhất là đồng bào DTTS gắn bó với rừng, từ đòi hỏi của thực tiễn trong công cuộc bảo vệ phát triển rừng, đồng thời đảm bảo việc phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, luật quy định chính sách rõ ràng với chủ thể được ưu tiên là đồng bào DTTS, chính sách chung này được ghi nhận trong Luật sẽ là cơ sở để các cấp, các ngành khi triển khai các phần việc có liên quan, phải đặc biệt chú trọng đến đối tượng ưu tiên này, khắc phục những vấn đề tồn tại trước đây, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. 

MINH QUANG

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điểm mới Bộ luật hình sự 2015: Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

Đánh tráo trẻ em ( người dưới 01 tuổi ), được hiểu là hành vi tráo trẻ em này lấy trẻ em khác một cách lén lút. Trên thực tế thì hành vi đánh tráo trẻ em thường chỉ được thực hiện đối với trẻ sơ sinh, ở những nơi là nhà hộ sinh, bệnh viện

30/11/2017
Luật Trợ giúp pháp lý

Luật này quy định về người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

30/10/2017
Điểm mới Bộ luật hình sự 2015: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Theo quy định tại Điều 144 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Bộ luật hình sự 2015:

23/11/2017
Điểm mới Bộ luật hình sự 2015: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

Hiếp dâm theo quy định được hiểu là hành vi xâm hại tình dục của nạn nhân trái ý muốn thông qua việc thực hiện hành vi giao cấu.

20/11/2017