Hà Giang

Siết chặt quản lý hoạt động gây nuôi động vật hoang dã

10:16, 08/07/2020

BHG - Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm tốt công tác quản lý hoạt động gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD); khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi ĐVHD phát triển.

Trại nuôi rắn Hổ mang của gia đình chị Lưu Thị Sìn, thôn Nậm Dầu, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên).
Trại nuôi rắn Hổ mang của gia đình chị Lưu Thị Sìn, thôn Nậm Dầu, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên).

Toàn tỉnh hiện có 38 cơ sở và trại nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD được cấp phép, phổ biến là các loài: Gà lôi trắng, Rắn ráo trâu, Cầy vòi hương, Cầy vòi mốc, nhím, Hươu sao, dúi, công,… với tổng cộng gần 3.911 cá thể. Công tác quản lý ĐVHD thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình đăng ký gây, nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài ĐVHD, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm áp lực săn bắt các loài ĐVHD trong tự nhiên, đặc biệt là ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.

Vị Xuyên là địa phương có nhiều cơ sở nuôi nhốt nhất trên địa bàn toàn tỉnh với 12 cơ sở ở 5 xã, thị trấn nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục CITES gồm 7 loài (Nhóm IB: Gà lôi trắng; nhóm IIB: công, Cầy vòi hương, Cầy vòi mốc, Rắn ráo trâu, nai, Rắn hổ mang). Động vật rừng thông thường gồm 5 loài (Hươu sao, Gà rừng, Dúi mốc nhỏ, nhím, hoẵng) với tổng số 1.632 cá thể.

Cán bộ kiểm lâm huyện Vị Xuyên kiểm tra, lập sổ theo dõi số lượng đàn hươu, nai của chị Nguyễn Thị Tuyết, xã Trung Thành.
Cán bộ kiểm lâm huyện Vị Xuyên kiểm tra, lập sổ theo dõi số lượng đàn hươu, nai của chị Nguyễn Thị Tuyết, xã Trung Thành.

Ông Nguyễn Thanh Tứ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vị Xuyên, cho biết: Các cơ sở nuôi đều được cấp mã số trại nuôi theo quy định; hàng tháng, cán bộ kiểm lâm địa bàn đều kiểm tra việc nuôi nhốt, số lượng ĐVHD, sổ theo dõi nuôi động vật rừng trong quá trình gây, nuôi sinh sản và báo về Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Mặt khác, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng các loài ĐVHD có nguồn gốc từ tự nhiên đến các nhà hàng, các tầng lớp nhân dân. Phối hợp với các lực lượng chức năng, UBND các xã, thị trấn kiểm tra chặt chẽ các hoạt động săn bắt, bẫy bắt, nuôi nhốt, buôn, bán kinh doanh, quảng cáo trái pháp luật các loài ĐVHD.

Tuy nhiên trên thực tế, công tác quản lý gây, nuôi vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Một số cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về nuôi ÐVHD. Ðiều kiện về chuồng trại, vệ sinh, an toàn trong chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Một số cơ sở gây, nuôi chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản hợp pháp đối với ĐVHD; việc khai báo tăng, giảm số lượng cá thể cho kiểm lâm cơ sở chưa kịp thời. Mặt khác, nhu cầu sử dụng các sản phẩm ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp tại các nhà hàng, quán ăn vẫn còn ở hầu hết các địa phương, nên hoạt động mua bán, vận chuyển ĐVHD và các sản phẩm trái pháp luật thường diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý ĐVHD. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh ta, các cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, không ổn định, chủ cơ sở không đủ khả năng thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các loài động vật gây nuôi theo quy định của Bộ TN&MT.

Khắc phục những bất cập trên, ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đặc biệt là phòng chuyên môn tiếp tục phối hợp cùng ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức hướng dẫn cơ sở, hộ dân gây nuôi ÐVHD hoàn thiện và cấp mã số trại, hướng dẫn khâu xử lý nước thải, chất thải theo đúng quy định. Đồng thời, tham mưu cho Chi cục, Hạt Kiểm lâm tăng cường hoạt động kiểm tra, quản lý tốt địa bàn, lâm phận được giao, ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắt, vận chuyển trái phép các loài ÐVHD; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, kinh doanh, sử dụng trái phép các loài ÐVHD và sản phẩm, mẫu vật của các loài ÐVHD.    

Bài, ảnh: VĂN QUÂN


Cùng chuyên mục

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế

BHG - Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế; việc quản lý thuế phải đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Ngoài ra, thuế luôn gắn liền với các vấn đề tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội...

29/06/2020
Bắc Mê siết chặt quản lý tài nguyên - khoáng sản

BHG - Bắc Mê là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với trữ lượng lớn và chất lượng cao, như: Sắt, Mangan, Chì, Kẽm, Ăngtimon, đá vôi, cát sỏi… Đây là lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, là thế mạnh tiềm năng phát triển của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 Giấy phép khai thác khoáng sản được Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Hà Giang cấp phép, trong đó có 13 dự án khai thác khoáng sản kim loại, với 3 điểm mỏ đang hoạt động và 5 điểm đang hoàn thiện hồ sơ. 

29/06/2020
Hiệu quả bước đầu đưa công an chính quy về xã ở Quản Bạ

BHG - Mặc dù mới triển khai, thực hiện được một thời gian, nhưng việc điều động, bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã (CAX), thị trấn trên địa huyện Quản Bạ bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo ANTT, đem lại sự an tâm cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

 

28/05/2020
Mua xe máy ở tiệm cầm đồ, có hợp pháp?

Tôi định mua chiếc xe máy ở tiệm cầm đồ vì thấy còn mới, giá lại tốt. Xin hỏi, việc này có hợp pháp không? 

25/05/2020