Báo Hà Giang điện tử
.

Hồi sinh “đất chết”, đón các anh về! - Kỳ cuối: Biên cương bình yên đón các anh về

21:00, 12/09/2023
 

Khi “thần chết” trong đất được loại bỏ, là lúc để bà con có thêm điều kiện phát triển KT - XH. Dù còn những khó khăn nhất định, nhưng theo đà phát triển, cuộc sống nơi biên cương vẫn đang vươn lên. Bà Bồn Thị Sinh, sinh năm 1952, ở thôn Nặm Ngặt, là nạn nhân của mìn, bị cụt 1 chân cho biết: "Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, nhiều mảnh nương, vạt đồi trước đây còn nguy hiểm, sau khi làm sạch mìn, bà con canh tác không lo sợ nữa rồi. Cuộc sống của bà con chúng tôi đã đổi thay vượt bậc so với thời kỳ tôi và nhiều gia đình trong thôn Nặm Ngặt từ nơi di tản chiến tranh trở về. Giờ thôn đã có đường, có điện, nhà nào cũng có xe máy, ti vi, điện thoại, tất cả trẻ con trong thôn đều được đi học; tôi là nạn nhân bom mìn và cao tuổi, hiện được Nhà nước hỗ trợ hơn 750 ngàn/tháng, bà con, người già ở đây khi ốm đau ra trạm y tế đều được chăm sóc rất tốt".

Về xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, một trong những địa bàn có nhiều diện tích bị ô nhiễm BMVN nặng, chúng tôi được lãnh đạo xã và bà con cho biết: "Với sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong những năm qua, nhiều diện tích ô nhiễm ở 2 thôn biên giới là Nặm Ngặt, Giang Nam của xã đã được rà phá BMVN. Đến nay trên địa bàn chỉ còn khoảng 20 ha đất ô nhiễm mức độ từ nhẹ đến nặng. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã dành sự quan tâm đầu tư lớn, giúp Thanh Thủy, nơi trận địa ác liệt năm xưa không ngừng vươn lên. Đến nay, xã được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại V, hai thôn biên giới chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh đến nay đều có đường bê tông nông thôn, điện lưới quốc gia".

Nụ cười bình yên của người dân thôn Nặm Ngặt, phía sau là điểm cao 772 và những vùng đất ô nhiễm đang được làm sạch bom mìn, vật nổ

Về xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên những ngày Thu tháng Tám, nắng vàng trải trên những triền đồi biên giới đẹp đến nao lòng. Chúng tôi được nghe đồng chí Giàng Văn Khoa, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: "Đến nay nhiều địa bàn biên giới của Xín Chải nói riêng và ở các xã biên giới đã được rà phá BMVN, làm sạch đất. Đó là điều kiện giúp cho các địa phương ổn định, động viên nhân dân phát triển kinh tế. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành tiếp tục đồng hành với địa phương rà phá nốt những diện tích ô nhiễm BMVN, chung tay và hỗ trợ cho Xín Chải và các xã biên giới đẩy nhanh mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân" 

Trên tuyến biên giới Minh Tân, huyện Vị Xuyên, nơi có nhiều đơn vị đang thực hiện rà phá BMVN, chúng tôi gặp nhiều bà con người Mông đang đang chăm sóc lúa Hè - Thu. Anh Hầu Văn Thanh, người Mông ở thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân phấn khởi cho biết: "Có bộ đội về rà phá, gỡ được nhiều mìn, đạn pháo lắm. Trước đây đi làm nương, đi chăn bò gần khu vực có mìn bà con rất sợ, giờ nhiều khu vực gỡ hết mìn rồi, hết nguy hiểm rồi, bà con mừng lắm, mỗi khi lên nương không còn phải lo nguy hiểm nữa".  

Màu xanh bình yên đang về trên những triền đồi biên giới Hà Giang

Cùng với rà phá BMVN, một trong những nhiệm vụ thiêng liêng, đó là quy tập hài cốt liệt sỹ (HCLS) ở mặt trận chiến đấu ác liệt năm xưa. Thực tế, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện còn nhiều HCLS chưa được quy tập, đa phần nằm ở những khu vực ô nhiễm BMVN. Với nỗ lực rà phá mìn, vật nổ và tìm kiếm HCLS, từ năm 2013 đến nay, các đơn vị rà phá mìn, tìm kiếm, các địa phương và người dân đã phát hiện, cất bốc được trên 180 bộ HCLS, đón các anh về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sỹ. 

Trung tá Hoàng Vũ Dũng, Phó đội trưởng Đội Quy tập HCLS, BCH Quân sự tỉnh, cho biết: "Để thúc đẩy việc tìm kiếm, quy tập HCLS, năm 2018, tỉnh thành lập Đội Quy tập. Anh em trong đội luôn xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng và lúc nào cũng sẵn sàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó, từ năm 2018 đến nay, từ các nguồn thông tin của các cựu chiến binh, của bà con nhân dân dọc biên giới, từ tư liệu lịch sử của các đơn vị quân đội, anh em trong đội đã tìm kiếm, quy tập được 125 HCLS và 1 mộ tập thể".

Nhiều HCLS đã được phát hiện, quy tập trong những năm qua

Theo thống kê của 12 đầu mối đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Hà Giang, tổng số cán bộ chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc giai đoạn 1979 – 1989 có khoảng 4.077 đồng chí. Tổng số liệt sỹ hiện nay đang quản lý tại 8 nghĩa trang là 2.705 liệt sĩ, số còn nằm lại trên các chiến trường còn khoảng 1.372 liệt sĩ đang được tìm kiếm quy tập.

Nhiều lần thăm, làm việc với các đơn vị thực hiện rà phá BMVN, quy tập HCLS, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ nhân văn này. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn trong lần đến thăm, kiểm tra công tác rà phá BMVN, quy tập HCLS tại Vị Xuyên mới đây đã xúc động khẳng định, tỉnh luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo việc rà phá BMVN phục vụ tìm kiếm, quy tập HCLS còn nằm lại trên tuyến biên giới.

Tuy nhiên, có một khó khăn đó là do chiến tranh ác liệt kéo dài, đạn pháo cày xới, thời gian hy sinh đã lâu nên nhiều liệt sỹ không xác định được vị trí, danh tính. Vì thế, việc tìm kiếm, quy tập HCLS luôn gặp khó khăn, cần sự quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm cao của lực lượng tìm kiếm, quy tập HCLS và nỗ lực của các địa phương, người dân.

Quả thực, nếu kéo dài thời gian, việc tìm kiếm, quy tập HCLS ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Trung tá Phạm Xuân Ngọc, Đại đội trưởng Đại hội 19 Công binh, BCH Quân sự tỉnh Hà Giang, cho biết: "Công tác rà phá BMVN là một trong những việc làm quan trọng để góp phần cho quá trình tìm kiếm, quy tập HCLS đã anh dũng hy sinh, giúp sớm đưa các anh về với quê hương, đồng đội của mình. Vì thế, chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng và tập trung hết sức để sớm hoàn thành công việc đầy ý nghĩa nhân văn này".

Nhờ nỗ lực tìm kiếm của các đơn vị rà phá BMVN và Đội Quy tập HCLS của tỉnh Hà Giang, nhiều trường hợp liệt sỹ đã được tìm thấy, quy tập trong niềm bất ngờ, hạnh phúc của các thân nhân. Đặc biệt như trường hợp của liệt sỹ Nguyễn Văn Quỳ, quê ở xã Thịnh Đán, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, hy sinh năm 1985 tại mặt trận Vị Xuyên, sau gần 40 năm đã được Đội Quy tập HCLS tỉnh Hà Giang tìm thấy và đưa về trong vòng tay người thân, quê hương. Anh Nguyễn Hồng Quảng, em ruột liệt sỹ Nguyễn Văn Quỳ xúc động chia sẻ: "Gia đình tôi và rất nhiều gia đình có con em, người thân hy sinh ở Hà Giang đã và đang phải vất vả hàng chục năm đau đáu lặn lội tìm kiếm thông tin, phần mộ. Rất may mắn anh trai tôi đã được các cán bộ quy tập tìm thấy, gia đình như được vơi đi những nỗi đau bao năm. Chúng tôi rất cảm ơn Đội Quy tập HCLS và những chiến sỹ rà phá BMVN đã vất vả sáng cơm nắm, chiều về ngủ lán, hết mình vì nhiệm vụ".

Phút nghỉ trưa giữa rừng của những người lính rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tại biên giới thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên

Chưa có được may mắn như gia đình anh Nguyễn Hồng Quảng, gia đình anh Lâm Kim Cương, ở thôn Bình Ca, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang có cha là liệt sỹ Lâm Hiển, hy sinh ở biên giới Vị Xuyên năm 1984. Anh Cương chia sẻ: "Bố hy sinh, mẹ nuôi 3 anh chị em tôi khôn lớn. Những năm tháng vất vả, nhưng mẹ con tôi lúc nào cũng đau đáu mong tìm được hài cốt của bố để mẹ yên lòng. Mỗi lần nghe thông tin gì từ đồng đội của bố, tôi đều ngược lên Hà Giang để tìm kiếm. Dù đến nay chưa tìm được hài cốt bố, nhưng gia đình tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó, lực lượng quy tập HCLS hoặc bà con sẽ tìm được".

 

Trước những nỗ lực của các đội rà phá BMVN, tìm kiếm, quy tập HCLS ở Hà Giang, nhiều gia đình may mắn tìm thấy HCLS và nhiều gia đình chưa được tìm thấy đều bày tỏ sự xúc động, biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Hà Giang, các lực lượng đã và đang vượt khó, chạy đua với thời gian để thực hiện nhiệm vụ. Chiến tranh đã qua, thời gian và những nỗi đau vẫn từng ngày hằn dấu, nhiều liệt sỹ vẫn còn đang nằm lại giữa những mộ đá lưng trời, giữa rừng sâu biên cương Hà Giang. Mong mỏi một ngày nào đó sớm nhất, các anh sẽ được trở về quê hương bên mẹ, bên vợ và gia đình.

Kỳ I: Khắc khoải nỗi đau bom mìn

Kỳ II: Những nỗ lực hồi sinh "đất chết"

Nhóm PV Điện tử (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp