Đồng Văn xây dựng nhãn hiệu Lê địa phương

09:53, 09/06/2021

BHG - Cùng với cây Đào, Mận, Lê là cây ăn quả đặc trưng của huyện Đồng Văn được người dùng ưa chuộng. Vì vậy, trong tiến trình phát triển du lịch, gắn với phát triển các sản phẩm nông sản sạch của địa phương, huyện Đồng Văn đã lựa chọn Lê là cây ăn quả tiêu biểu, định hướng xây dựng nhãn hiệu đặc trưng vùng Cao nguyên đá.

Vườn Lê của gia đình anh Vi Văn Sính, thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo đã bắt đầu cho quả. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)
Vườn Lê của gia đình anh Vi Văn Sính, thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo đã bắt đầu cho quả. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Để thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nhãn hiệu “Lê Đồng Văn”, UBND huyện Đồng Văn đã triển khai Đề án 04 về phát triển cây Lê trong giai đoạn 2016-2020 tại 8/19 xã, thị trấn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Đến nay, toàn huyện có 172,92 ha cây Lê ăn quả, tập trung tại các xã, thị trấn như: Phố Cáo, Phố Bảng, Lũng Cú, Má Lé, Lũng Táo, Phố Là. 

Gia đình anh Vi Văn Sính, thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo hiện trồng trên 100 cây Lê. Năm nay, vườn Lê của anh bắt đầu cho quả. Anh Sính cho biết: Năm 2017, gia đình trồng đồng loạt hơn 100 cây Lê ăn quả. Hiện, vườn Lê đã cho quả. Qua kiểm tra chất lượng, Lê ngọt đậm, nhiều nước. Tuy nhiên, vì là những năm đầu nên sản lượng chưa lớn. Từ khoảng 5-7 năm trở đi sẽ cho sản lượng ổn định, chất lượng tốt hơn.

Toàn xã Phố Cáo hiện có 11,5 ha Lê. Theo đồng chí Giàng Mí Say, Chủ tịch UBND xã Phố Cáo: Thực tế, thu nhập từ cây Lê gấp 3 lần so với trồng ngô. Vì vậy, đối với nhiều hộ trên địa bàn xã, cây Lê trở thành nguồn thu nhập chính. Những năm qua, xã đã tích cực vận động bà con chuyển đổi một số diện tích đất kém màu mỡ, đất trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng cây ăn quả lâu năm để tăng thu nhập.

Theo đánh giá, quả Lê là thứ quả ngon, dân dã, rất được ưa chuộng. Khách du lịch tới Đồng Văn đều muốn mua thứ quả đặc trưng của vùng cao để làm quà. Không chỉ vậy, đối với những khách hàng tại các tỉnh, thành trên cả nước, quả Lê cũng rất được yêu thích. Theo chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Po Mỷ (HTX chuyên cung cấp các nông sản sạch vùng cao) huyện Đồng Văn: “Quả Lê Đồng Văn vô cùng được ưa chuộng tại thị trường một số tỉnh, thành trên cả nước. Vào mùa Lê chín, mỗi ngày, HTX bán ra thị trường hàng trăm kg. Có những thời điểm, còn cháy hàng”. 

Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Qua khảo sát thị trường tiêu thụ, giá thành quả Lê khá cao, ổn định. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu Lê Đồng Văn giúp tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, đây chính là sản phẩm du lịch đặc trưng huyện muốn xây dựng, gìn giữ và phát triển. Hiện, gắn với chương trình cải tạo vườn tạp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn định hướng cho người dân trồng cây ăn quả lâu năm, trong đó có cây Lê. Từng bước quy hoạch các vườn Lê ăn quả có chất lượng cao, thay thế cho các cây Lê phân bố rải rác được trồng tại mỗi gia đình. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc duy trì và chăm sóc diện tích Lê đã trồng; tiến hành khôi phục, cải tạo vườn Lê già cỗi. Chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán, định lượng số quả đảm bảo chất lượng, phòng trừ sâu, bệnh hại. Đối với diện tích trồng mới đảm bảo yêu cầu giống tốt, chất lượng, trồng đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo cây phát triển. Hợp đồng với các đơn vị đảm bảo chất lượng giống cung ứng cho các xã, thị trấn theo lộ trình từng năm. Đặc biệt, xây dựng vùng trồng Lê an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn Vietgap, hữu cơ để hướng tới thị trường là các siêu thị, thành phố lớn. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục có các cơ chế chính sách hỗ trợ hợp lý như: Hỗ trợ 50% mua giống và phân bón; nhân dân đối ứng 50% kinh phí, để nhân dân nâng cao trách nhiệm trong trồng, sản xuất... 

Bài, ảnh:  MY LY


Cùng chuyên mục

"Chắp cánh" cho nông sản vươn xa

BHG - Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chương trình mở ra hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở nông thôn; chắp thêm đôi cánh để nông sản đặc trưng của Hà Giang có điều kiện khẳng định thương hiệu...

31/12/2020
HTX Hải Khang giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP

BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng, từng bước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng khó tính trong nước và khu vực. HTX Hải Khang, thị trấn Việt Quang là một trong những điển hình, đi đầu lĩnh vực phân phối các loại nông sản sạch theo mô hình khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm.

27/04/2021
Mèo Vạc nâng tầm sản phẩm OCOP

BHG - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, Mèo Vạc tạo môi trường thuận lợi giúp các tổ chức kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, uy tín và tính cạnh tranh sản phẩm chủ lực, từng bước nâng tầm sản phẩm OCOP.

 

26/12/2020
Toàn tỉnh có 49 sản phẩm OCOP đạt hạng 3-4 sao

BHG - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định 1487, phê duyệt kết quả phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Giang năm 2020 (lần 1).

25/08/2020