Kết quả bước đầu thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm

09:18, 06/11/2018

BHG - Là tỉnh miền núi có điều kiện tự nhiên và xã hội đa dạng với nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Hà Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Phát huy lợi thế này, tỉnh ta đã ban hành Đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030 (OCOP).

Sản phẩm của HTX Hồng không hạt Quản Bạ được huyện chọn để thực hiện đề án.
Sản phẩm của HTX Hồng không hạt Quản Bạ được huyện chọn để thực hiện đề án.

Mục tiêu của Đề án OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường; góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị; nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Nhà nước hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Ngày 13.9.2018, UBND tỉnh ban hành văn bản 3371/UBND – KTN về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm và chỉ tiêu mỗi huyện một xã, mỗi xã một thôn điển hình về phát triển kinh tế. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND huyện Quản Bạ triển khai thí điểm thực hiện Đề án OCOP. Đến thời điểm này, UBND huyện Quản Bạ đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án cấp huyện; ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, thành lập các Tổ thẩm định, tư vấn, đánh giá sản phẩm và ban hành bộ tiêu chí (tạm thời) đánh giá, xếp hạng sản phẩm; chủ động mời đơn vị tư vấn triển khai đề án; tiến hành lựa chọn, đánh giá các sản phẩm có thể hoàn thành tiêu chí trong năm 2018.

Đến nay, đã có 27 chủ thể (16 HTX, 1 Tổ hợp tác và 10 hộ dân) đăng ký tham gia thực hiện Đề án OCOP với 37 sản phẩm tham gia, trong đó có 8 sản phẩm là ý tưởng, 29 sản phẩm đã có sẵn. Qua rà soát theo bộ tiêu chí tạm thời, có 29 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 2 – 4 sao. Với tổng kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng, huyện Quản Bạ đã lựa chọn 14 sản phẩm đạt tiêu chí, thuộc 4 nhóm để tập trung nguồn lực và các giải pháp hoàn thiện trong năm 2018. Nhóm thực phẩm gồm các sản phẩm: Mật ong hoa Xuyến chi, được sản xuất tại HTX mật ong dược liệu Thanh Vân; mật ong Bạc Hà sản xuất tại HTX nông nghiệp Mạnh Sơn; mật ong rừng sản xuất tại HTX Dịch vụ tổng hợp Bình An; trà Gừng Cao nguyên đá sản xuất tại HTX Nặm Đăm; trà Giảo cổ lam sản xuất tại HTX phát triển dược liệu Thanh Long; chè Shan tuyết của HTX Suối Vui; Bản San trà sản xuất tại HTX Kim Thăng; Hồng không hạt sản xuất tại HTX Hồng không hạt Quản Bạ. Nhóm đồ uống có sản phẩm rượu ngô Thanh Vân của HTX rượu Thanh Vân. Nhóm thảo dược có các sản phẩm Cao Astiso, Cao mạnh gân, Cồn xoa bóp sản xuất tại HTX Nặm Đăm; Cao Astiso ống bẻ của HTX dược liệu Nà Chang. Nhóm vải và may mặc có sản phẩm dệt lanh.

Tất cả các sản phẩm đều đã có nhãn mác, bao bì; một số sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được chiết xuất, đóng gói bằng công nghệ bán tự động. Để có thể phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh trên thị trường, huyện Quản Bạ hiện đang tập trung hỗ trợ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm; đầu tư công nghệ, đào tạo chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn mác, bao bì… Sau khi huyện Quản Bạ hoàn thiện 14 sản phẩm đủ theo tiêu chuẩn của Đề án OCOP, tỉnh sẽ tổ chức thi cấp chứng nhận và sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng toàn tỉnh.

Là chương trình mới, lần đầu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng với những ưu điểm vượt trội, Đề án OCOP được đánh giá là hướng đi đúng, góp phần thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới; nâng cao giá trị giá trị sản xuất và xây dựng thương hiệu nông nghiệp riêng của Hà Giang.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bánh đa xã Yên Thành

BHG - Năng nổ, dám nghĩ, dám làm, chàng trai Bùi Xuân Tiền, sinh năm 1984, quê gốc tỉnh Phú Thọ, lên Yên Thành (Quang Bình) lập nghiệp được 18 năm đã dày công học tập, nghiên cứu và làm chủ kỹ thuật sản xuất bánh đa, phở khô, phở ngũ sắc và đang trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 

29/08/2018
Đặc sản chè Bản Vẽ, đậm đà hương vị "đèo Gió, thác Tiên"

BHG - Thôn Bản Vẽ cách trung tâm xã Nà Chì (huyện Xín Mần) khoảng 5 km về phía Tây Bắc, nơi đây trồng và chế biến một loại chè đặc sản, đang từng bước tạo dựng uy tín của riêng mình và được người tiêu dùng đón nhận. Nằm cuối phía Tây rặng Tây Côn Lĩnh và nơi bắt đầu khu rừng đèo Gió, cửa ngõ đến trung tâm huyện Xín Mần; Nơi dòng Nậm Luông (theo tiếng Tày có nghĩa là "dòng suối lớn") bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên Sơn chạy qua huyện Bắc Hà (Lào Cai) rồi chảy dọc thôn Bản Vẽ. Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với điều kiện thổ nhưỡng tốt đã ban cho cây chè ở nơi đây hương vị riêng biệt...

28/09/2018
Hà Giang, danh tiếng miền chè Shan - Kỳ cuối: Đi tìm các "cụ" chè Shan khổng lồ

BHG - Nhắc đến Hà Giang, đầu tiên mọi người sẽ nhắc đến miền đất chè. Nếu có niềm đam mê khám phá, ngoài việc được thưởng thức những hương chè riêng, lạ, bạn có thể bắt gặp nhiều điều đặc biệt từ những vùng chè nơi đây. Một trong những điều đặc biệt, đó là bạn có thể tận thấy những cây chè cổ thụ, khổng lồ hàng trăm tuổi, được coi là những di sản sống, biểu tượng cho lịch sử và sự phát triển của vùng chè Shan Hà Giang.

 

27/09/2018
Hữu Vinh - "miệt vườn" trên "Công viên đá"

BHG - "Miệt vườn" – cụm từ chỉ vùng đất phù sa rộng lớn, có nhiều cây ăn quả, dân cư đông đúc và thường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nay, khi đặt chân đến vùng đất Hữu Vinh (Yên Minh), mọi người được đắm mình trong những vườn xoài, vải, dứa, hồng... đan xem nhau, rất thơ mộng. Nằm bên trục Quốc lộ 4C, các thôn Bản Vàng, Khai Hoang Bản Vàng của xã Hữu Vinh đang sở hữu hơn 20 ha cây ăn quả. 

27/08/2018