Hà Giang

Liên kết sản xuất rau sạch giúp người dân Quyết Tiến thoát nghèo

10:22, 16/08/2022

BHG - Khoảng 2 năm trở lại đây, việc liên kết trồng rau sạch ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần vào xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Diện tích trồng rau Cần tây của Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu Hải Phong liên kết với người dân trồng tại xã Quyết Tiến.					 Ảnh: LÊ HẢI
Diện tích trồng rau Cần tây của Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu Hải Phong liên kết với người dân trồng tại xã Quyết Tiến. Ảnh: LÊ HẢI

Những năm trước đây, người dân xã Quyết Tiến chưa có thói quen liên kết trong sản xuất, nhà nào tự biết nhà ấy, mạnh ai nấy làm, nhiều khi trồng cùng một loại rau ồ ạt, dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá. Từ năm 2020, khi Công ty (Cty) TNHH Xuất, nhập khẩu Hải Phong, tỉnh Bắc Ninh đến khảo sát, đặt vấn đề thuê đất của bà con để thử nghiệm trồng rau trái vụ, nông dân Quyết Tiến đã dần biết đến liên kết sản xuất. Đại diện Cty TNHH Xuất, nhập khẩu Hải Phong Nguyễn Đình Hải cho biết: “Cty bắt đầu thuê đất triển khai trồng thử nghiệm rau sạch từ năm 2020 tại xã Quyết Tiến cho thấy hiệu quả tốt. Đến nay, chúng tôi đang trồng 11 ha rau sạch gồm các loại rau bắp cải, cải thảo, cà chua, củ dền, cần tây, cà rốt... Các loại nông sản này đều được tiêu thụ tại các siêu thị lớn trong nước và được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Theo anh Hải, xã Quyết Tiến có lợi thế là diện tích trồng rau có mặt bằng khá bằng phẳng, có độ cao hơn các vùng trồng rau khác của Cty nên chủ yếu thích hợp trồng các loại cây xứ lạnh, trồng rau trái vụ. Để sản xuất có hiệu quả quan trọng nhất là ở khâu chọn giống để phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Sau một thời gian thử nghiệm, Cty đã liên kết với người dân địa phương trồng thử nghiệm cần tây được gần 4.000 m2, theo hình thức Cty cung cấp giống cho bà con trồng và thu mua lại sản phẩm. Đến nay, Cty đang tạo việc làm cho khoảng 10 – 20 lao động địa phương theo mùa vụ, tiền công từ 150 – 170 nghìn đồng/ngày. Định hướng của Cty là làm mô hình điểm để bà con đến làm và chuyển giao kỹ thuật. Sau vài năm khi đây trở thành vùng hàng hóa sẽ mở rộng ra theo hướng liên kết cho người dân trồng, Cty bao tiêu sản phẩm.

Phát huy hiệu quả trong liên kết sản xuất, năm ngoái nông dân xã Quyết Tiến đăng ký trồng 9 ha Dưa chuột với Cty TNHH Dưa Leo Quê Vùng Miền ở Bắc Ninh. Sau khi thấy hiệu quả từ trồng dưa, năm nay tổng diện tích Dưa chuột toàn xã đã nâng lên 20 ha với 100 hộ tham gia sản xuất. Anh Vàng Thống Cáo, là đầu mối thu mua sản phẩm dưa chuột cho Cty TNHH Dưa Leo Quê Vùng Miền, chia sẻ: “Năm ngoái tôi có liên hệ với Cty TNHH Dưa Leo Quê Vùng Miền để tìm đầu mối liên kết sản xuất. Sau khi doanh nghiệp lên khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bà con tham gia trồng dưa đã có một vụ mùa thu hoạch khá, thu nhập cao gấp 2 – 3 lần trồng rau. Năm nay, số hộ đăng ký tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất dưa đã tăng lên gấp đôi. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc trồng dưa”.

Chị Lù Thị Tuyên, thôn Đông Tinh là một hộ tham gia trồng dưa liên kết trong năm nay, cho biết: “Nhà tôi có diện tích gần 1 ha trồng dưa leo, đây là loại cây trồng có thời gian thu hoạch ngắn ngày, sau khi trồng đến 45 ngày là bắt đầu cho thu hoạch. Trồng dưa leo không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón phân, tỉa nhánh đúng thời kỳ. Vào dịp thu hoạch, mỗi ngày tôi có thể hái 2 lần vào buổi sáng và chiều”. Hiện đang vào vụ thu hoạch dưa leo, các hộ trồng dưa được Cty thu mua với giá ổn định là 6 nghìn đồng/kg. Theo chị Tuyên, trừ chi phí, tiền lãi từ trồng dưa leo lên đến trên 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với cây trồng khác.

Để phát triển liên kết sản xuất rau sạch bền vững, thời gian tới xã Quyết Tiến tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ KHKT cho người trồng rau. Đồng thời vận động bà con áp dụng đúng các quy trình sản xuất rau sạch, an toàn cho người sử dụng, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những mảnh vườn xanh màu no ấm
BHG - Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, đến nay những mảnh vườn tạp canh tác kém hiệu quả trước đây trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã được thay thế bởi màu xanh tươi tốt của những vườn rau, cây ăn quả, tô thêm những gam màu xanh no ấm cho cuộc sống của đồng bào.
15/08/2022
Thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ
BHG - Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ (CN – TTCN&TM – DV) luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT – XH của địa phương. Tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu và có nhiều chính sách ưu đãi, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển bền vững; giải quyết được việc làm cho lao động trong tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo đà thúc đẩy nền kinh tế của địa phương.
14/08/2022
Người có uy tín huyện Quản Bạ nêu gương phát triển kinh tế
BHG - Huyện Quản Bạ có 107 người có uy tín (NCUT) ở 107 thôn, tổ dân phố. Đây là đội ngũ già làng, trưởng bản, cán bộ hưu trí, đảng viên được nhân dân tin tưởng và bầu chọn. Phát huy tinh thần gương mẫu, NCUT luôn là hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ, tấm gương cho con cháu và người dân noi theo.
14/08/2022
Gỡ khó cho các hợp tác xã phát triển bền vững
BHG - Tác động của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Các kênh tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn, nhiều HTX phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng, dẫn đến thu nhập của các thành viên, người lao động bị giảm sút. Để tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT), tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho các HTX.
12/08/2022