Sức dân trên những con đường mới

16:13, 16/05/2022

BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã tích cực hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu để mở mới, nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, liên xã. Góp phần xây dựng nên những con đường khang trang, sạch đẹp, thuận tiện cho phát triển sản xuất, kết nối giao thương, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn.

Người dân xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì) làm đường giao thông nông thôn.                                          Ảnh: Tư liệu
Người dân xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Tư liệu

Đến thôn Thành Công, xã Nậm Dịch vào thời điểm bà con trong thôn đang miệt mài vận chuyển vật liệu, đổ bê tông tuyến đường nội thôn. Do tuyến đường đất dốc, quanh co, từ trung tâm xã vào đến thôn phải đi qua một con suối với lượng nước khá lớn nên việc vận chuyển vật liệu gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vất vả nhưng ai nấy đều miệt mài với công việc của mình. Anh Phàn Văn Canh, Trưởng thôn Thành Công cho biết: Sau khi được huyện hỗ trợ xi măng, bà con trong thôn đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền mặt, ngày công để đổ bê tông tuyến đường nội thôn. Đến nay, toàn thôn đã bê tông hóa được trên 1,3 km. Với đặc điểm địa hình chia cắt, dốc núi quanh co nên việc sửa chữa, bê tông các tuyến đường trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm và chung sức đồng lòng của nhân dân, con đường từ trung tâm xã vào đến thôn cơ bản được cứng hóa, rất thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của người dân.

Là địa phương được huyện Hoàng Su Phì đưa vào lộ trình “cán đích” NTM, đến cuối năm 2021, xã Nậm Dịch đạt 15/19 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí giao thông mặc dù là tiêu chí khó nhưng với sự hỗ trợ của huyện và sự quyết tâm của các tầng lớp nhân dân, hiện xã thực hiện đổ bê tông được trên 31 km đường giao thông. Bí thư Đảng ủy xã Nậm Dịch, Đinh Văn Hùng cho biết: Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ nguồn xi măng được hỗ trợ, trong năm 2021, nhân dân trong xã hiến trên 2.000 m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để bê tông hóa các tuyến đường trục thôn, nhánh hộ. Chứng kiến những tuyến đường đất lầy lội trước đây đang dần được thay thế bởi con đường bê tông sạch đẹp, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, bà con ai cũng phấn khởi và càng thêm quyết tâm chung sức cùng chính quyền xây dựng NTM.

Đi trên con đường bê tông phẳng phiu nối trung tâm xã Chiến Phố với thôn Nhìu Sang, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của đồng bào khi con đường đã đem đến sự đổi thay đáng kể cho cuộc sống nơi đây. Thôn Nhìu Sang là vùng trọng điểm trồng mận Máu và trồng cây vụ Đông của xã. Trước đây do giao thông đi lại vất vả nên các sản phẩm nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Từ cuối năm 2020, con đường bê tông dài hơn 1,5 km được hoàn thiện, bà con đã tích cực sản xuất theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập. Chủ tịch UBND xã Chiến Phố, Lù Seo Seng cho biết: Khi hạ tầng giao thông nông thôn hoàn thiện đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân phát triển sản xuất, kết nối giao thương hàng hóa, nâng cao chất lượng sống. Đó cũng chính là lí do mà mỗi người dân trong thôn, trong xã đều nhiệt tình, tự nguyện tham gia hiến đất, đóng góp vật liệu, ngày công để những con đường liên thôn, liên xóm ngày càng được mở rộng và bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì hiến 69.196 m2 đất, đóng góp hơn 90.000 ngày công lao động, bê tông hóa được trên 55 km đường giao thông nông thôn; tu sửa, nâng cấp, mở rộng nền đường giao thông được 126 km; mở mới đường giao thông được 63,3 km. Các cơ quan, đơn vị và nhân dân ủng hộ hơn 1,8 tỷ đồng vào Quỹ “Chung sức xây dựng NTM” của huyện. Đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 10 – 15 tiêu chí, không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Thèn Ngọc Minh cho biết: Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền địa phương xây dựng những công trình hạ tầng phục vụ cộng đồng. Do địa hình có độ dốc cao, bị chia cắt bởi sông, suối; nhiều thôn bản có kết cấu thổ nhưỡng không ổn định (chủ yếu là đất pha cát, dễ sạt trượt) nên việc vận chuyển vật liệu, san tạo mặt bằng, thi công các tuyến đường hết sức phức tạp. Vượt qua tất cả những khó khăn đó, dưới sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, những cung đường bê tông nông thôn ở các xã, thị trấn trên địa bàn ngày càng được nối dài. Những con đường từ sức dân đã và đang góp phần đưa bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng khởi sắc, tạo động lực cho sự phát triển KT - XH, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ các trang trại, gia trại
BHG - Phân tích, đánh giá những thành tựu phát triển KT - XH của huyện Bắc Quang trong những năm qua trên lĩnh vực phát triển trang trại – gia trại, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Quang cho biết: “Hoạt động của đơn vị những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực trong việc huy động vốn, mạng lưới tín dụng được củng cố; đổi mới phương thức cho vay; cho vay có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu hoạt động trọng tâm là hướng về nông nghiệp - nông thôn...”. Nhờ đó, đến nay Agribank Chi nhánh Bắc Quang đã góp phần tích cực, quan trọng, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đời sống mọi mặt của nông dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.
29/04/2022
Chế Là có nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân
BHG - Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Chế Là (Xín Mần) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
28/04/2022
Cây chè cổ thụ xã Đường Hồng cần được bảo tồn, xây dựng thương hiệu
BHG - Xã Đường Hồng (Bắc Mê) hiện có 39 ha cây chè; trong đó có hàng nghìn cây chè cổ thụ, tuổi đời từ 50 - 100 năm. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị những cây chè cổ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào đến cùng xã xây dựng thương hiệu chè cổ thụ này.
26/04/2022
“Gỡ khó” phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Từ kết quả phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi theo trình độ phát triển, tỉnh ta đã khảo sát, đánh giá sự hụt giảm, thay đổi chính sách sau khi các xã, thôn ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm “gỡ khó”, phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS...
25/04/2022