Hà Giang

Nhịp sống Cao Bồ

14:19, 11/05/2022

BHG - Chè Shan tuyết cổ thụ, Thảo quả, quế, nghề chạm bạc, nuôi cá tầm, trồng nấm, chăn nuôi gia súc, cải tạo vườn tạp... những mô hình kinh tế hiệu quả đang mang lại nhịp sống mới no ấm cho người dân xã Cao Bồ (Vị Xuyên).

Nghề chạm bạc truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho các nghệ nhân.
Nghề chạm bạc truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho các nghệ nhân.

Nằm dưới chân dải Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, Cao Bồ được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho cây chè Shan tuyết phát triển, là “thủ phủ” chè Shan tuyết của huyện Vị Xuyên, nằm trong vùng chè được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ Cao Bồ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận cây Di sản Việt Nam. Phát huy tiềm năng, lợi thế về cây chè Shan tuyết, xã Cao Bồ tập trung phát triển bền vững cây chè, giúp người dân nâng cao thu nhập. Toàn xã hiện có 852 ha chè Shan tuyết. Năm 2021, sản lượng chè búp tươi thu được hơn 1.135 tấn, doanh thu đạt hơn 22,7 tỷ đồng. Anh Đặng Văn Thắng, thôn Tham Vè, chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu sản xuất chè Shan tuyết từ năm 2000. Các loại chè như: Chè phơi nắng, chè khói, chè Vàng, chè Đen, Phổ nhĩ, Bạch trà. Doanh thu hàng năm đạt trên 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 6 lao động địa phương”.

Cùng với chè Shan tuyết, cây quế đang trở thành “cây thoát nghèo” bền vững của người dân nơi đây. Toàn xã hiện có gần 800 ha quế, trong đó hơn 100 ha đang cho thu hoạch, sản lượng vỏ quế khô đạt 79 tấn, doanh thu đạt 4,4 tỷ đồng. Chị Chương Thị Chắm, thôn Thác Hùng cho biết: “Gia đình tôi thu mua quế của bà con đã 5 năm nay. Năm 2021, tiêu thụ được gần 30 tấn quế khô cho bà con. Hiện nay, thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ quế rất lớn, giá cao. Giá vỏ quế tươi hiện đang thu mua 25 nghìn đồng/kg, đảm bảo đầu ra ổn định, nhiều hộ dân có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm”.

Anh Đặng Văn Thắng, thôn Tham Vè kiểm tra chất lượng sản xuất chè Xuân.
Anh Đặng Văn Thắng, thôn Tham Vè kiểm tra chất lượng sản xuất chè Xuân.

Cao Bồ nổi tiếng với nghề chạm bạc truyền thống tinh xảo. Anh Đặng Văn Trương, thôn Thác Hùng chia sẻ: “Từ lúc 16 tuổi, tôi đã theo bố làm nghề chạm bạc, trong xã hiện có 5 nghệ nhân. Mỗi năm tôi làm gần 1 tạ bạc thô để sản xuất các sản phẩm truyền thống của đồng bào Dao như: Vòng cổ, vòng tay, thắt lưng, hoa tai, nhẫn, hoa cài đầu, dây trầu, trâm cài tóc, áo quan trong lễ Cấp sắc... mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng”.

Bên cạnh đó, tổng diện tích trồng cây lương thực hàng năm của xã đạt 476 ha, trong đó cây lúa đạt 236,8 ha, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, sản lượng đạt 1.420 tấn. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.075,15 tấn; diện tích Thảo quả 630 ha, sản lượng đạt 35 tấn quả khô/năm, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng. Tổng đàn gia súc, gia cầm có 31.360 con. Xã có 2 HTX hoạt động hiệu quả, 1 sản phẩm chè Vàng của HTX chè Shan tuyết Cao Bồ đạt Ocop 3 sao; duy trì 19 nhóm sở thích nuôi lợn đen, nuôi dê, sản xuất chè hữu cơ và trồng dược liệu. Có 44 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp. Chương trình xây dựng Nông thôn mới khởi sắc. Năm 2021, người dân chung tay tu sửa 1.700 m kênh mương; xây dựng 34 công trình vệ sinh; xây mới và hoàn thành 6 trụ sở thôn; kêu gọi xã hội hóa xây dựng 1 cầu tràn, 1 đập tràn, 2 cầu dân sinh, 1 nhà lưu trú học sinh; thôn Lùng Tao đạt 11/12 tiêu chí xây dựng thôn Nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,37%. Các vấn đề về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh được quan tâm, chú trọng. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho nhân dân.

Thu mua vỏ quế cho người dân
Thu mua vỏ quế cho người dân

Có được thành quả trên, theo Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Chung: “Xã luôn bám sát các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng các cấp, cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT – XH trên địa bàn. Năm 2022, xã tập trung thực hiện 2 khâu đột phá là phát triển du lịch và trồng quế chất lượng cao, mục tiêu giảm 4,35% tỷ lệ hộ nghèo. Để đạt mục tiêu, xã tập trung huy động nguồn lực, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với lợi thế địa phương, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do địa hình đồi núi phức tạp, giao thông chưa thuận lợi, thương mại dịch vụ phát triển chậm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hạn chế, một số sản phẩm tiêu biểu chưa xây dựng được thương hiệu, nhiều tiêu chí Nông thôn mới chưa đạt, nhưng người dân nơi đây đang nỗ lực từng ngày để biến những thuận lợi và cả những khó khăn thành cơ hội phát triển.

Bài, ảnh: Biện Luân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ các trang trại, gia trại
BHG - Phân tích, đánh giá những thành tựu phát triển KT - XH của huyện Bắc Quang trong những năm qua trên lĩnh vực phát triển trang trại – gia trại, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Quang cho biết: “Hoạt động của đơn vị những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực trong việc huy động vốn, mạng lưới tín dụng được củng cố; đổi mới phương thức cho vay; cho vay có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu hoạt động trọng tâm là hướng về nông nghiệp - nông thôn...”. Nhờ đó, đến nay Agribank Chi nhánh Bắc Quang đã góp phần tích cực, quan trọng, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đời sống mọi mặt của nông dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.
29/04/2022
Chế Là có nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân
BHG - Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Chế Là (Xín Mần) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
28/04/2022
Cây chè cổ thụ xã Đường Hồng cần được bảo tồn, xây dựng thương hiệu
BHG - Xã Đường Hồng (Bắc Mê) hiện có 39 ha cây chè; trong đó có hàng nghìn cây chè cổ thụ, tuổi đời từ 50 - 100 năm. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị những cây chè cổ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào đến cùng xã xây dựng thương hiệu chè cổ thụ này.
26/04/2022
“Gỡ khó” phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Từ kết quả phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi theo trình độ phát triển, tỉnh ta đã khảo sát, đánh giá sự hụt giảm, thay đổi chính sách sau khi các xã, thôn ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm “gỡ khó”, phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS...
25/04/2022