Ngày mới ở Tân Phong

15:35, 04/04/2022

BHG - Men theo con đường bê tông uốn lượn như dải lụa, chúng tôi tìm về thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) vào một ngày tháng Ba. Cuối Xuân, những tia nắng ấm áp chiếu rọi khắp rặng cây, sườn núi, làm bừng lên sức sống mới của bản nhỏ vùng cao. Hòa trong sắc xanh của hoa màu, cây trái là những gương mặt rạng rỡ, tươi vui của người dân khi cuộc sống ngày càng no đủ và khấm khá hơn.

Ngày mới ở Tân Phong được bắt đầu bởi tiếng nói cười lao xao xen lẫn trong tiếng máy làm đất, những thanh âm trong trẻo của bầy trẻ đang nô đùa trên đường đến trường. Tân Phong có 49 hộ đồng bào Dao sinh sống, từ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và từ chính sự nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân mà cuộc sống của đồng bào đã có sự đổi thay rõ rệt. Những con đường liên thôn, nhánh hộ được bê tông hóa, những ngôi nhà kiên cố mọc lên thay thế cho những ngôi nhà tạm trước đây, ruộng bậc thang không còn bỏ hoang hóa mà được phủ bởi màu xanh tươi tốt của các cây rau màu. Nhà nhà, người người thi đua phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bà con cũng đổi thay nhiều trong nếp nghĩ, cách làm. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như trước, giờ đây người dân trong thôn đã liên kết lại, thành lập các nhóm cùng sở thích để giúp đỡ nhau và cùng chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Chị Triệu Mùi Mủi chăm sóc vườn Dâu tây.                                    Ảnh: Tư liệu
Chị Triệu Mùi Mủi chăm sóc vườn Dâu tây. Ảnh: Tư liệu

Điển hình như hiện nay thôn đã thành lập được nhiều nhóm cùng sở thích: Nhóm sở thích chăn nuôi gà; nhóm trồng và chế biến chè; nhóm trồng cây dược liệu; nhóm phát triển du lịch cộng đồng… Anh Triệu Chàn Quyên, thành viên nhóm sở thích trồng và chế biến chè cho biết: Với đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, chè Shan tuyết của địa phương có hương vị thơm ngon rất đặc biệt. Tuy nhiên trước đây, các gia đình chưa chú trọng khâu chăm sóc, thu hái, bảo quản và thường bán lẻ cho các thương lái thu mua nên giá cả bấp bênh, thu nhập từ cây chè đạt thấp. Nhận thấy đây là cây trồng đặc sản với tiềm năng kinh tế lớn, các hộ trồng chè trong thôn đã liên kết lại, thành lập nhóm sở thích, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong khâu chăm sóc, thu hái, bảo quản chè. Đồng thời, chú trọng liên kết với các HTX thu mua, chế biến chè trong huyện để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, giá thành của sản phẩm chè địa phương được nâng lên, bình quân 1 ha chè mỗi năm đem lại thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng cho các gia đình, cao hơn nhiều so với trước đây.

Thôn Tân Phong nằm dưới chân núi Chiêu Lầu Thi, có điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương có thể phù hợp với cây Dâu tây, một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, năm 2019 một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng Dâu tây. Chị Triệu Mùi Mủi, người tiên phong mang cây Dâu tây về trồng chia sẻ: Sau khi tham quan, học hỏi mô hình trồng Dâu tây ở một số xã như Pố Lồ, Bản Luốc, tôi đã quyết định chuyển đổi diện tích hơn 500 m2 đất canh tác của gia đình sang trồng Dâu tây. Đặc tính của cây Dâu tây là ưa ẩm và rất kém trong khả năng chịu hạn nên tôi đã sử dụng nilon để che phủ toàn bộ diện tích, tưới nước thường xuyên để đất ẩm và giúp cây phát triển tốt. Sau hơn 3 tháng trồng, cây đã cho thu hoạch những lứa quả ngọt đầu tiên. Với giá bán 120 – 150 nghìn đồng/kg, thu nhập từ Dâu tây cao hơn nhiều so với một số loại hoa màu truyền thống. Nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng Dâu tây, hiện nay, trong thôn có một số hộ đã mạnh dạn trồng, với tổng diện tích khoảng 2 ha. Đây sẽ là lựa chọn tốt đối với các hộ muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Không chỉ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân thôn Tân Phong còn tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp dưới chân núi Chiêu Lầu Thi để phát triển du lịch cộng đồng, mở ra một hướng đi mới trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Anh Triệu Tà Pú, một thanh niên người Dao trẻ tuổi tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng ở thôn chia sẻ: Năm 2019, tôi đã tiến hành chỉnh trang lại khuôn viên nhà cửa, đầu tư một số trang thiết bị cần thiết để phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Tôi đã cùng với một số hộ trong thôn liên kết thành lập đội văn nghệ, phân công công việc như nấu ăn, đưa đón khách, góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương. Ngoài ra, tôi cũng chủ động học thêm tiếng Anh để thuận tiện trong việc giao tiếp với khách du lịch nước ngoài. Với chi phí dịch vụ hợp lý, từ 300 – 500 nghìn đồng/khách/ngày bao gồm cả dịch vụ ăn uống và lưu trú, homestay của gia đình tôi thu hút một lượng khách nhất định, đem lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Học tập mô hình của anh Pú, một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư homestay để phát triển du lịch. Ngoài ra thôn đã thành lập được HTX Du lịch Hồ Thầu Ecovilla với 7 thành viên; xây dựng bungalows gồm 10 phòng nghỉ, phục vụ hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.

Một ngày mới lại bắt đầu ở Tân Phong trong không khí hăng say thi đua lao động, sản xuất. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch đã đem đến màu sắc tươi mới cho cuộc sống của bản nhỏ người Dao dưới chân núi Chiêu Lầu Thi.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thúc đẩy kinh tế rừng gỗ lớn tại Bắc Quang
BHG - Bình quân mỗi năm, Bắc Quang khai thác trên 1.000 ha rừng kinh tế, cung cấp từ 70.000 – 85.000 m3 gỗ cho chế biến, tiêu dùng (chưa kể đến các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn). Năm 2021, Bắc Quang có độ che phủ rừng đạt tới 66,5% được đánh giá cao nhất tỉnh. Phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn đã, đang mang lại giá trị “kép” cho nền kinh tế...
31/03/2022
Giao ban tiến độ sản xuất nông, lâm nghiệp 3 tháng đầu năm
BHG - Chiều 30.3, Sở NN&PTNT đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về tiến độ sản xuất nông, lâm nghiệp quý I-2022. Đồng chí Hoàng Hải Lý, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở, Thường trực UBND huyện, thành phố và Phòng NN&PTNT tại điểm cầu các huyện, thành phố.
30/03/2022
Thành quả lớn từ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân
BHG - Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã thực sự tạo ra những thay đổi lớn đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 47/175 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, kinh tế ngày càng khởi sắc, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt.
30/03/2022
Agribank Quản Bạ hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả
BHG - Trong những năm qua, từ nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Quản Bạ đã giúp nhân dân trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Agribank Quản Bạ dần trở thành ngân hàng quen thuộc với nông dân, là người bạn đồng hành cùng nông dân trong quá trình giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
29/03/2022