OCOP - tinh hoa miền cực Bắc

14:52, 08/02/2022

Xuân 2022 - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã bước sang mùa Xuân thứ 4, trở thành nơi hội tụ tinh hoa sản phẩm chủ lực miền cực Bắc. Thương hiệu OCOP không chỉ kết tinh hành trình lao động sáng tạo của các chủ thể mà còn tôn vinh sản phẩm tiêu biểu, đảm bảo chất lượng, làm đa dạng, phong phú sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tạo sức hấp dẫn riêng cho mảnh đất biên cương cực Bắc.

Các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh thực hiện chặt chẽ, khách quan, đúng quy định

Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 3.2018, trở thành chương trình mới, chưa từng có trong tiền lệ. Đây là hình thức phát triển KT-XH không chỉ vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực thành thị thông qua việc thúc đẩy, phát triển các tổ chức kinh tế, sản phẩm dịch vụ OCOP. Với sức sống vững bền trong cuộc sống, chương trình OCOP được đánh giá là hướng đi đúng, góp phần thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới (NTM), nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng thương hiệu nông nghiệp riêng của Hà Giang. Giai đoạn 2018 – 2020, toàn tỉnh có 193 sản phẩm OCOP của 87 chủ thể (8 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã (HTX), 15 hộ sản xuất), thuộc 6 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ; vải, may mặc; dịch vụ du lịch và bán hàng. Trong đó, 145 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 46 sản phẩm 4 sao và đặc biệt, có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP đều có mẫu mã, bao bì riêng, được hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ. 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh là cam Sành Hà Giang, mật ong Bạc hà và chè Shan tuyết cổ thụ được đưa vào tiêu thụ tại chuỗi siêu thị Vinmart...

Sản phẩm OCOP của HTX Nông sản Dầu lạc Đồng Yên (Bắc Quang)

Thông qua chương trình OCOP, các chủ thể không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Đây cũng là cơ sở quan trọng để góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí số 10 (về thu nhập), tiêu chí số 12 (lao động có việc làm), tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu có thể kể đến HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì). Với dây chuyền sản xuất hiện đại cùng nguồn nguyên liệu chè Shan tuyết độc đáo của núi rừng Tây Côn Lĩnh, HTX đã chế biến thành công một số dòng sản phẩm cao cấp, nức tiếng trên thị trường; trong đó, 2 sản phẩm: Trà xanh hộp 100gr và sản phẩm Hồng trà hộp 100gr được tôn vinh sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Còn HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (Mèo Vạc) có thế mạnh chăn nuôi ong lấy mật với quy mô lên đến 3.000 đàn ong, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Sản phẩm Mật ong Bạc hà của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Không những vậy, quá trình liên kết sản xuất, kinh doanh của đơn vị tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho 27 hộ nuôi ong trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Hay HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn (Đồng Văn) nổi tiếng với các sản phẩm OCOP thuộc nhóm ngành vải, may mặc được dệt từ sợi Lanh trắng. Để có vùng nguyên liệu ổn định, HTX tiến hành liên kết sản xuất với 125 hộ dân, thuộc 7 tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đồng Văn, trồng 80 ha cây Lanh trắng phục vụ dệt sợi. Qua đó, còn tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng cho các hộ dân.

Các sản phẩm mật ong Bạc hà xếp hạng OCOP không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn có cả hình thức bắt mắt, hấp dẫn người tiêu dùng.

Nối tiếp kết quả trên, năm 2021, ngành chuyên môn của tỉnh tiếp tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với 73 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ và 4 sản phẩm thuộc nhóm du lịch, dịch vụ. Trên cơ sở đó, phấn đấu phát triển mới từ 30 sản phẩm OCOP trở lên đạt hạng 3 và 4 sao; 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc theo quy định. Từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế…

Sản phẩm OCOP được dán tem điện tử giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc

Với uy tín, danh tiếng của mình, nhiều sản phẩm sau khi xếp hạng OCOP khẳng định được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định, trở thành sản phẩm hút khách, quà tặng độc đáo, nhất là dịp Tết đến, Xuân về, như: Trà Shan tuyết, Mật ong Bạc hà hay các sản phẩm mứt, siro, rượu chế biến từ nguyên liệu đặc sản cam Sành Hà Giang…

Bài, ảnh: Thu Phương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

30 năm cho ánh điện bừng sáng lung linh
Xuân 2022 - Năm nay Công ty Điện Hà Giang (Công ty) kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, đón Xuân mới 2022, các lớp thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân, người lao động toàn Công ty cùng ôn lại những khó khăn, vất vả nhưng rất hào hùng và vinh quang trong suốt chặng đường 30 năm đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, phụng sự nhân dân.
31/01/2022
Vững vàng trong gian khó
BHG - Năm 2021, một năm với nhiều biến động trong đời sống KT-XH khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị phải căng mình ứng phó với đại dịch. Nhưng càng trong khó khăn, thách thức...
27/01/2022
Giúp nhà nông phát triển kinh tế
BHG - Vận dụng linh hoạt, sáng tạo Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất; phát triển trâu, bò, lợn; cải tiến nông cụ…”, 
27/01/2022
Khởi sắc hoạt động tín dụng chính sách xã hội
BHG - Năm 2021, toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc ghi dấu ấn khởi sắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH). Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD)... 
26/01/2022