Hà Giang

Nỗ lực thắp sáng biên cương

14:59, 23/11/2021

BHG - Đồng Văn là huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh, bên cạnh sự đầu tư về y tế, giáo dục… một trong những nhiệm vụ trọng tâm, luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hàng đầu đó là đưa điện về vùng sâu, xa, đặc biệt là các thôn biên giới để góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, giảm nghèo. Đến nay, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trên 95% số hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới Quốc gia. Việc đưa điện đến các vùng nông thôn, miền núi mang lại diện mạo mới cho địa phương.

Người dân thôn Má Là, xã Lũng Táo có điện thắp sáng.
Người dân thôn Má Là, xã Lũng Táo có điện thắp sáng.

Lũng Táo là xã biên giới của huyện Đồng Văn, xã có 3 thôn giáp biên, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2018, người dân sống tại các thôn biên giới trên địa bàn xã đều được sử dụng điện lưới Quốc gia; trong đó, thôn Má Là là thôn cuối cùng “đón điện”. Điện về thôn, đời sống của 64 hộ dân sinh sống trong thôn có sự đổi thay rõ rệt. Không chỉ mang theo ánh sáng văn hóa, thông tin thời sự được cập nhật tốt hơn, người dân còn có thể học hỏi các phương thức canh tác để thay đổi tư duy, tập quán sản xuất.

Ông Ly Mí Quân, thôn Má Là chia sẻ: Trước đây, khi thôn chưa có điện lưới, chúng tôi cũng tự kéo điện về nhưng chỉ đủ thắp sáng, đường dây, cột điện không an toàn vào mỗi mùa mưa bão. Sau khi có điện, bà con mừng lắm, cuộc sống như bước sang trang mới. Gia đình tôi mua sắm được các thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt như tivi, máy giặt, máy xay ngô… cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Hàng tháng, gia đình tôi trả khoảng trên 200 nghìn đồng tiền điện.

Có điện, gia đình ông Ly Mí Quân, thôn Má Là, xã Lũng Táo (Đồng Văn) mua máy xay ngô phục vụ chăn nuôi.
Có điện, gia đình ông Ly Mí Quân, thôn Má Là, xã Lũng Táo (Đồng Văn) mua máy xay ngô phục vụ chăn nuôi.

Thực tế, tại nhiều thôn vùng sâu, xa, vùng biên giới của huyện, bà con sống thưa thớt, các hộ cách nhau vài km, đường đi lại khó khăn; lượng điện sử dụng một tháng ít, hóa đơn tiền điện chỉ vài chục nghìn đồng. Vì vậy, việc nỗ lực kéo điện cho các hộ dân biên giới là một bài toán khó. Ông Đặng Vũ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Lũng Táo cho biết: Trước đây, khi chưa có điện, một số hộ dân tự kéo điện về. Vì thế, xuất hiện những cột điện bằng tre xiêu vẹo, dây dẫn nhỏ, chắp nối, không đảm bảo. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ có những chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển khu vực biên giới, trong đó có chương trình hiện đại hóa lưới điện nông thôn, nhiều xã vùng biên được hưởng lợi. Hệ thống lưới điện, cột điện được nâng cấp an toàn, chắc chắn đưa ánh sáng về mỗi nhà. Đặc biệt, việc quản lý bán điện, thu tiền điện đều do cán bộ ngành Điện quản lý trực tiếp; bởi vậy, người dân được mua điện với giá đúng quy định.

Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc đưa điện lưới Quốc gia về vùng nông thôn, góp phần phát triển KT-XH vùng sâu, xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh nhiều biện pháp, phối hợp cùng với ngành Điện lực nỗ lực mang điện về với người dân vùng cao. Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 7 xã, thị trấn 100% người dân được sử dụng điện; vẫn còn 9 thôn, thuộc 5 xã với gần 500 hộ dân chưa có điện để sử dụng. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực, phối hợp với các ngành liên quan sớm kéo điện cho người dân; từng bước hoàn thành tiêu chí Điện trong xây dựng NTM.

Có thể thấy, những đổi thay tích cực trên mảnh đất cực Bắc nhiều năm trở lại đây là nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy phát triển KT - XH, trong đó có việc đưa điện về thắp sáng các thôn, bản biên giới khó khăn. Có điện thắp sáng cũng thắp lên khát vọng của người dân để họ có điều kiện được tiếp cận với công nghệ hiện đại, tiên tiến, học hỏi thêm được nhiều kiến thức, có thêm động lực để nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Từ đó, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng sâu, xa, biên giới với đồng bằng.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực thắp sáng biên cương

BHG - Đồng Văn là huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh, bên cạnh sự đầu tư về y tế, giáo dục… một trong những nhiệm vụ trọng tâm, luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hàng đầu đó là đưa điện về vùng sâu, xa, đặc biệt là các thôn biên giới để góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, giảm nghèo. Đến nay, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trên 95% số hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới Quốc gia. Việc đưa điện đến các vùng nông thôn, miền núi mang lại diện mạo mới cho địa phương.

23/11/2021
Nông dân Bồn Văn Cuổng thành công với mô hình kinh tế tổng hợp

BHG - Trong những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn huyện Bắc Mê xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là anh Bồn Văn Cuổng, sinh năm 1980, thôn Nà Viền, xã Giáp Trung (Bắc Mê)

23/11/2021
Mèo Vạc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

BHG - Những nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã tạo nên vùng lòng hồ rộng lớn. Tận dụng lợi thế này, huyện đã triển khai, phát triển mô hình nuôi cá lồng, qua đó đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.

23/11/2021
Giàng Mí Hải vươn lên từ nuôi lợn đen bản địa

BHG - Sinh ra trong gia đình thuần nông, trải qua những biến cố gia đình cũng như thất bại trong phát triển mô hình kinh tế, nhưng với ý chí, nghị lực không chùn bước trước thất bại, anh Giàng Mí Hải, dân tộc Mông, thôn Nam Sơn, xã Quản Bạ (Quản Bạ) vượt qua khó khăn, mạnh dạn chuyển đổi nuôi giống lợn đen bản địa mang lại thu nhập cao.

23/11/2021