Giá vật tư tăng cao gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp

09:50, 03/09/2021

BHG - Thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp (VTNN) như: Phân bón, thuốc bảo vệ thưc vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi… liên tục có xu hướng tăng cao, kéo theo giá thành sản xuất nông nghiệp bị đội lên, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang diễn ra phức tạp khiến giá nhiều loại nông sản giảm nhiều, đầu ra không vững bền, gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân trên địa bàn tỉnh.

Người dân phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) mua thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học an toàn với sức khỏe, môi trường.
Người dân phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) mua thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học an toàn với sức khỏe, môi trường.

Theo chia sẻ của các đại lý kinh doanh VTNN, từ đầu tháng 3.2021 giá các mặt hàng như: Phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng và tăng mạnh nhất từ thời điểm tháng 6 – 9.2021 chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trên thị trường hiện nay, giá phân NPK Lâm Thao dao động từ 500.000 – 530.000 đồng/tạ, tăng 20%; phân U rê Hà Bắc 1.200.000 đồng/tạ, tăng 40%. Giá thuốc BVTV cũng tăng, đơn cử như thuốc trừ cỏ thế hệ mới Newfosinate 150 sl 4.0 chai 800 ml giá 117.000 đồng/chai, tăng 30%; thuốc trừ sâu sinh học Phumai 3.6 chai 90 ml giá 25.000 đồng/chai, tăng 15%; thuốc trừ bệnh Asusu 20wp gói 50gr giá 15.000 đồng/gói, tăng 10%; giá cám lợn bao 25 kg giá 350.000 đồng/bao, tăng 20% so với cùng thời điểm năm 2020.

Khi giá VTNN tăng cao, nông dân chịu ảnh hưởng lớn nhất, từ những hộ sản xuất quy mô nhỏ cho đến các trang trại lớn. Trong chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng từ 40 – 50% chi phí sản xuất; trồng trọt, giá phân bón chiếm khoảng 10 – 15% chi phí sản xuất; thuốc BVTV chiếm 5 – 10% tùy vào thời tiết và tình hình dịch bệnh gây hại xảy ra. Anh Phạm Võ Quan, thôn Lùng Châu, xã Phong Quang (Vị Xuyên) tâm sự: Gia đình tôi có diện tích 1,5 ha trồng Thanh long ruột đỏ Thái Lan, loại cây sử dụng rất nhiều phân bón, từ thời kỳ trước, trong và sau khi có quả để bón thúc, bón kali tăng ngọt quả. Bên cạnh đó, dùng thuốc BVTV giúp cây không bị sâu đục cành, đục quả, rệp sáp, thối nhũn… Tuy nhiên, hiện nay khi giá các loại VTNN tăng quá cao so với thời điểm cùng kỳ năm 2020, chưa kể phải trả lương cho 8 công nhân, với mức lương mỗi người giao động từ 6 – 8 triệu/tháng đã khiến tôi phân tâm, khi các khoản chi phí sản xuất bị đội giá lên cao. Nếu quả Thanh long bán như mọi năm từ 20.000 – 30.000 đồng/kg thì lỗ khoảng 120 triệu đồng/năm, bán cao hơn thì khó bán, gây thiệt hại lớn cho gia đình.

Chị Nông Thị Sao, thôn Sơn Thành, xã Hương Sơn (Quang Bình) thổ lộ: Tôi cũng như nhiều gia đình ở thôn chỉ trông chờ vào cây lúa, ngô, để bán cho thương lái, để có chi phí trang trải cuộc sống. Hiện nay, giá thành VTNN tăng cao khiến người dân chúng tôi lao đao, nếu không chăm bón cẩn thận thì mất mùa, không có nguồn thu nhập.

Nhiều nông dân, chủ các cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi cũng đang trăn trở, đắn đo có nên tiếp tục bỏ vốn mua phân bón, thuốc BVTV đầu tư vào sản xuất. Bác Đào Thị Định, chủ cửa hàng kinh doanh VTNN, tổ 4, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) chia sẻ: Từ đầu tháng 3.2021, các loại mặt hàng VTNN đều tăng giá, trong khi nông sản khó tiêu thụ nên sức mua phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi chậm hơn cùng kỳ so với năm 2020 rất nhiều. Thời điểm này, năm 2020 khi đang là vụ lúa Mùa, người dân có xu hướng sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV; nhưng năm nay do giá thành tăng cao, nên cắt giảm chi phí sử dụng các mặt hàng VTNN. Cửa hàng luôn có cơ chế hỗ trợ, đồng hành cùng người dân vượt qua cơn “bão giá”, bán chịu VTNN với thời gian dài, giá thành thấp, giúp cho người dân chuyên tâm vào sản xuất; cửa hàng cũng đang gặp khó về kinh tế, khi không có nguồn vốn để nhập hàng.

Theo các đại lý kinh doanh VTNN, nguyên nhân dẫn tới giá các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi tăng cao là do nước ta còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn ra khiến ngành vận tải gặp khó khăn, các nhà cung cấp nguyên liệu nhập khẩu đều tăng giá, buộc các nhà sản xuất trong nước phải tăng giá bán các mặt hàng VTNN. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng khan hàng, nguồn cung đối với các mặt hàng VTNN vẫn đảm bảo.

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Người dân cần căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ, để sử dụng phân bón 1 cách hữu hiệu nhất. Chi cục luôn hướng người dân tận dụng các phế phẩm nông nghiệp từ lá cây, rơm rạ, rác thải hữu cơ, để ủ thành phân hữu cơ, bón cho cây giúp cải tạo đất, tăng độ tơi xốp, chất dinh dưỡng, tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, người dân có thể tự bào chế thuốc BVTV có nguồn gốc từ ớt, gừng, tỏi, dấm, chanh... để trừ sâu, bệnh gây hại, giúp người dân tiết kiệm chi phí trong sản xuất; áp dụng các tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, giúp bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường xung quanh.

Bài, ảnh: ĐỨC NINH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng thành phố Hà Giang đạt chuẩn đô thị loại II

BHG - Sau gần 11 năm thành lập, xây dựng và phát triển, thành phố Hà Giang đang bước sang giai đoạn mới: Phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại II, dần trở thành thành phố dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, có môi trường sống hấp dẫn, là cửa ngõ gắn kết vùng du lịch trọng điểm Quốc gia – Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

31/08/2021
Hợp tác xã giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

BHG - Những năm qua, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể, tiêu biểu là các hợp tác xã (HTX) đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững. Tại huyện Đồng Văn, số lượng các HTX mặc dù chưa nhiều, nhưng đã khẳng định vai trò trong cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

31/08/2021
Lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu

BHG - Mặc dù chưa bước vào vụ thu hoạch, song niên vụ 2021 – 2022 tại vùng trọng điểm cam của tỉnh, gồm: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên đối diện không ít trở ngại khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; dự báo sức mua của thị trường giảm trong khi sản lượng cam tương đối lớn. Dù vậy, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân vùng trồng cam luôn kiên định thực hiện chiến lược xuyên suốt: "Lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Hà Giang".

31/08/2021
Triển vọng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Bằng Lang

BHG - Anh, Nguyễn Văn Tú, thôn Hạ, xã Bằng Lang (Quang Bình) cho biết, gia đình anh trồng 1 sào dâu (360 m2) lấy lá nuôi mỗi tháng 2 lứa tằm, thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng. 1 sào dâu có thể nuôi tằm được 10 tháng liên tục sẽ có thu nhập bình quân là 50 triệu đồng/năm, tương đương mức thu nhập 500 triệu đồng/mẫu (3.600 m2).

30/08/2021