Hà Giang

"Đất cằn nhả ngọc"- Kỳ I: Đánh thức những vùng đất "ngủ quên"

09:36, 05/08/2021

BHG - Cuộc tái thiết những vùng đất khô cằn, gieo mầm xanh cho đất, tiến tới “xóa sổ” các vườn tạp trên địa bàn tỉnh để phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững là chủ trương thiết thực của tỉnh ta trong giai đoạn 2021 - 2025. Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, bền bỉ của người nông dân, những mảnh vườn đầy cỏ hoang, cây dại đang đong đầy màu xanh hy vọng.

Vườn bưởi Da xanh của anh Lý Văn Thu, thôn Nà Trà, xã Linh Hồ (Vị Xuyên).
Vườn bưởi Da xanh của anh Lý Văn Thu, thôn Nà Trà, xã Linh Hồ (Vị Xuyên).

Khởi đầu mùa Xuân năm nay, huyện Vị Xuyên là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai, thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp (CTVT) theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Trong khí thế vui mừng, phấn khởi xen lẫn niềm tin, Vị Xuyên đã tập trung dồn lực để đưa nghị quyết vào cuộc sống theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh “Dễ làm trước, khó làm sau”, đảm bảo tính bền vững, lâu dài.

Được sự động viên, tiếp sức rất lớn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện trong buổi Lễ phát động CTVT, xã Linh Hồ coi đây là vinh dự, song cũng đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương để sát cánh cùng người dân trong quá trình CTVT. Theo tinh thần của nghị quyết, những hộ CTVT là nông dân nghèo, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên việc định hướng cho các gia đình tổ chức lại sản xuất hiệu quả là điều rất cần thiết. Để thực hiện được điều này, xã yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo sắp xếp lại vườn của mình một cách khoa học, quy củ theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, làm đến đâu giám sát đến đó. Buổi đầu “khai khẩn” quả thực không dễ, bởi nhiều hộ đã quen với kiểu làm vườn tự phát, tiện đâu trồng đó nên khó thay đổi nhận thức. 

Cuối tháng 7, chúng tôi cùng Bí thư Đảng ủy xã Linh Hồ đến thăm 4 hộ CTVT điểm của xã. Dừng chân tại khu vườn của hộ cận nghèo Lý Văn Thu, 400 gốc bưởi Da xanh đang độ phát triển trên diện tích đất đồi xưa kia là rừng vầu bỏ hoang. Anh Thu cười nói: “Đất vườn nhà tôi rộng trên 12.000 m2, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn và chưa biết trồng cây gì nên để lãng phí. Từ sự hỗ trợ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi CTVT và được tiếp cận, tham quan các mô hình kinh tế, tôi mạnh dạn đưa cây bưởi Da xanh vào trồng. Vì kỹ thuật chưa có nên cán bộ khuyến nông phải hướng dẫn quy trình chăm sóc, vun xới cây thường xuyên. Năm đầu, khi cây chưa tạo tán rộng, tôi trồng thêm ngô, lạc trên cùng đơn vị diện tích để lấy lương thực phục vụ gia đình, chăn nuôi gà, lợn và trồng cỏ nuôi Hươu sao. Với bước khởi đầu như vậy, tôi sẽ kiên trì, gắn bó với mảnh vườn để ổn định cuộc sống. 

Sau Linh Hồ, các xã, thị trấn của huyện bắt tay vào chỉnh trang vườn hộ. Có những nơi như xã Phong Quang đã xây dựng vườn mẫu trồng cây Hồng không hạt, Thanh long, nhãn, mít, vải, diện tích đạt 30,7 ha. Chờ ngày thu hoạch các cây trồng lâu năm, các hộ dân đã “lấy ngắn, nuôi dài” trồng xen canh rau, củ cung cấp ra thị trường. Ước tính, trong 10 hộ làm điểm, mỗi hộ tăng thêm thu nhập ít nhất 20 triệu đồng/năm từ các cây ngắn ngày. Điển hình là chị Hoàng Thị Nhật, thôn Lùng Càng cải tạo 1.000 m2 vườn để trồng 300 gốc Thanh long ruột đỏ. Mùa nào thức nấy, tận dụng những khoảng đất trống, chị trồng Dưa hấu, mướp, rau ngót, Mùng tơi... cho thu hoạch quanh năm. Trên mảnh vườn, chị thiết kế lại chuồng trại để nuôi 200 con ngan, gà, vịt. Cứ vậy, mỗi thứ cho thu nhập đều đặn, dần dần chị tiết kiệm được một khoản lớn, kinh tế ngày một khấm khá.

Sau tháng cao điểm phát động, hiện tại, huyện Vị Xuyên có 136 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện CTVT. Tổng diện tích cải tạo đạt trên 97.000 m2, đa số là trồng cây ăn quả, rau và phát triển chăn nuôi. Qua trao đổi, đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên cho biết: “Cụ thể hóa Nghị quyết 05, huyện đã xây dựng quy trình và ban hành hướng dẫn về bộ giống cây trồng, vật nuôi trong quá trình CTTV theo đặc thù từng vùng. Từ xã, thị trấn cho đến các thôn, bản xa xôi đều niêm yết chính sách, quy trình cải tạo vườn, giúp người dân dễ thấy, dễ hiểu và làm theo. Không chỉ hộ nghèo, cận nghèo, các hộ trung bình trở lên cũng tự ý thức CTVT. Đất không phụ công người, màu xanh bắt đầu sinh sôi, nảy nở, người dân đã vững tâm bởi nhìn thấy cơ hội thoát nghèo trên chính mảnh vườn của gia đình”.

Tỉnh ta có đến 86% dân số ở khu vực nông thôn và phần lớn nguồn thu nhập phụ thuộc từ sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn đó, Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về CTVT ra đời được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn lâu nay về tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế vườn hộ. Với sự thống nhất toàn diện cho chủ trương lớn này, BTV Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo CTVT cấp tỉnh; lần lượt các huyện, thành phố, các xã, thị trấn cũng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện CTVT. Với mục tiêu hướng đến người nghèo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành, giai đoạn 2021 - 2025. Mức vay vốn tối đa dành cho hộ nghèo, cận nghèo là 30 triệu đồng/hộ, lãi suất bằng 0% trong vòng 30 tháng. Ngay sau đó, UBND tỉnh phê duyệt Đề án CTVT, sớm đưa mục tiêu trở thành hiện thực.

Trong khí thế của năm đầu tiên thực hiện nghị quyết, hưởng ứng tinh thần chung, các cấp, sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nêu cao quyết tâm, đồng lòng tham gia CTVT. Mỗi cơ quan, đoàn thể, địa phương đều ra quân phát động phong trào bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, hướng mạnh về cơ sở, hội viên của tổ chức nào thì tổ chức đó giúp đỡ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau hơn nửa năm triển khai, toàn tỉnh có 655 hộ nghèo, cận nghèo đăng ký CTVT, đạt trên 160% kế hoạch; 255 hộ đang CTVT. Lũy kế đến nay, tổng diện tích CTVT là 662.192 m2. Trong đó, cải tạo trồng cây ăn quả 449.661 m2; trồng rau, đậu, lạc 132.000 m2; chăn nuôi thủy sản trên 21.830 m2; làm chuồng trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm hơn 38.995 m2; xếp đá, đổ đất tạo vườn trên 19.000 m2. Kinh phí huy động nguồn lực xã hội hóa 1,2 tỷ đồng và huy động 12.963 ngày công giúp dân CTVT. Cùng với đó, có 617 hộ không thuộc đối tượng hưởng chính sách đã triển khai xây dựng vườn mẫu. Những con số ấn tượng như “luồng gió mới” dần tạo sức lan tỏa, sức sống mới cho sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Bài, ảnh: MỘC LAN - PHẠM HOAN

 

 


Cùng chuyên mục

Hiệu quả kinh tế vườn hộ ở thị trấn Việt Lâm

BHG - Trên địa bàn huyện Vị Xuyên, người dân thị trấn Việt Lâm được đánh giá có nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế vườn hộ nhất. Từ hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân nơi đây tập trung phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh vườn của mình cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định.

 

31/07/2021
Cùng người dân Hoàng Su Phì làm giàu

BHG - Những năm qua, Agribank chi nhánh Hoàng Su Phì luôn chú trọng mở rộng đối tượng cho vay, cải cách thủ tục hành chính, triển khai các gói tín dụng phù hợp, nhờ đó ngày càng có nhiều khách hàng được tiếp cận vốn vay, trở thành địa chỉ tin cậy đồng hành cùng nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu.

31/07/2021
Bảo đảm cung ứng hàng hóa, giá cả ổn định trong mùa dịch

BHG - Trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến ngày càng phức tạp, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động phương án chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngành Công thương tăng cường theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, thực hiện biện pháp bình ổn thị trường hàng hóa, giá cả; triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh… nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

31/07/2021
Agribank triển khai các chương trình cho vay ưu đãi

BHG - Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về định hướng phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang và của Agribank, Agribank Hà Giang đã thực hiện việc cung ứng vốn cho nền kinh tế của tỉnh thông qua hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, cá nhân để sản xuất, kinh doanh.

31/07/2021