Hà Giang

Nông dân Hoàng Su Phì thi đua sản xuất giỏi

09:38, 15/07/2021

BHG - Những năm qua, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì ngày càng phát triển và lan tỏa rộng khắp, được đông đảo hội viên, nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các xã, thị trấn; qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương, đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản của chị Nguyễn Thúy Tình, thôn Bản Máy, xã Bản Máy.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản của chị Nguyễn Thúy Tình, thôn Bản Máy, xã Bản Máy. (ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Chị Nguyễn Thúy Tình, thôn Bản Máy, xã Bản Máy là một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Trao đổi với phóng viên, chị Tình cho biết: Trước đây, tôi luôn trăn trở với câu hỏi làm gì để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tìm hiểu về các mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương, tôi nhận thấy chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ sẽ là hướng đi hiệu quả giúp gia đình thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả. Năm 2015, dưới sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân xã, tôi đã bàn với gia đình tu sửa chuồng trại, vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh mua 5 con trâu và bò về nuôi sinh sản. Gia đình tôi còn cải tạo hơn 2.000 m2 đất đồi để trồng cỏ, chuối, sắn, ngô để đảm bảo thức ăn cho đàn trâu, bò.

Nhờ thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và cung cấp lượng thức ăn đảm bảo nên đàn gia súc của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 5 năm phát triển chăn nuôi, gia đình đã xuất bán khá nhiều bê con và thường xuyên duy trì số lượng đàn trâu, bò từ 9 – 15 con. Bình quân mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống và tạo công việc thời vụ cho 2 – 3 lao động địa phương.

Khác với chị Tình, anh Lò Văn Đức, thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang lại lựa chọn phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp vườn - ao - chuồng (VAC) nhằm tận dụng triệt để lợi thế đất đồi rộng của gia đình. Sau nhiều năm canh tác các loại cây trồng truyền thống, anh Đức nhận thấy việc trồng các loại cây tạp cho hiệu quả kinh tế rất thấp. Vì vậy, cách đây vài năm anh đã quyết tâm cải tạo lại diện tích vườn đồi theo hướng VAC. Với 2 ha đất vườn đồi, anh Đức đầu tư xây trụ và trồng hơn 500 gốc Thanh long, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học để cho ra những sản phẩm sạch và chất lượng. Sau 3 năm trồng, Thanh long đã cho thu hoạch những vụ đầu tiên, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Ngoài ra, anh Đức đầu tư xây thêm chuồng trại để nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá và trồng rau ngắn ngày theo thời vụ để cung cấp cho thị trường. Hiện, mức thu nhập của gia đình anh đạt khoảng trên 100 triệu đồng mỗi năm từ mô hình VAC. Nhờ thu nhập ổn định mà cuộc sống gia đình anh ngày càng khấm khá hơn.

Hiện nay, Hội Nông dân huyện Hoàng Su Phì đang thực hiện và duy trì nhiều mô hình sản xuất điển hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng Dưa hấu tại xã Bản Luốc với tổng diện tích 7 ha, giá trị sản phẩm thu được đạt 100 triệu đồng/ha/năm; Thanh long ruột đỏ tại các xã Bản Luốc, Bản Máy, thị trấn Vinh Quang với tổng diện tích 2,8 ha, thu nhập bình quân đạt 150 triệu đồng/ha; trồng rau hữu cơ tại xã Thàng Tín với tổng diện tích 12 ha, giá trị sản phẩm bình quân đạt 157 triệu đồng/ha; trồng lúa chất lượng cao (Già Dui, ĐS3, Nếp cái, gạo Đỏ) với tổng diện tích 155 ha. 

Cùng với đó, Hội Nông dân huyện cũng tăng cường vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện, toàn huyện có 131 nhóm sở thích với tổng nguồn quỹ 52.801,16 triệu đồng. Thành lập 12 tổ nghề nghiệp với 217 thành viên. Có 17 HTX đang hoạt động thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, hỗ trợ các thành viên, hội viên nông dân một số khâu trong quá trình sản xuất như: Cung ứng vật tư nông nghiệp, cây, con giống và bao tiêu sản phẩm cho người lao động.

Đồng chí Lý Văn Tương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoàng Su Phì cho biết: Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu, Hội Nông dân huyện tiếp tục xây dựng các chương trình, mô hình thiết thực, hiệu quả; tăng cường hỗ trợ hội viên, nông dân, đặc biệt là hỗ trợ tiếp cận vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy KT – XH địa phương phát triển.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Trên công trường đường Đồng Tâm - Ngọc Linh

BHG - Trong những ngày Hè tháng 6, chúng tôi có mặt trên công trường nâng cấp tuyến đường từ xã Đồng Tâm (Bắc Quang) đi xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) ghi nhận nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công một trong những dự án quan trọng tạo đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng trên địa bàn tỉnh.

15/07/2021
Chọn vật nuôi đặc sản để vươn lên

BHG - "Làm kinh tế từ nông nghiệp bây giờ cũng phải chọn cách làm cho riêng mình thì mới thành công. Còn nếu, cứ dẫm chân vào lối làm truyền thống như cha, ông mình trước kia thì rất khó để vươn lên". Đó là quan điểm của anh Hoàng Mạnh Hùng, thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang (Quang Bình).

14/07/2021
Đủng đỉnh... thị trường vật liệu xây dựng - Kỳ cuối: Nỗ lực bình ổn thị trường

BHG - Sau khi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tích cực chỉ đạo, đến thời điểm hiện tại, giá thép đã có xu hướng giảm; nhưng các loại vật liệu xây dựng khác dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Theo Bộ Công thương, giá thép xây dựng tăng trong giai đoạn vừa qua có sự tác động của biến động tăng giá phôi thép trên thị trường thế giới. Do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh, khiến giá nguyên liệu thô sản xuất thép từ cuối năm 2020 đến nay liên tục tăng. 

14/07/2021
Fìn Hò trà và câu chuyện xây dựng thương hiệu

BHG - Hà Giang là vùng đất khó, nhưng bù lại được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật nổi tiếng với sự kết tinh của đất trời, sự cần cù, chịu khó của bà con các dân tộc. Trong số rất nhiều sản phẩm của Hà Giang, chè Fìn Hò của HTX Chế biến chè Phìn Hồ là một sản phẩm đặc biệt, không chỉ bởi chất lượng mà còn bởi câu chuyện xây dựng thương hiệu. Những năm qua, cùng với sự nỗ lực của HTX, còn có sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công của tỉnh, khuyến khích cho sự vươn xa của các sản phẩm chè do HTX sản xuất.

14/07/2021