Hiệu quả cho vay đầu tư có thu hồi ở Bắc Quang

09:14, 27/05/2021

BHG - Chỉ trong giai đoạn 2015 – 2020, UBND huyện Bắc Quang đã dành nguồn vốn hơn 24 tỷ đồng để thực hiện Chương trình cho vay đầu tư có thu hồi (ĐTCTH), theo Đề án “Thôn Tự chủ - Tự quản” của huyện. Đây được xem là “cuộc cách mạng” làm thay đổi tư duy, “đánh thức” ý thức tự lực của người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Thanh niên Tân Lập tạo việc làm thường xuyên cho  thanh niên địa phương.  (Ảnh chụp tháng 3.2021)
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Thanh niên Tân Lập tạo việc làm thường xuyên cho thanh niên địa phương. (Ảnh chụp tháng 3.2021)

Năm 2014, Đề án “Thôn Tự chủ - Tự quản” ra đời, đánh dấu chủ trương mang tính đột phá của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang; tổ chức lại hoạt động ở thôn theo hướng người dân được tham gia quyết định mọi việc, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một trong những giá trị cốt lõi của Đề án là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước ở một bộ phận người dân... Trên cơ sở này, cho vay ĐTCTH và cho vay gắn với trách nhiệm của người vay trở thành một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa giá trị cốt lõi của Đề án. Theo đó, người dân được ứng trước 100% nguồn vốn từ ngân sách huyện để đáp ứng nhu cầu đầu tư thâm canh cây trồng, phát triển chăn nuôi. Đến cuối vụ thu hoạch, các hộ hoàn trả 100% kinh phí ứng trước, không tính lãi suất. Ngoài ra, các hộ có nhu cầu còn được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng (cho vay gắn với trách nhiệm của người vay) để đầu tư thâm canh đối với cây trồng dài ngày, vay phát triển thương mại, dịch vụ, đầu tư cơ giới hóa...

Sau 5 năm thực hiện cho vay ĐTCTH, hơn 24 tỷ đồng đã được giải ngân cho 799 gia đình, 8 tổ hợp tác (THT), 11 hợp tác xã (HTX), 3 doanh nghiệp và 2 đơn vị (Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Huyện đoàn). Cơ chế cho vay ĐTCTH đi vào cuộc sống nhận được sự đồng thuận trong nhân dân. Giúp người dân tiếp cận nhanh với nhiều nguồn vốn vay trong thời hạn từ 12 – 36 tháng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy sản xuất hàng hóa thế mạnh của huyện. Thông qua việc có thu hồi nguồn vốn đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân: Từ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước sang trách nhiệm, tự giác vươn lên để hoàn vốn vay, tái đầu tư cho sản xuất.

Nguồn vốn vay ĐTCTH đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Vay giống, phân bón để thâm canh lúa, ngô, lạc; trồng măng Tây xanh, nuôi chim Bồ câu, chăn nuôi lợn tại các xã: Đồng Yên, Việt Vinh, Hữu Sản, Quang Minh, Hùng An và thị trấn Vĩnh Tuy... Riêng một số dự án thanh niên khởi nghiệp đã mở rộng cả về quy mô và thu nhập với 1 dự án đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 2 dự án doanh thu từ 500 triệu đồng/năm, 4 dự án doanh thu 200 triệu đồng/năm trở lên. Tiêu biểu như: Dự án đầu tư nuôi cá lồng của HTX Thanh niên Huỳnh Minh (thị trấn Vĩnh Tuy); chăn nuôi trâu, bò sinh sản, trồng cam VietGAP, liên kết trồng rừng của đoàn viên Trương Văn Đồng (xã Đồng Tâm); chế biến cam Sành của Công ty Cổ phần Cam Ta (xã Đông Thành); sản xuất, chế biến chè, ván bóc, thương mại, dịch vụ của HTX Thanh niên Tân Lập (xã Tân Lập)... Không những vậy, các dự án còn đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn vay để đầu tư máy nông nghiệp không chỉ giảm chi phí nhân công lao động mà còn góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa lên 54%.

Cùng với kết quả trên, huyện Bắc Quang đã dành nguồn vốn gần 2 tỷ đồng ĐTCTH đối với 62 hộ nghèo thuộc 11 xã để các hộ xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi lợn và dê. Kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn cho thấy: Các hộ dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn. Ấn tượng trong đó, nguồn vốn đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giúp 54 hộ vươn lên thoát nghèo, chỉ còn lại 8 hộ nghèo…

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Đàm Thuyên cho biết: Hiện nay, huyện đã thực hiện thu hồi hơn 19,5 tỷ đồng (đạt 81% kế hoạch) để tái đầu tư cho sản xuất. Mặt khác, đôn đốc HTX, THT và các hộ sắp đến kỳ hạn khẩn trương hoàn vốn, không để nợ quá hạn; trên cơ sở đó, đảm bảo thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đòn bẩy giúp Đảng bộ xã Phương Thiện phát triển toàn diện

BHG - Thời gian qua, Đảng bộ xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) tập trung cao độ nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; chú trọng lãnh đạo các lĩnh vực: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh phát triển KT - XH; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.

27/05/2021
Thanh toán biên mậu, "đòn bẩy" cho thương mại vùng biên

BHG - Agribank là ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ thanh toán biên mậu với thị trường Trung Quốc từ năm 1997. Trải qua hơn 20 năm triển khai, Agribank đã trở thành ngân hàng hàng đầu, chiếm thị phần cao nhất trên thị trường. Tại tỉnh Hà Giang, thanh toán biên mậu đã sớm được triển khai và đi vào hoạt động từ năm 2000. Từ đó đến nay, thanh toán biên mậu qua Agribank đóng vai trò ngày càng quan trọng, thúc đẩy hoạt động kinh tế biên mậu tại các vùng biên giới nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng.

26/05/2021
Những tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi

BHG - Những người nông dân mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định; họ trở thành những nông dân tiêu biểu, là tấm gương để nhiều người học và làm theo.

26/05/2021
"Kim chỉ nam" cho phát triển hàng Việt

BHG - Trải qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ đến tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Với nhiều kết quả quan trọng đạt được, Cuộc vận động đã trở thành "kim chỉ nam" trong phát triển thị trường hàng hóa trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, đồng thời xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt.

26/05/2021