Tụ Nhân nhân rộng mô hình kinh tế

11:21, 27/04/2021

BHG - Những năm gần đây, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất mới theo hướng chú trọng năng suất và hiệu quả. Từ đó, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM.

Đàn lợn đen thương phẩm của chị Vương Thị Sơn, thôn Bản Cậy.
Đàn lợn đen thương phẩm của chị Vương Thị Sơn, thôn Bản Cậy.

Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp, tuy nhiên quy mô vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhận diện rõ những khó khăn, hạn chế của địa phương, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Tụ Nhân đã tập trung triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh sản xuất thành hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại gắn với an toàn sinh học; cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Một trong những mô hình kinh tế hiệu quả của địa phương đó là phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại của gia đình anh Lù Văn Chương, thôn Nắm Ản. Vài năm trước, anh Chương đầu tư chăn nuôi trâu hàng hóa. Gia đình tìm mua trâu gầy tại các xã lân cận về nuôi vỗ béo, sau khoảng 3 – 6 tháng, khi trâu đạt trọng lượng sẽ xuất bán cho các thương lái hoặc các cơ sở giết mổ. Bình quân mỗi con trâu xuất bán, gia đình thu lãi khoảng 5 – 8 triệu đồng. Gia đình anh thường xuyên duy trì số lượng đàn trâu từ 10 – 15 con. Tận dụng chất thải từ chăn nuôi, anh Chương xây dựng bể hơn 300 m2 để nuôi giun Quế. Từ nguồn giun Quế, gia đình anh sản xuất ra cám để chăn nuôi lợn, gà và làm phân bón cho cây trồng. Hiện, gia đình anh nuôi khoảng 40 con lợn nái. Sau khi trừ các khoản chi phí, thu lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi tổng hợp. 

Anh Chương chia sẻ: “Từ chủ trương khuyến khích của tỉnh, huyện, xã, gia đình đã mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi hàng hóa. Việc phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ, tuy nhiên, để duy trì và phát triển ổn định theo quy mô lớn, đòi hỏi phải thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Ngoài ra, cần phải có nguồn vốn lớn để đầu tư chuồng trại, con giống”.

Cùng với gia đình anh Chương, anh Vũ Mạnh Hoàng, thôn Bản Cậy cũng tập trung phát triển chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng gia trại, với quy mô trên 1.000 con, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Hoàng chia sẻ: “Gia đình tôi chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm cung cấp sản phẩm thịt gà sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. So với nuôi gà truyền thống thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học có nhiều quy định nghiêm ngặt hơn từ khâu chọn con giống, tiêm phòng qua từng giai đoạn, cho đến thức ăn, nước uống cũng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, cần phải xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học, có như vậy mới giúp đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh. Việc phát triển chăn nuôi với quy mô lớn sẽ mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, góp phần thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ”.

Từ chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân xã Tụ Nhân đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Các mô hình như: Chăn nuôi lợn đen thương phẩm; chăn nuôi tổng hợp; nuôi dê, nuôi trâu, bò hàng hóa… đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ và ngày càng được nhân rộng trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Tụ Nhân, Lý Ngọc Sơn cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng hướng dẫn nhân dân tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Ưu tiên phát triển các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Đồng thời, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong việc thực hiện các mô hình, cung ứng vật tư cần thiết để thực hiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác để người dân liên kết sản xuất, thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

HTX Hải Khang giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP

BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng, từng bước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng khó tính trong nước và khu vực. HTX Hải Khang, thị trấn Việt Quang là một trong những điển hình, đi đầu lĩnh vực phân phối các loại nông sản sạch theo mô hình khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm.

27/04/2021
Xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại xã Ngọc Đường

BHG - Ngày 26.4, lãnh đạo UBND thành phố Hà Giang cho biết, cơ quan vừa ban hành Quyết định về việc công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Ngọc Đường.

 

26/04/2021
Đồng Văn phát huy vai trò cán bộ khuyến nông cơ sở

BHG - Với công việc luôn sâu sát, gần gũi với người nông dân, những cán bộ khuyến nông tại các xã, thị trấn huyện Đồng Văn là "cầu nối" quan trọng để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp đến với người nông dân, từng bước giúp họ thay đổi tư duy sản xuất, cách nghĩ, cách làm kinh tế theo hướng hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao. 

26/04/2021
Triển vọng từ trồng dâu, nuôi tằm trên đất Yên Phong

BHG - Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, nghề trồng dâu, nuôi tằm là một trong những nghề mang lại sinh kế ổn định cho người dân xã Yên Phong (Bắc Mê). Chính vì vậy, UBND xã đã tuyên truyền, vận động tới bà con nhân dân phát triển làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân.

25/04/2021