Hà Giang

Tạo sinh kế - "chìa khóa" giảm nghèo bền vững

11:49, 04/03/2021

BHG - Với xuất phát điểm của một tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỉnh ta được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Trăn trở trước thực tế này, tạo sinh kế đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hướng đến giảm nghèo bền vững…

Người dân xã Đồng Tâm (Bắc Quang) tạo sinh kế bền vững từ trồng rừng.
Người dân xã Đồng Tâm (Bắc Quang) tạo sinh kế bền vững từ trồng rừng.

Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh ta tập trung thực hiện 2 chương trình lớn của Chính phủ, gồm: Chương trình 135 về phát triển KT-XH các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, xa nhằm đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng chậm phát triển; và Chương trình 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trên cả nước. Từ Chương trình 30a, hàng trăm tỷ đồng được giải ngân, hỗ trợ người dân chăm sóc, bảo vệ rừng (thực hiện lồng ghép với kinh phí dịch vụ môi trường rừng); đã có hơn 193,4 nghìn hộ hưởng lợi với tổng số gần 455,2 nghìn ha rừng được chăm sóc, bảo vệ. Ngoài ra, các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ hơn 5,9 triệu liều vắc-xin tiêm phòng cho gia súc để phòng, chống các bệnh: Lở mồm, long móng; dịch tả lợn; nhiệt thán, tụ huyết trùng trâu, bò… Hơn nữa, 71 mô hình giảm nghèo theo hình thức luân chuyển và đầu tư có thu hồi được triển khai, thu hút gần 1.500 hộ thực hiện; qua đó, từng bước đưa chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, ong… phát triển theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu, tín hiệu thị trường. Tương tự như vậy, thông qua Chương trình 135, gần 120 nghìn lượt hộ dân được hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Số đối tượng thụ hưởng Chương trình 135 lên đến gần 99,5 nghìn hộ với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 154,6 tỷ đồng. 103 mô hình giảm nghèo tập trung vào chăn nuôi trâu, bò, lợn nái sinh sản… giúp nhiều hộ dân có sinh kế bền vững để vươn lên thoát nghèo.

Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng xã hội thì nhân tố quyết định thành công của công cuộc giảm nghèo bền vững chính là sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân. Bởi vậy, thay vì hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho người dân như giai đoạn 2016 – 2017 thì từ năm 2018 đến nay, tỉnh ta đã hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức đầu tư có thu hồi, thông qua việc xây dựng các dự án có sự tham gia của đối tượng thụ hưởng (chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo). Điều này vừa để tái đầu tư cho các hộ dân khác, vừa góp phần quan trọng thay đổi tư duy, nhận thức của người dân từ trông chờ sự đầu tư của nhà nước sang chủ động, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao năng suất lao động. Song song với chủ trương này, việc triển khai chính sách hỗ trợ được tỉnh ta chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc. Nội dung hỗ trợ được lựa chọn phù hợp với định hướng phát triển KT-XH và điều kiện thực tế địa phương, nhất là các dự án chăn nuôi lợn giống bản địa… Trên cơ sở đó, giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. So với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4,2%/năm, từ 43,65% xuống còn 22,53%. Trong đó, 6 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì giảm từ 64,03% xuống còn 34%. Đặc biệt, số lao động có việc làm, tự tạo việc làm sau học nghề trên địa bàn tỉnh đạt hơn 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%; gần 91,8 nghìn lao động được giải quyết việc làm; qua đó, góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Giám đốc Sở Lao động – TB&XH, Sùng Đại Hùng cho biết: Để tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu các huyện nghèo, xã nghèo, vùng có điều kiện ĐBKK về giao thông, điện, nước sinh hoạt, dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo. Qua đó, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối thị trường, thuận lợi cho đời sống sinh hoạt, phục vụ phát triển sản xuất, KT-XH, an ninh biên giới. Tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giống cây, con chất lượng cao, giúp người dân, nhất là người nghèo vùng nông thôn cải thiện năng suất lao động, nâng cao thu nhập. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo lao động theo hình thức đặt hàng của các tổ chức, cá nhân; kết nối và trợ giúp lao động nghèo tìm kiếm việc làm ổn định thông qua xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc tại các cụm, khu công nghiệp…

Nối tiếp kết quả trên, giai đoạn 2020 – 2025, việc “tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” đã trở thành 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá được xác định tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trên cơ sở này, tỉnh ta tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Đồng thời, phát triển sản xuất về nông, lâm nghiệp, giúp người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo sinh kế bền vững…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp dân cải tạo vườn tạp

BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ, tương ứng trên 6.500 vườn.

28/02/2021
Ngân hàng BIDV triển khai kế hoạch kinh doanh và Hội nghị người lao động năm 2021

BHG - Sáng 27.2, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Giang tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2021 và Hội nghị người lao động năm 2021. Đến dự có Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang.

 

27/02/2021
Tân Lập tập trung tháo "nút thắt" để phát triển

BHG - Chủ tịch UBND xã Tân Lập (Bắc Quang), Tống Xuân Ngự rãi bày: Kết thúc năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn 124 hộ, chiếm 24,3%, cận nghèo còn 121 hộ, chiếm 23,7%. Đa số cái nghèo và cận nghèo lại nằm trong nút thắt cổ chai "không đập vỡ" thì không thể thoát ra được…!

27/02/2021
"Ló cái khôn" trong xây dựng Nông thôn mới

Mèo Vạc đón Xuân về trên những con đường bê tông vượt núi trải dài. Trong những ngôi nhà mới rộn ràng lời chúc nhau một năm no đủ, khiến khắp xóm làng miền cao nguyên Mèo Vạc bừng lên hơi thở cuộc sống mới. Dù nguồn lực hạn hẹp, nhưng với sự sáng tạo đã "ló cái khôn" trong xây dựng Nông thôn mới (NTM), góp phần giúp bộ mặt nông thôn nơi mảnh đất biên cương thay đổi toàn diện.

26/02/2021