Hiệu quả các mô hình kinh tế ở Liên Hiệp

16:02, 18/01/2021

BHG - Các mô hình kinh tế tập trung chăn nuôi đang dẫn dắt nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá ở Liên Hiệp trong mấy năm gần đây đang dần thành hiện thực. Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp (Bắc Quang) Triệu Văn Ngân đã khẳng định như vậy.

Chị Nông Thị Hương, thôn Đi chăm sóc “đầu cơ nghiệp”.
Chị Nông Thị Hương, thôn Đi chăm sóc “đầu cơ nghiệp”.

Đầu tháng Chạp, rét tê tái. Những ruộng ngô Đông ở xã Liên Hiệp vẫn rất xanh tốt. Chị Nông Thị Hương, thôn Đi cho biết: Nhà tôi trồng khoảng 4.000 m2 cỏ voi trên đất ruộng một vụ, 2.000 m2 cây ngô Đông xuống ruộng để có thêm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Nguồn thức ăn trên đủ để nuôi chục con bò, 9 con trâu, chẳng sợ gì rét anh ạ. Toàn bộ trâu, bò đều được nuôi nhốt trong chuồng, được che chắn kín gió, ăn cỏ và cây ngô non. Nếu trời rét kéo dài sẽ cho chúng ăn thêm tinh bột, cám gạo để tăng sức đề kháng chịu rét. Những ngày trời hửng nắng sẽ cho chúng ra ngoài tắm nắng, chạy đùa để tăng lượng cơ bắp, giúp chất lượng thịt thơm ngon hấp dẫn khách hàng. Từ đầu năm đến nay, vợ chồng chị Hương đã bán 10 con trâu, bò, số tiền thu về cũng đủ làm được công việc lớn. Chị Hương cho biết, thôn Đi đã có rất nhiều gia đình đến chị học hỏi cách làm chuồng trại, chuẩn bị đất đai vào Xuân trồng cỏ đầu tư chăn nuôi đại gia súc, tìm kiếm cơ hội vực dậy kinh tế gia đình.

Mô hình kinh tế tổng hợp gia đình chị Đặng Thị Liên, thôn Ba Hồng nằm trong khu vườn rộng khoảng 1 ha tạo cho tôi ấn tượng mạnh. Chuồng lợn nuôi lấy thịt, chuồng gà thịt, vịt đẻ trứng, trâu sinh sản nằm trọn trong vườn cây chuối hột. Chị Liên cho hay, cây chuối làm thức ăn chăn nuôi, lá chuối làm thức ăn chăn cá, quả chuối hột làm thuốc nam, làm thực phẩm chức năng. Song, tác dụng lớn nhất vườn chuối hột mang lại là làm bóng mát, cung cấp ô xy cho người, gia súc, gia cầm lại vừa cho nguồn thu kép rất hiệu ích. Hiện tại, chị Liên đang có hơn chục con lợn đen, trên 600 con gà thương phẩm, trên 300 con vịt đẻ trứng và 4 con trâu sinh sản. Chị Liên cho biết, mới đây gia đình bán 2 con trâu, thu về trên 85 triệu đồng. Thức ăn chăn nuôi trâu, bò bây giờ mua ngay ở làng cũng rất sẵn cây ngô, cỏ của người dân trong thôn trồng để bán cây. Xu hướng phát triển chăn nuôi trâu, bò đang mang lại lợi ích khá cao nên nhiều hộ tại Ba Hồng đã xây chuồng, trồng cỏ, trồng ngô Đông để chăn gia súc theo cách nuôi nhốt. Nhà chị Liên chăn nuôi tổng hợp đã bước sang năm thứ 5. Từ chỗ kinh tế gia đình còn yếu, nhờ chăn nuôi, gia đình chị đã trở thành khá giả trong làng với mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Gần như toàn bộ số lợn, gà đang nuôi đều đã có khách quen đặt mua hàng tết. Số vịt nuôi lấy trứng cho đẻ đến trước tết để bán trứng, sau đó vỗ béo bán dịp rằm tháng Giêng. Còn thu từ đầu năm đến nay cũng được vài trăm triệu đủ để nhà nông có cuộc sống sung túc. Chị Liên thật thà, phải chuyển từ trồng trọt cây lương thực sang chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá mới thoát khỏi khó khăn vươn lên gia đình có kinh tế bền chắc. 

Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm làm ra ở Liên Hiệp hiện nay được người tiêu dùng các nơi đánh giá rất cao, sản phẩm làm ra chưa đủ bán. Ngoài chăn nuôi gia súc, gia cầm, Liên Hiệp còn có sản lượng cá hàng năm trên 300 tấn, được nuôi tại 62 ha diện tích mặt nước ao, hồ, đập. Nghề nuôi cá thương phẩm đang trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Hướng tới, Liên Hiệp sẽ xây dựng thành làng nghề chế biến cá để tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người dân.

Dẫn tôi một vòng qua cánh đồng ngô Đông xanh ngắt từ thôn Đi vào tới thôn Ba Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hiệp, Đàm Trung Chiến cho biết: Vụ Đông năm nay bà con đã trồng hàng chục ha ngô Đông làm thức ăn cho gia súc. Lợi ích cây ngô Đông xuống ruộng đem lại trong làng, ngoài xã ai cũng nhận thấy nên trồng khắp nơi. Giá bán mỗi tạ cây ngô đã thu bắp từ 80 – 90.000 đồng. Chị Nông Thị Hạnh, thôn Ba Hồng cho biết: Vụ Đông năm nay gia đình trồng trên 1.000 m2 ngô. Giá bán mỗi bắp được từ 1.200 – 1.500 đồng. Ngoài ra, bán cây ngô đã thu bắp cho người nuôi trâu, bò gia đình cũng thu về hơn 6 triệu đồng. Gần 2 năm trở lại đây, bà con nông dân Liên Hiệp đã ý thức được việc chuyển đổi, sắp xếp lại sản xuất khoa học hơn. Cụ thể, đã chuyển gần 30 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chăn gia súc. Riêng vụ Đông năm nay, gần như toàn bộ các thôn, bản ở Liên Hiệp đều trồng ngô xuống ruộng ngay sau gặt lúa Mùa. Việc xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp để lôi kéo sản xuất nông nghiệp khép kín đã dần hình thành và sẽ sớm trở thành cách làm hiệu quả. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ đề xuất chính quyền các cấp chuyển đổi mạnh từ trồng trọt, sang chăn nuôi để tăng thu nhập, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển cả về chất và lượng. 

Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Chuông, cho biết: Dành nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp thúc đẩy chăn nuôi là hướng đi, cách làm để Liên Hiệp cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Trong đó, chú trọng chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê có quy mô trang trại tổng hợp, khép kín. Tận dụng tối đa diện tích ao, hồ, đập nước nuôi cá. Chuyển đổi cơ bản diện tích đất sản xuất cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cỏ. Tiếp tục cơ cấu lại mùa vụ hợp lý, tăng thu nhập cho người dân. Quyết tâm, xây dựng Liên Hiệp trở thành xã NTM có nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao vào cuối năm 2021.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngày hội tôn vinh thương hiệu cam Sành

BHG - Gác lại nhọc nhằn nơi vườn, đồi cam Sành bát ngát chân trời, người làm vườn hóa thân thành những "kỹ sư" nông nghiệp, chia sẻ kiến thức quý về loài cây giúp nông dân giàu có. Dẫu đôi tay chai sần vì cuộc sống mưu sinh nhưng họ đã tạo nên "tuyệt tác" cam Sành mang tinh túy đất trời Hà Giang; rồi khéo léo trưng bày chúng trên kệ, trên giá, "gieo" vào lòng người tiêu dùng sự cuốn hút diệu kỳ…

 

18/01/2021
Động lực để Xín Mần phát triển

BHG - Bám sát nhiệm vụ, chủ trương của các cấp, ngành cùng với sự điều hành năng động của tập thể lãnh đạo huyện, kết hợp triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn từ huyện xuống cơ sở đến các tầng lớp nhân dân. Thời gian qua, huyện Xín Mần đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và trở thành đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh năm 2020. 

18/01/2021
Hội thi sản phẩm cam Sành Hà Giang

BHG - Nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và giữ vững vị thế, thương hiệu cho sản phẩm cam Sành Hà Giang, ngày 17.1, tại Sân vận động trung tâm huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội thi sản phẩm Cam Sành Hà Giang, niên vụ 2020 – 2021. Dự hội thi có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và các đơn vị sản xuất cam Sành tiêu biểu thuộc 3 huyện trên…

17/01/2021
Nỗ lực xây dựng Nông thôn mới ở huyện "cửa ngõ" Cao nguyên đá

BHG - Những ngày đầu năm, trở lại các xã vùng cao biên giới của huyện Quản Bạ, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự đổi thay ở vùng đất này. Hệ thống kết cấu hạ tầng như: Trường học, trạm y tế, đường giao thông, điện thắp sáng từng bước được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Phan Thông Quyết, cho biết...

16/01/2021