Cải tạo vườn tạp tạo sinh kế cho người dân

10:48, 12/01/2021

BHG - Ngày 1.12.2020, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025” (Nghị quyết cải tạo vườn tạp). Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ tỉnh nhằm hiện thực hóa 1 trong 3 khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là “tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.

Hầu hết diện tích vườn của các hộ vùng Cao nguyên đá chưa được quy hoạch và phát huy hiệu quả kinh tế.
Hầu hết diện tích vườn của các hộ vùng Cao nguyên đá chưa được quy hoạch và phát huy hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, tỉnh ta vẫn là tỉnh nông nghiệp, tạo sinh kế cho 86% dân cư khu vực nông thôn. Vì vậy, việc cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bởi khi áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào diện tích vườn hộ sẽ đem lại thêm nguồn thu nhập ổn định, cũng như đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cuộc sống hàng ngày của hộ gia đình một cách bền vững, thực sự “tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” như khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Đặt mục tiêu ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là về nguồn vốn và hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo được trên 6.500 vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ, Nghị quyết cải tạo vườn tạp đã xác định cần quy hoạch, sắp xếp, bố trí cấu trúc lại không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, phù hợp quy mô thực tiễn từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn “Xanh - sạch - đẹp”, giữa nhà ở - khu vực chăn nuôi – vườn hộ; cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, đưa các cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất để tăng thêm thu nhập cho người dân; thực hiện liên kết giữa các hộ liền kề trong cùng một thôn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm; thí điểm cải tạo, xếp đá đổ tầng đất mặt để tạo vườn đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo của 4 huyện phía Bắc có khó khăn về đất sản xuất. Đặc biệt cần huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, chung tay giúp đỡ người dân, đặc biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo thành lập BCĐ thực hiện Nghị quyết từ cấp tỉnh đến xã và tổ chức quán triệt đến các chi bộ, nhân dân để thống nhất trong nhận thức và hành động tổ chức thực hiện; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức hội, đoàn thể tham gia giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải tạo vườn tạp; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức lãnh, chỉ đạo, sáng tạo của cấp ủy, cách làm hay, mô hình cải tạo vườn tạp có hiệu quả của hộ gia đình để các địa phương, các hộ khác tham quan, học tập kinh nghiệm và làm theo. Đặc biệt, ngày 9.12.2020 vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất 0%, mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ và tối đa 30 triệu đồng/hộ, trong thời gian 30 tháng. Điều kiện để được vay vốn là các vườn phải có hồ sơ cải tạo được xã, thôn xác nhận; có ứng dụng KHKT vào một hoặc nhiều khâu như sản xuất, thu hoạch, chế biến…; sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo các nội dung cải tạo đã được quy định. Đồng thời phải đảm bảo quy mô lần lượt từ 100, 200 đến 300 m2/vườn trở lên tương ứng với các huyện vùng thấp, phía Tây và vùng cao phía Bắc...

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định: Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, Nghị quyết cải tạo vườn tạp hướng tới mục tiêu thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, từ đó tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; thay đổi nhận thức, phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn; tạo tư liệu sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí tự vươn lên thoát nghèo trên mảnh vườn của mình, không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước…

Theo số liệu thống kê, năm 2020 toàn tỉnh có 186.040 hộ; trong đó: 41.478 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 22,30% và 28.513 hộ cận nghèo, chiếm 15,33%. Với 86% dân số sống ở khu vực nông thôn, phụ thuộc vào nguồn thu từ nông nghiệp, việc thực hiện cải tạo vườn tạp giúp các hộ đảm bảo nhu cầu sử dụng thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng thu nhập sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thu nhập cao từ làm việc ngoài tỉnh

BHG - Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là việc làm vô cùng cấp thiết của các cấp, các ngành, địa phương. Đặc biệt, đối với các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, việc giải quyết việc làm càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều năm trở lại đây, thực hiện công tác giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh, huyện Đồng Văn đã chủ động đưa đoàn công tác của huyện đi khảo sát, tiếp cận thị trường lao động ở các Khu công nghiệp tại các tỉnh như: Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh… 

12/01/2021
Cục Hải quan triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách

BHG - Năm 2020, Cục Hải quan được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) 285 tỷ đồng, trong đó trên địa bàn Hà Giang 176 tỷ đồng; Tổng cục Hải quan giao dự toán thu phấn đấu 314 tỷ đồng, trong đó trên địa bàn Hà Giang 200 tỷ đồng; HĐND, UBND tỉnh giao dự toán thu 270 tỷ đồng.

 

12/01/2021
Tiên Kiều "cán đích" Nông thôn mới

BHG - Sau một năm kiên trì phấn đấu, Đảng bộ, nhân dân xã Tiên Kiều (Bắc Quang) đã hoàn thành mục tiêu về xây dựng Nông thôn mới (NTM), với 19/19 tiêu chí. Tiên Kiều đi sau, nhưng lại về trước mục tiêu đề ra. Kết thúc năm 2019, xã Tiên Kiều mới hoàn thành 13/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Đầu năm 2020, Tiên Kiều còn 6 tiêu chí khó, như: Đường giao thông, xây dựng trường chuẩn, làm nhà văn hóa, kéo điện về 4 thôn bản...

11/01/2021
Giá xăng dầu tăng lần thứ 4 liên tiếp

BHG - Từ 15h, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 430 đồng, RON 95 III tăng 451 đồng, các mặt hàng dầu tăng tối đa 370 đồng.

11/01/2021