Bắc Mê nâng cao kỹ năng vận hành máy nông nghiệp cho nông dân

09:47, 20/01/2021

BHG - Những năm qua, việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Mê được đẩy mạnh. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, UBND huyện đã triển khai các cơ chế hỗ trợ nông dân trang bị, tập huấn kỹ năng vận hành máy móc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. 

Nông dân thôn Nà Cau, xã Minh Ngọc bảo dưỡng máy cấy.
Nông dân thôn Nà Cau, xã Minh Ngọc bảo dưỡng máy cấy.

Đến nay, toàn huyện có 4.384 máy nông nghiệp. Trong đó: Máy làm đất 721 chiếc; 599 máy gieo trồng, chăm sóc; 1.562 máy thu hoạch; 1.468 máy chế biến thức ăn gia súc; 34 hộ có hệ thống xử lý chất thải biogas; 15 chuồng, trại có hệ thống máng ăn. Tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất bình quân ước đạt 75%. Tỷ lệ số hộ dân sử dụng máy móc ngày một tăng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều nông dân chưa hiểu hết những kiến thức cơ bản trong sử dụng và vận hành máy móc. Chính vì thế dẫn đến tình trạng không khai thác hết công năng của máy. Không chỉ vậy, việc thiếu kinh nghiệm sử dụng máy móc dẫn đến việc người sử dụng vận hành sai quy trình, máy hỏng làm tăng chi phí sửa chữa, giảm năng xuất, chất lượng nông sản.

Để khắc phục hạn chế này, huyện đã tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện cho nông dân trong việc vận hành máy nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Phổ biến kiến thức cho các chủ sở hữu, người sử dụng máy phục vụ sản xuất. Với nội dung chủ yếu là thực hiện các biện pháp an toàn trong sử dụng máy nông nghiệp, bảo đảm các khâu thu hoạch và vận chuyển được thực hiện hiệu quả; những biện pháp xử lý tai nạn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp... đã giúp người dân nâng cao kỹ năng vận hành máy móc, giảm chi phí nhân công và thời gian lao động.

Là một trong những xã đi đầu trong trong việc thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, đến nay, xã Minh Ngọc đã thay da đổi thịt. Bà con nhân dân ai cũng hồ hởi, dùng máy móc nông nghiệp để sản xuất. Chị Nông Thị Tiên, thôn Nà Cau, chia sẻ: “Hiện gia đình tôi có hai loại máy bừa và máy cấy chạy bằng ắc quy. Trước đây, các kỹ năng vận hành cũng như bảo dưỡng đều là đi học hỏi của bà con trong thôn. Nay được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã, tôi đã được tham gia lớp tập huấn kỹ năng vận hành máy nông nghiệp, giúp tôi sử dụng hết công năng của máy và đảm bảo an toàn”. Giờ đây, trước khi vận hành, chị đều kiểm tra bảo đảm độ bền cho máy. Qua lớp tập huấn không chỉ giúp người nông dân vận hành máy hiệu quả mà còn nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp.

Qua việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện đạt 1.052,78 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trồng cây hàng năm đạt 53,24 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 3,45 vạn tấn; sản lượng lương thực bình quân/người/năm đạt 610,28 kg; tổng đàn trâu 20.516 con, bò có 8.208 con. Số lượng trâu, bò xuất bán trung bình đạt 2.323 con/năm, sản lượng trâu, bò hơi xuất chuồng đạt 86,59 tấn/năm. Công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn trâu, bò được thực hiện hiệu quả. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã tiến hành được 386 ca, gồm 83 ca thực hiện trên trâu và 303 ca thực hiện trên bò. Trong đó thành công 248 ca (trâu 47; bò 201), có 155 bê đã sinh ra. Toàn huyện hiện có 680 tổ ong, sản lượng mật ong trung bình 4.080 lít/năm.

Đồng chí Nguyễn Đỗ Quyết, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để giúp đỡ người dân đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất, sử dụng hiệu quả các loại máy móc nông nghiệp, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sửa chữa máy móc, giới thiệu thêm một số loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp; phân công cán bộ phụ trách từng xã, giao việc cụ thể cho cán bộ khuyến nông giám sát quy trình sản xuất của bà con để đảm bảo an toàn, hiệu quả… 

Có thể thấy qua việc thực hiện nâng cao kỹ năng vận hành máy nông nghiệp cho nông dân đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân và thúc đẩy nền kinh tế của huyện ngày một phát triển.

Bài, ảnh: NGUYỄN NGÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chú trọng kiểm định chất lượng công trình xây dựng

BHG - Góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Hà Giang từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, giữ vai trò giúp cơ quan Nhà nước quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

20/01/2021
Yên Minh cứng hóa 115km đường theo Đề án một triệu tấn xi măng

BHG - Thực hiện Đề án một triệu tấn xi măng, từ năm 2017 đến nay, huyện Yên Minh được tỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư các công trình trên 121 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, tương đương trên 84,8 tỷ đồng; trong đó có trên 21.000 tấn xi măng. Ngân sách huyện đối ứng 30%, tương đương trên 36 tỷ đồn, trong đó có hàng chục nghìn ngày công lao động của nhân dân đóng góp. 

20/01/2021
Tả Phìn tập trung giảm nghèo

BHG - Là xã nội địa của huyện Đồng Văn, không có thế mạnh về du lịch, thương mại,… Tuy nhiên, từ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã không ngừng nỗ lực, vượt lên khó khăn, từng bước giảm nghèo bền vững.

20/01/2021
Bắc Mê đổi thay những xã, thôn điển hình phát triển kinh tế

BHG - Thực hiện kế hoạch 64/KH-UBND ngày 9.3.2017 của UBND tỉnh về thực hiện giá trị sản phẩm thu nhập bình quân/ha đất trồng hàng năm và phát triển xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020. BTV Huyện ủy Bắc Mê đã ban hành Nghị quyết về xây dựng xã, thôn điển hình phát triển kinh tế tại 6 xã và 43 thôn. Qua 4 năm triển khai góp phần tạo sự thay đổi, giúp các xã, thôn phát huy được thế mạnh và những sản phẩm đặc trưng của mình.

 

19/01/2021