Mèo Vạc cứng hóa đường nông thôn

10:01, 09/12/2020

BHG - Sau quá trình thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt về nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông, đẩy mạnh chương trình cứng hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã giúp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Mèo Vạc được đầu tư nâng cấp, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy KT – XH phát triển mạnh mẽ. 

Các tuyến đường trên địa bàn xã Tả Lủng (Mèo Vạc) được bê tông hóa, góp phần thúc đẩy KT – XH phát triển.
Các tuyến đường trên địa bàn xã Tả Lủng (Mèo Vạc) được bê tông hóa, góp phần thúc đẩy KT – XH phát triển.

Hiện, toàn huyện có 8 tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã với tổng chiều dài trên 190 km (trong đó, gần 117 km đường nhựa, trên 73 km đường đất, đá) và 236 tuyến đường từ trung tâm xã đi các thôn, đường liên thôn, liên nhóm hộ với tổng chiều dài trên 646 km (trong đó, láng nhựa 6 km, bê tông trên 401 km và trên 239 km đường đất, đá. Trong 5 năm qua, toàn huyện thực hiện trên 338 km đường bê tông nông thôn, mở mới trên 88 km đường dân sinh; nâng cấp, mở rộng trên 174 km đường dân sinh. Tổng kinh phí đầu tư làm đường giao thông nông thôn đạt trên 264 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu quy ra tiền trị giá gần 22 tỷ đồng; một số xã làm tốt công tác huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn như: Sủng Máng, Sủng Trà, Niêm Tòng, Pũng Pù… Đến nay, 152/199 thôn, tổ dân phố của huyện có đường ô tô đến trung tâm thôn. Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải triển khai thi công hoàn thành 10 cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP trên địa bàn huyện. 

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Huyện luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công và tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình. Các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, vật liệu mở mới, mở rộng đường dân sinh và tham gia làm đường bê tông nông thôn. Các tuyến đường huyện, xã được đầu tư nâng cấp đã kết nối các thôn, vùng trong huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, mua, bán, trao đổi hàng hóa, giảm chi phí vận tải.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tâng giao thông trên địa bàn huyện chưa đồng bộ, nhất là đường giao thông nông thôn; nguồn lực đầu tư cho giao thông hạn chế, nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời; việc cung ứng vật liệu làm đường bê tông nông thôn gặp nhiều khó khăn. Hiện, toàn huyện còn 47 thôn ô tô chưa đến được trung tâm thôn; tỷ lệ đường giao thông chưa được cứng hóa còn cao (đường huyện chiếm 38,67%; đường xã, thôn chiếm 37,02%). Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc huy động sức dân cho đầu tư xây dựng đường nông thôn còn khó khăn; địa hình rộng, độ chia cắt lớn nên vào mùa mưa hay xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông, nhất là các tuyến đường đi các xã biên giới và các thôn vùng sâu, vùng xa. 

Hiện thực mục tiêu hoàn thành cứng hóa đường giao thông nông thôn vào năm 2025, Mèo Vạc đang tiếp tục thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc mở rộng đường dân sinh; bố trí các nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ công kỹ thuật, vật liệu nổ cho các xã thực hiện khoan phá đá, nhân dân đóng góp ngày công đào đất, đá, mở rộng nền đường. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp kinh phí, vật liệu, ngày công, từng bước hoàn thành việc cứng hóa đường giao thông nông thôn đến trung tâm các thôn và các cụm dân cư. Đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, vật liệu và nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng các cầu dân sinh quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân các thôn, xóm vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn, kiểm tra các xã thực hiện làm đường bê tông nông thôn. Làm tốt duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông sau đầu tư; chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn trong việc khắc phục sạt lở do mưa, lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt…

“Huyện đang xem xét chủ trương xã hội hóa đầu tư mở rộng nền đường (các đoạn đường hẹp, đường qua trung tâm xã) và nắn cua với phương châm: Huyện bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp bỏ kinh phí thi công mở rộng nền đường, nắn cua và được sử dụng đá nghiền thành vật liệu xây dựng bán cho các xã theo đơn giá quy định của tỉnh, góp phần giảm bớt khó khăn về cung ứng vật liệu và giảm kinh phí làm đường bê tông nông thôn cho các xã” – Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường cho biết thêm.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiên Kiều cán đích xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", "Việc dễ làm trước, khó làm sau", đến nay, xã Tiên Kiều (huyện Bắc Quang) đã hoàn thiện các tiêu chí, từng bước cán đích Chương trình xây dựng Nông thôn mới năm 2020.

08/12/2020
Cam Hà Giang hội nhập thị trường

BHG - Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, nhân dân trong tỉnh, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng tiêu thụ cho nông sản địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện tại, diện tích cam toàn tỉnh có hơn 9.000 ha, tập trung chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

08/12/2020
Tả Lủng phát triển các mô hình chăn nuôi tổng hợp

BHG - Là xã nội địa của huyện Đồng Văn, không có nhiều thuận lợi về giao thương, du lịch, vượt qua những khó khăn về thiếu nước, đất canh tác,… nhờ sự định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền xã, người dân xã Tả Lủng đã tích cực phát triển các mô hình chăn nuôi tổng hợp. Đặc biệt, việc đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa những mô hình này đã giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

 

07/12/2020
Dân vận khéo trong xóa đói, giảm nghèo ở Hoàng Su Phì

BHG - Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", huyện Hoàng Su Phì đã triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "dân vận khéo" (DVK) giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, tạo sức lan tỏa, phát huy nội lực trong nhân dân, thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới (NTM) ở địa phương.

 

07/12/2020