Hà Giang

Khát vọng thoát nghèo ở Khuổi Luông

08:23, 01/12/2020

BHG - Thôn Khuổi Luông cách trung tâm xã Cao Bồ (Vị Xuyên) 12 km, đây là thôn vùng cao khó khăn nhất của xã, chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường bê tông; 100% hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều hiện nay. Mặc dù được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, nhưng đến nay người dân Khuổi Luông vẫn chưa thể thoát nghèo.

Một góc thôn Khuổi Luông.
Một góc thôn Khuổi Luông.

Vượt qua những cung đường khúc khuỷu, dốc đá lởm chởm, một bên là núi, một bên là vực, phải mất hơn tiếng đồng hồ đi xe máy, chúng tôi mới đến được thôn. Khuổi Luông  chìm trong mây mù bao phủ, đất rộng, người thưa càng làm cho không gian thêm hiu quạnh. Không giấu được nỗi niềm khi gặp chúng tôi, anh Lý Văn Điệp, Trưởng thôn cho biết: Đây là thôn vùng cao, đồi núi dốc, địa hình bị chia cắt phức tạp, dân cư thưa thớt, nhóm này cách nhóm kia hàng cây số, khí hậu khắc nghiệt. Nhiều năm qua, mặc dù bà con đã xoay xở đủ cách để thoát nghèo, song do xuất phát điểm thấp cùng những khó khăn về địa hình, cơ sở vật chất, gây cản trở sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân. Thôn có 75 hộ, 359 khẩu, 100% là dân tộc Dao thì có 62 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân chỉ khoảng 6 – 13 triệu đồng/người/năm. Để thoát nghèo, người dân Khuổi Luông đã tìm tòi trồng một số loại cây có triển vọng như: Thảo quả, chè, quế… Hiện nay, cả thôn trồng 20,5 ha lúa, 30 ha chè, 13 ha Thảo quả. Tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt, mùa vụ bấp bênh, giao thông cách trở, ít tư thương vào thôn thu mua nông sản hoặc mua với giá thấp. Cuộc sống người dân trong thôn quẩn quanh trong nghèo khó, túng thiếu.

Cây chè giúp người dân Khuổi Luông có thu nhập.
Cây chè giúp người dân Khuổi Luông có thu nhập.

Đến nay, thôn Khuổi Luông vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, nguyên nhân là do người dân sống rải rác trên núi cao, phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi nhu cầu sử dụng điện lại thấp. Để có điện sinh hoạt bà con tự đầu tư máy phát điện mini đặt ở các khe suối. Người dân mong mỏi các cấp, ngành quan tâm đầu tư hệ thống điện, đường để bắt kịp xu thế phát triển của xã hội, tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật; quan tâm đem các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giúp bà con ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Theo chân Trưởng thôn Lý Văn Điệp, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Miều, một trong những hộ nghèo nhất trong thôn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đã xuống cấp, anh Miều buồn dầu chia sẻ: Gia đình có 4 khẩu, do không có đất sản xuất, chỉ dựa vào thu nhập ít ỏi từ mấy thửa ruộng. Hiện, kinh phí trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học khó khăn lắm. Bao năm nay, bà con vẫn trăn trở làm thế nào để thoát nghèo, ổn định cuộc sống…

Sinh sống cùng bản với anh Miều, gia đình anh Lý Văn Sảng cũng chỉ trông chờ vào mấy thửa ruộng. Anh Sảng giãi bày: Nhà cửa đơn sơ, đồ đạc không có gì đáng giá, 2 miệng ăn, đất sản xuất ít lại kém màu mỡ nên năng suất thấp, chỉ đi làm thuê theo thời vụ, thu nhập không ổn định. Tuy cố gắng rất nhiều nhưng gia đình tôi vẫn chưa thể thoát nghèo.

Anh Đặng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn cho biết thêm: Tuy gian khó, thiếu thốn trăm bề, nhưng người dân trong thôn luôn đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào xây dựng Nông thôn mới và nỗ lực trong xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, vượt khó, chịu khó tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế, như các gia đình: Đặng Văn Hồn, Đặng Văn Thắng, Đặng Văn Thành, Bàn Văn Bình… Bên cạnh đó, người dân trong thôn còn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; các quy ước, hương ước của thôn, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa luôn được chú trọng, góp phần vào củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Tận mắt chứng kiến những khó khăn của người dân Khuổi Luông, chúng tôi thêm phần trăn trở về cuộc sống và cái nghèo của bà con nơi đây. Mang nỗi trăn trở ấy, chúng tôi có cuộc trò chuyện với đồng chí Đặng Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ, được biết: Việc tìm cách xóa nghèo cho bà con Khuổi Luông và một số thôn nghèo khác trong xã đang là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền xã Cao Bồ. Nhiều giải pháp và cách làm được đưa ra để giúp bà con ổn định cuộc sống, trong đó việc cần làm ngay là chính quyền xã sẽ huy động thêm vốn đầu tư để mở đường giao thông, trước mắt từ giờ đến Tết Nguyên đán 2021 phấn đấu hoàn thành 3,7 km đường bê tông; ưu tiên các chương trình hỗ trợ, đặc biệt là chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho bà con vay vốn mua trâu, bò sinh sản; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng cây có giá trị cao như chè, quế, Thảo quả...

Chia tay thôn Khuổi Luông, nỗi niềm trăn trở thoát nghèo của người dân nơi đây quả thật còn lắm gian nan. Nhưng nếu sớm được quan tâm đầu tư, có đường đi lại thuận tiện, có điện lưới quốc gia… tin tưởng rằng, cùng với tinh thần đoàn kết vượt khó của nhân dân, chắc chắn cuộc sống của người dân nơi đây sẽ có sự đổi thay.

Bài, ảnh: Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mô hình cá - lúa - vịt

BHG - Bằng việc tận dụng diện tích ruộng sẵn có, mô hình cá – lúa – vịt đã mang lại lợi ích kép. Với việc giảm chi phí cho chăn nuôi, tiết kiệm diện tích và tận dụng được các thức ăn sẵn có từ đồng ruộng. Các sản phẩm cá, vịt nuôi theo phương thức tự nhiên có giá từ 120 – 150 nghìn đồng/ kg, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân; đảm bảo tính an toàn sinh học và là giải pháp hữu hiệu cho việc ngăn chặn sử dụng thuốc trừ sâu và các thuốc phun khác cho cây lúa… Qua đó, tạo nên môi trường sản xuất an toàn, thân thiện và sinh thái trong chăn nuôi.

 

30/11/2020
Khẳng định vai trò trong phát triển KT – XH

BHG - Với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, các HTX đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH chung của tỉnh. Trước thềm Đại hội đại biểu Liên minh HTX tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

 

30/11/2020
Điểm sáng liên kết tiêu thụ nông sản địa phương

BHG - Với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm hướng đi, đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, HTX Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (HTX Po Mỷ) đã trở thành đầu mối thu mua nông sản với giá thành ổn định, liên kết tiêu thụ và sản xuất nông sản địa phương. 

30/11/2020
Hợp tác xã Hoa Bạc Hà chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm

BHG - Bắt đầu từ tháng 10 dương lịch, hoa Bạc hà vùng Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu nở rộ trong khoảng thời gian 2 tháng, đây là nguồn thức ăn chính của ong để có mật ong Bạc hà chất lượng tốt nhất. Yên Minh là một trong những huyện nằm trong vùng nguyên liệu nuôi ong. Nắm bắt được lợi thế trên, HTX Hoa Bạc Hà (Yên Minh) đã tập trung phát triển đàn ong, cũng như sản xuất sản phẩm mật ong đặc biệt này ra thị trường.

30/11/2020