Hiệu quả mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng rau ở Hoàng Su Phì

08:23, 01/12/2020

BHG - Góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ, đồng thời giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hướng đến xây dựng liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… là những hiệu quả tích cực mang lại từ mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng rau sạch do Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì triển khai đến các chi hội trong thời gian qua. 

Vườn rau sạch của các thành viên Tổ phụ nữ liên kết trồng rau xã Thàng Tín.
Vườn rau sạch của các thành viên Tổ phụ nữ liên kết trồng rau xã Thàng Tín.

Đang miệt mài chăm sóc ruộng rau bắp cải trên thửa ruộng bậc thang của gia đình, chị Sùng Thị Súng, xã Thàng Tín phấn khởi cho biết: Sau khi Hội LHPN huyện triển khai xây dựng mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng rau sạch cung ứng cho trường bán trú, tôi đã chủ động tham gia ngay từ những ngày đầu. Từ nhu cầu của nhà trường, tôi cùng các thành viên khác trong tổ tích cực trồng các loại rau: Bắp cải, su hào, bí đỏ, rau cải, rau thơm các loại… để cung ứng cho nhà trường. Việc triển khai xây dựng mô hình đã giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ. Không những thế còn giúp các nhà trường có nguồn cung cấp rau xanh ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú của các cháu học sinh.

Đầu tháng 9.2020, Hội LHPN xã Thàng Tín ra mắt Tổ phụ nữ liên kết trồng rau gồm 5 thành viên và tiến hành ký kết hợp đồng cung ứng rau sạch cho Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Thàng Tín. Chị Ly Thị Nhọt, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Mỗi ngày Tổ trưởng sẽ tiến hành thu gom rau của các hộ thành viên đủ số lượng theo đơn đặt hàng của nhà trường và mang xuống giao cho bộ phận phụ trách bếp ăn của trường. Mỗi ngày 12 kg củ, quả như bí đỏ, bí xanh, su hào và 15 bó rau ăn lá như rau cải, rau muống, bắp cải với giá bán 5 nghìn đồng/mớ rau, củ, quả các loại từ 6 – 12 nghìn đồng/kg. Việc triển khai mô hình đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên phụ nữ. Các chị em rất ủng hộ cách làm mới này. 

Hoàng Su Phì có lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp với trồng rau, hoa. Tuy nhiên, hiện nay các hộ chủ yếu trồng nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Trong khi nhu cầu về rau xanh của các trường học bán trú trên địa bàn là rất lớn. Nhận thấy tiềm năng đó, Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp với Phòng GD&ĐT tiến hành ký kết cung ứng rau sạch và thành lập các Tổ phụ nữ liên kết trồng rau cung ứng cho các trường bán trú trên địa bàn. Đến nay, đã thành lập được 14 tổ/14 xã. Mô hình đã đem lại lợi ích kép khi vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hội viên phụ nữ vừa tạo nguồn cung ứng rau xanh ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú của các nhà trường. 

Với nguồn rau đa dạng (Su hào, bắp cải, bí đỏ, cà chua… ) đảm bảo chất lượng, sản phẩm rau của các tổ liên kết đã cung cấp cho 14 trường bán trú trên địa bàn huyện. Bình quân mỗi ngày, các tổ cung cấp ra thị trường hàng trăm kg rau sạch; doanh thu hàng tháng trung bình mỗi thành viên trong tổ đạt từ 2-3 triệu đồng/tháng, cao hơn so với trồng các loại cây lương thực truyền thống. Việc triển khai mô hình đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ manh mún, nhỏ lẻ sang liên doanh, liên kết, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Không những vậy, còn tăng cường sự đoàn kết, liên kết giúp đỡ, chia sẻ khó khăn của hội viên phụ nữ, góp phần thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hợp tác xã Hoa Bạc Hà chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm

BHG - Bắt đầu từ tháng 10 dương lịch, hoa Bạc hà vùng Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu nở rộ trong khoảng thời gian 2 tháng, đây là nguồn thức ăn chính của ong để có mật ong Bạc hà chất lượng tốt nhất. Yên Minh là một trong những huyện nằm trong vùng nguyên liệu nuôi ong. Nắm bắt được lợi thế trên, HTX Hoa Bạc Hà (Yên Minh) đã tập trung phát triển đàn ong, cũng như sản xuất sản phẩm mật ong đặc biệt này ra thị trường.

30/11/2020
Điểm sáng liên kết tiêu thụ nông sản địa phương

BHG - Với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm hướng đi, đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, HTX Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (HTX Po Mỷ) đã trở thành đầu mối thu mua nông sản với giá thành ổn định, liên kết tiêu thụ và sản xuất nông sản địa phương. 

30/11/2020
Khẳng định vai trò trong phát triển KT – XH

BHG - Với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, các HTX đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH chung của tỉnh. Trước thềm Đại hội đại biểu Liên minh HTX tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

 

30/11/2020
Mô hình cá - lúa - vịt

BHG - Bằng việc tận dụng diện tích ruộng sẵn có, mô hình cá – lúa – vịt đã mang lại lợi ích kép. Với việc giảm chi phí cho chăn nuôi, tiết kiệm diện tích và tận dụng được các thức ăn sẵn có từ đồng ruộng. Các sản phẩm cá, vịt nuôi theo phương thức tự nhiên có giá từ 120 – 150 nghìn đồng/ kg, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân; đảm bảo tính an toàn sinh học và là giải pháp hữu hiệu cho việc ngăn chặn sử dụng thuốc trừ sâu và các thuốc phun khác cho cây lúa… Qua đó, tạo nên môi trường sản xuất an toàn, thân thiện và sinh thái trong chăn nuôi.

 

30/11/2020