Hà Giang

Dân vận khéo trong xóa đói, giảm nghèo ở Hoàng Su Phì

11:10, 07/12/2020

BHG - Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “dân vận khéo” (DVK) giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, tạo sức lan tỏa, phát huy nội lực trong nhân dân, thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới (NTM) ở địa phương.

Anh Lý Ngọc Thanh, thôn Suối Thầu 1, xã Bản Luốc chăm sóc vườn cây ăn quả.
Anh Lý Ngọc Thanh, thôn Suối Thầu 1, xã Bản Luốc chăm sóc vườn cây ăn quả.

Có dịp về thăm xã Bản Luốc, ít ai ngờ rằng, chỉ cách đây mấy năm thôi, công tác vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền xã, cơ sở hạ tầng nơi đây được xây dựng đồng bộ; hình thành các mô hình kinh tế điển hình; người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng chí Vương Văn Khoàng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bản Luốc, cho biết: Xác định DVK là một trong những yếu tố quan trọng giúp nhân dân trong xã nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mình về việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Chính vì vậy, Đảng ủy xã Bản Luốc thống nhất nội dung tuyên truyền cụ thể, giao trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách từng thôn, bám sát cơ sở, gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế; qua họp thôn, lãnh đạo xã cùng các Bí thư chi bộ thảo luận, giải quyết các vấn đề tồn đọng, giúp bà con hiểu lợi ích của việc làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo… qua đó đời sống của bà con ngày càng được cải thiện.

Giờ đây, cơ cấu kinh tế của xã được chuyển dịch đúng hướng. Hiện, toàn xã có 103 ha cây Thảo quả; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.430 tấn, lương thực đầu người đạt 640 kg/năm; tổng đàn gia súc đạt 4.422 con; 15.500 con gia cầm. Các ngành nghề nông thôn được phát triển, toàn xã có 2 hộ làm rèn, 2 HTX chế biến chè, 3 hộ sản xuất đồ trang sức bằng bạc; xây dựng và phát triển được các sản phẩm đặc trưng của xã như: Gạo dui, nếp hương, Thanh long đỏ… Anh Lý Ngọc Thanh, thôn Suối Thầu 1, xã Bản Luốc, cho biết: Nhờ có sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền, giờ đây, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định. Nhờ trồng các loại cây ăn quả theo mùa, chăn nuôi cá, lợn và bò sinh sản đã giúp cho gia đình mỗi năm thu nhập trên 170 triệu đồng.

Thực hiện DVK trong xóa đói, giảm nghèo, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phổ biến các chính sách hỗ trợ tới người dân. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm người dân trong xây dựng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển KT - XH, kinh tế gia đình. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi, sản xuất lúa chất lượng cao; hình thành nhiều mô hình kinh tế, sản phẩm có giá trị đưa ra thị trường. Cùng với đó, phối hợp với MTTQ, đoàn thể các xã, thị trấn thực hiện phong trào thi đua yêu nước; triển khai Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”; “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”… Qua đó, khích lệ, động viên người dân phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Song song với đó, huyện đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại 23 xã, thị trấn giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế. Đến nay, tổng giá trị sản xuất đạt 1.416 tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt 39 nghìn tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng; xây dựng được trên 40 gia trại, 2 trang trại và 1.256 mô hình kinh tế hộ gia đình; 24 hợp tác xã đang hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 4.000 lao động. Đồng chí Mai Xuân Vần, Phó ban Dân vận Huyện ủy Hoàng Su Phì, chia sẻ: Công tác dân vận là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương; thời gian tới, huyện tích cực triển khai đến từng xã phát triển kinh tế hộ gia đình; vận động bà con nhân dân thi đua vươn lên thoát nghèo…”.

Bài, ảnh: NGUYỄN NGÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Diện mạo mới trên đất Tát Ngà

BHG - Hình ảnh những con đường bê tông nông thôn khang trang; hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được tu sửa, xây mới; hình ảnh người nông dân hăng say lao động sản xuất… là những yếu tố góp phần tạo cho bức tranh toàn cảnh xã Tát Ngà (Mèo Vạc) thêm sinh động, tươi sáng.

06/12/2020
Phát triển giao thông ở Quang Bình

BHG - Những năm qua, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quang Bình luôn đạt nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; đặc biệt là công tác tham mưu cho huyện xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

06/12/2020
Điểm sáng giải ngân vốn ODA

BHG - Thời gian qua, Ban Quản lý (BQL) Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc, Tiểu dự án tỉnh Hà Giang (Dự án BIIG 1) đã tích cực thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, nỗ lực hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Giám đốc BQL Dự án BIIG 1 Phạm Thanh Hòa cho biết: Dự án được UBND tỉnh phê duyệt gồm 3 hợp phần: Kết nối giao thông (3 tiểu dự án), hệ thống cung cấp nước sinh hoạt (2 tiểu dự án) và quản lý tài sản công. 

06/12/2020
HTX cộng đồng Nặm Đăm phát triển kinh tế từ cây dược liệu

BHG - HTX cộng đồng Nặm Đăm được thành lập ngày 28.8.2014 theo Quyết của UBND huyện Quản Bạ, HTX gồm 29 thành viên, tổng vốn điều lệ 2 tỷ đồng, 22 ngành nghề kinh doanh; trong đó, ngành nghề chủ yếu là trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu, kinh doanh các ngành nghề, như: Tắm lá thuốc; xông hơi, dịch vụ lưu trú; điều hành tua du lịch… Sau hơn 5 năm hoạt động, HTX đã phát huy được hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu mang lại thu nhập cao cho các thành viên.

 

06/12/2020