Hà Giang

Thành phố Hà Giang phát huy thế mạnh thương mại, dịch vụ

15:10, 08/11/2020

BHG - Xác định thương mại, dịch vụ, du lịch là nền kinh tế mũi nhọn, cũng là thế mạnh của địa phương, những năm qua, thành phố Hà Giang đã đưa ra nhiều giải pháp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng này. Đến nay, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định, bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 9,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thương mại, dịch vụ có bước phát triển nhanh, chiếm 78,2%. 

Người dân tìm hiểu, mua hàng tại siêu thị HT phường Quang Trung (thành phố Hà Giang).  										Ảnh: BIỆN LUÂN
Người dân tìm hiểu, mua hàng tại siêu thị HT phường Quang Trung (thành phố Hà Giang). Ảnh: BIỆN LUÂN

Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ trên địa bàn luôn được thành phố quan tâm chú trọng; các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của thành phố, đưa các sản phẩm OCOP vào thị trường tiêu thụ được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường duy trì thường xuyên, góp phần thiết lập trật tự kỷ cương trong kinh doanh thương mại, dịch vụ.  

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng thương mại được chú trọng đầu tư và đã có bước phát triển đáng kể. Hiện, thành phố có 7 chợ, gồm 5 chợ hàng ngày và 2 chợ phiên hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm theo phương thức truyền thống của người dân. Để từng bước theo kịp xu thế mua sắm mới của nhân dân, 16 siêu thị mini được mở mới, hình thành hệ thống chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng như: 3 siêu thị HT; 2 siêu thị An Khang Smart; 2 thế giới di động; 9 siêu thị VinMart+. Các loại hình dịch vụ vận tải; tín dụng; khám, chữa bệnh; lưu trú, vui chơi giải trí phát triển mạnh, chất lượng dịch vụ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội. Đến nay, thành phố ước có 5.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 4 làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới; 184 cơ sở lưu trú, thu hút trên 7.000 lao động có việc làm ổn định.  

Những kết quả trên là đáng khích lệ, tuy nhiên theo đánh giá, cũng như tìm hiểu tại các thành phố khác trong khu vực thì thương mại, dịch vụ của thành phố Hà Giang còn chịu ảnh hưởng của nền sản xuất quy mô nhỏ lẻ, các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, trung tâm logistics chưa hình thành, chưa gắn chặt sản xuất với tiêu thụ và phát triển thị trường; kết cấu hạ tầng thương mại còn yếu, chưa đáp ứng được so với nhu cầu phát triển của thị trường; thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại khu vực nông thôn còn thấp. Thị trường hàng hóa và số doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng còn phân tán, quy mô nhỏ, vốn ít, sức cạnh tranh thấp. Sản phẩm xuất khẩu hạn chế, chưa xây dựng được vùng chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. 

Để khắc phục những hạn chế trên, thành phố đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ trên địa bàn hiệu lực và hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng; phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; ổn định cung cầu hàng hóa, gắn kết giữa sản xuất với phân phối theo chuỗi giá trị, liên kết “4 nhà” hướng tới xuất khẩu sản phẩm có thế mạnh và những sản phẩm OCOP; thực hiện tốt quản lý nhà nước về thị trường và hoạt động dịch vụ thương mại, kiểm soát chất lượng và giá cả, đặc biệt chú trọng tới phương thức bán hàng hiện đại qua điện thoại, giao hàng tận nhà, cửa hàng tự chọn, thông qua website thương mại điện tử, dịch vụ sau bán hàng… Tăng cường xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động thương mại, dịch vụ theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phát triển sản phẩm dịch vụ chất lượng cao đối với các dịch vụ vận tải, y tế, bảo hiểm, ngân hàng, thông tin, dịch vụ nghỉ dưỡng...  Đồng thời, tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ, phân bố hài hoà đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương mang đậm nét văn hoá truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng; đẩy mạnh liên kết sản xuất - thương mại, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, quản lý các chợ trên địa bàn đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Để hỗ trợ cho thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển, thành phố đang triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trong tình hình mới, đặc biệt là về kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, năng lực kinh doanh; pháp luật trong quản lý, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng chí Nguyễn Danh Hùng, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Trong những năm tới, phát triển thương mại, dịch vụ cùng với du lịch sẽ tiếp tục là động lực chính đóng góp cho tăng trưởng trong phát triển KT-XH của thành phố. Với quan điểm mục tiêu: Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH. Duy trì phát triển các loại hình thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, thương mại điện tử phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giai đoạn 2020-2025 bền vững, văn minh, hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025 tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so năm 2020.

VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của Hà Giang tại Hà Nội

BHG - Từ ngày 6 – 8.11, tại Vincom Mega Mall Royal City Hà Nội, Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và xúc tiến thương mại được tổ chức. Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương Hà Giang tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Hà Giang tới các đại biểu và doanh nghiệp xuất khẩu.

08/11/2020
Bắc Mê đẩy mạnh thâm canh cây trồng

BHG - Khái niệm vụ Đông – xuân, Hè - thu và tư tưởng nông nhàn đã dần ít xuất hiện trong cuộc sống của người dân Bắc Mê. Bởi, để tăng năng suất trên một diện tích canh tác, người dân đã đẩy mạnh thâm canh, đưa các giống mới, năng suất cao vào sản xuất và không để đất trống hay nghỉ. Năm 2020, nông dân Bắc Mê đón nhiều niềm vui với sản lượng lúa vụ Mùa ước đạt 57 tạ/ha, tăng hơn 2 tạ/ha so với năm 2019, các sản phẩm nông nghiệp đa dạng hơn.

08/11/2020
Tốt nghiệp ngành y làm giàu bằng nghề nông

BHG - Ngày ra trường, cầm tấm Bằng tốt nghiệp Trung cấp Y trên tay, anh Nguyễn Quang Trực, thôn Tân Tiến (xã Việt Vinh – Bắc Quang) trở về làm nông dân bên vườn cây lá khôi – loại cây mà bố anh đã dành nhiều tâm huyết thuần hóa. Và quyết định ngày ấy, hôm nay đã không làm anh thất vọng.

 

08/11/2020
Khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn

BHG - Tỉnh ta xác định phát triển du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện thực hóa mục tiêu đó, các cấp, ngành, địa phương đang triển khai các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, khẳng định vai trò ngành DL trong công cuộc phát triển KT – XH.

 

08/11/2020