Thoát nghèo từ Chương trình 135 ở Mèo Vạc

10:13, 26/10/2020

BHG - Hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số với trình độ dân trí không đồng đều, cộng thêm vô vàn khó khăn về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, khí hậu… là những rào cản lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo nơi vùng cao Mèo Vạc. Song, nhờ áp dụng linh hoạt nguồn vốn từ Chương trình 135 đã mở ra nhiều cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây.

Trồng dâu nuôi tằm giúp người dân xã Nậm Ban có nguồn thu nhập ổn định.
Trồng dâu nuôi tằm giúp người dân xã Nậm Ban có nguồn thu nhập ổn định.

Huyện Mèo Vạc có 17 xã và 6 thôn của thị trấn Mèo Vạc thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135. Giai đoạn 2016 – 2020, Nhà nước đã dành nguồn kinh phí trên 122 tỷ đồng theo Chương trình cho huyện để thực hiện 3 tiểu dự án, tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở… Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện như điện, đường, trường, trạm không ngừng được duy tu, nâng cấp, xây mới; qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Cùng với đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành và phát huy hiệu quả. Nổi bật như các mô hình: Nuôi lợn nái sinh sản, nuôi bò vỗ béo, mật ong Bạc hà, gạo Khẩu mang… Với việc thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo khác, Chương trình 135 đã đem đến cho huyện Mèo Vạc một diện mạo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hàng năm giảm 6%; riêng các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ giảm trung bình 6,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người/năm toàn huyện tăng từ 9 triệu đồng năm 2015 lên 20,56 triệu đồng năm 2020; ước tính đến cuối năm 2020, toàn huyện có 1 xã và 17 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn…

Từ nguồn vốn Chương trình 135, nhiều công trình đường giao thông xã Thượng Phùng được đầu tư nâng cấp.
Từ nguồn vốn Chương trình 135, nhiều công trình đường giao thông xã Thượng Phùng được đầu tư nâng cấp.

Nậm Ban là một trong các địa phương của huyện Mèo Vạc được hưởng lợi từ Chương trình 135, trong đó, công trình cấp điện cho thôn Nà Poòng từ nguồn vốn Chương trình 135 từ năm 2015 được hoàn thành như đem đến “luồng gió mới” cho người dân nơi này. Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, Đỗ Tiến Đạt, cho biết: Nhờ có điện đã tạo điều kiện cho người dân thôn Nà Poòng mua sắm được các thiết bị điện, như: Ti vi, máy xay xát, máy bơm, máy băm cỏ; từ đó, giúp họ nâng cao dân trí, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế… Tương tự, cũng từ nguồn vốn của Chương trình 135, đầu năm 2020, xã Pải Lủng được triển khai dự án nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản tại thôn Páo Sảng và Thình Lủng với 21 hộ nghèo tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 260 triệu đồng. Theo Chủ tịch UBND Pải Lủng, Lý Văn Đông: Dự án được triển khai trên địa bàn xã đã giúp các hộ nghèo có thêm việc làm, có kiến thức và mạnh dạn thay đổi tư duy chăn nuôi; đồng thời tạo sức lan tỏa về phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã…

Có thể khẳng định, nguồn vốn của Chương trình 135 đã phát huy hiệu quả, liên tục làm thay đổi diện mạo của huyện Mèo Vạc theo hướng tích cực; tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình. Trước hết, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức ở một số địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; một bộ phận người nghèo vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; việc hướng dẫn thực hiện một số chương trình, chính sách còn chậm, chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ Chương trình. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho huyện còn thấp so với nhu cầu thực tế; việc quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư của cộng đồng còn hạn chế; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Thêm nữa, còn nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau cùng được thực hiện, dẫn đến manh mún, dàn trải nguồn lực, chồng chéo, hiệu quả chưa cao…

Để khắc phục những hạn chế trên nhằm phát huy tối đa hiệu quả của Chương trình, thiết nghĩ: Đối với các tiểu dự án thực hiện hỗ trợ sản xuất cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm căn cứ nhu cầu thực tế từng địa phương, tránh đầu tư tràn lan; đối với vốn duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư cần dành nguồn kinh phí hợp lý để công trình được đảm bảo lâu dài, tránh tình trạng đầu tư nhỏ lẻ không hiệu quả, trái lại còn gây bức xúc trong nhân dân…

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Cùng chuyên mục

Triển vọng tích cực kinh tế Việt Nam 2020-2021

BHG - Thời gian gần đây, có sự hội tụ chung âm hưởng tích cực từ các tổ chức và các chuyên gia quốc tế trong nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2020-2021.

25/10/2020
Nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác

BHG - Với mục tiêu lấy giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích canh tác hàng năm làm thước đo và đích đến, huyện Vị Xuyên đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm cây trồng.

 

24/10/2020
Mùa Hồng không hạt ở Nghĩa Thuận

BHG - Thời điểm tháng 10 đến với xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) với cái se lạnh của sương sớm cuối Thu là hình ảnh người dân trên địa bàn xã nở những nụ cười thật tươi, trên vai địu quẩy tấu chất đầy trái Hồng không hạt màu vàng óng. Những nụ cười cùng một mùa Hồng không hạt bội thu dường như giúp bà con quên đi những tháng ngày lao động mệt nhọc để gặt hái được thành tựu như hôm nay.

24/10/2020
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh giao ban quý III

BHG - Chiều 23.10, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tổ chức phiên họp quý III năm 2020 nhằm đánh giá hoạt động 9 tháng và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh chủ trì phiên họp. Cùng dự còn có các thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh và tổ chức đoàn thể nhận ủy thác; Ban Giám đốc, trưởng các phòng chuyên môn Ngân hàng CSXH tỉnh; Trưởng Ban đại diện HĐQT - Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố.

23/10/2020