Chương trình phát triển dược liệu giúp người dân thoát nghèo

09:49, 15/05/2020

BHG - Triển khai chương trình phát triển dược liệu, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trồng nhiều giống dược liệu có giá trị kinh tế cao; góp phần vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, đồng thời giúp nhiều hộ dân vùng cao có hướng đi mới trong giảm nghèo bền vững.

Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) chăm sóc cây Đương quy.
Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) chăm sóc cây Đương quy.

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc phát triển cây dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, nhận thức và tập quán sản xuất của bà con đã có sự chuyển biến từ canh tác cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao và phát triển theo hướng hàng hóa; có niềm tin vào phát triển cây dược liệu để giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hạng Dương Thành, cho biết: “Đến nay, huyện có tổng diện tích dược liệu là 2.905 ha và trên địa bàn đã có 4 công ty và 6 HTX tham gia trồng, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược liệu. Hiện, đã có 30 sản phẩm bán trên thị trường với đầy đủ nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; trong đó, có 9 sản phẩm được công bố hợp quy. Trong năm 2019, tổng doanh thu từ dược liệu trên địa bàn đạt trên 100 tỷ đồng. Chương trình phát triển dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 2.000 hộ với trên 5.000 lao động”.

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 14.433 ha dược liệu các loại; trong đó, diện tích cây dược liệu trong danh mục ưu tiên, như: Atiso, Bạch truật, Bình vôi, Cát cánh,… trên 3.400 ha. Một số địa phương đã hoàn thiện quy trình trồng và thu hái dược liệu theo hướng GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới) đối với 5 loại cây: Đương quy, Ý dĩ, Ngưu tất, Đan sâm; Atiso. Các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư nghiên cứu sâu, phát triển các sản phẩm thực phẩm, chè, thuốc, mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Năm 2019, toàn tỉnh có 34 sản phẩm được cấp số công bố, như: Dầu gội thảo dược Cao nguyên đá; nước rửa tay Cam quế chi DBC… và 9 sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu được xếp hạng OCOP. Các doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn đều được hỗ trợ để từng bước giải quyết khó khăn trong quá trình hoạt động, như: Hỗ trợ vay vốn, chuyên môn nghiệp vụ, thủ tục hành chính, phát triển, quảng bá sản phẩm…

Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, như: Khai trương Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang, trong đó, sản phẩm dược liệu là chủ đạo và duy trì hiệu quả 10 điểm bán hàng nông sản dọc Quốc lộ 2. Các doanh nghiệp đã chủ động đưa các sản phẩm dược liệu bày bán tại các điểm dừng chân, du lịch trong và ngoài tỉnh; phối hợp xây dựng các điểm bán hàng chung cho cả hệ thống HTX. Một số doanh nghiệp, HTX đã thành lập Trang bán hàng trên mạng internet, thúc đẩy hình thành hệ thống phân phối sản phẩm dược liệu đến người tiêu dùng; tỉnh đã ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm dược liệu với Công ty Cổ phần Nam dược Hà Nội, phần nào giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng; việc phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn cần giải quyết một số khó khăn về nguồn giống dược liệu chất lượng để phục vụ sản xuất quy mô lớn; các sản phẩm dược liệu do người dân tự trồng, như: Thảo quả, Hương thảo, quế, gừng, nghệ… chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu là bán dạng thô, giá trị sản phẩm thấp. Mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu chưa bền vững. Công nghệ sản xuất, chế biến dược liệu còn thô sơ, chi phí sản xuất lớn, số lượng sản phẩm còn ít, nhiều sản phẩm chưa công bố hợp quy, chưa có nhãn hiệu, khả năng cạnh tranh thấp… Một số doanh nghiệp, HTX hoạt động chưa hiệu quả, công tác quảng bá sản phẩm gặp nhiều hạn chế. Cơ chế chính sách về phát triển dược liệu chưa đồng bộ để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực trồng dược liệu. Công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong sản xuất giống, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc,… chưa được quan tâm đầu tư đủ mạnh.

Để phát triển chương trình dược liệu trong thời gian tới, ngành chức năng cho rằng: Cần có các giải pháp, cơ chế về trồng dược liệu dưới tán rừng, giúp các nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận với quỹ đất. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp dược liệu đầu tư vào địa bàn. Nhất là những đơn vị đầu tư theo chuỗi từ trồng đến chế biến, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng và sản phẩm thuốc từ dược liệu. Tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân trồng dược liệu, theo hướng vừa đào tạo vừa thực hành trồng thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Triển khai hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang; kết nối với các doanh nghiệp, HTX trồng, sản xuất chế biến, kinh doanh dược liệu trong cả nước để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm dược liệu của tỉnh. Xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo tồn, nhân giống và chuyển giao KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển các loại cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; đồng thời nghiên cứu thêm một số cây dược liệu đã trồng và phát triển tốt để đăng ký thành giống địa phương.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngành Công thương quyết liệt thực hiện "mục tiêu kép"

BHG - Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nhưng ngành Công thương đã linh hoạt, quyết liệt thực hiện "mục tiêu kép" theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: Vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch; vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD), nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH.

30/04/2020
Khó khăn trong việc tái đàn lợn

BHG - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 và sau dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta giá thịt lợn vẫn ở mức cao; nguyên nhân do nguồn cung từ các tỉnh khác và nguồn cung tại chỗ khan hiếm, đây là điều kiện thuận lợi để các trang trại và người dân trở lại mở rộng quy mô chăn nuôi. Tuy nhiên, việc mở rộng chăn nuôi tái đàn lợn gặp không ít khó khăn.

 

14/05/2020
Rực sáng Quang Bình

BHG - Về với mảnh đất Quang Bình, những con đường rực sáng, ngợp bóng cờ hoa; những hàng cây xanh tỏa bóng mát tô điểm cho vùng động lực thêm lung linh, rực rỡ, hừng hực khí thế bước vào giai đoạn phát triển mới của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Kết quả này là sự đồng thuận của mỗi người dân, gia đình trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh.

 

14/05/2020
Góp ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển bền vững cây cam, quýt tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 – 2025

BHG - Sáng 14.5, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành và một số huyện nhằm cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển bền vững cây cam, quýt tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.

 

14/05/2020