Tiếp sức giảm nghèo cho người dân Tân Nam

11:32, 04/04/2020

BHG - Qua 5 năm đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Nam (Quang Bình), những dự án toàn diện từ Chương trình giảm nghèo bền vững dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang đã mang lại sự thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nơi đây.

Người dân thôn Nặm Qua đi lại thuận lợi nhờ con đường bê tông mang tên CPRP.
Người dân thôn Nặm Qua đi lại thuận lợi nhờ con đường bê tông mang tên CPRP.

Là xã vùng cao, địa hình có độ dốc lớn, giao thông đi lại giữa các thôn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Tân Nam tương đối cao, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, giá trị sản phẩm trong nông nghiệp đạt thấp. Từ 2015, Chương trình CPRP chính thức được triển khai vào địa bàn xã, quy mô 12/12 thôn và 663 hộ hưởng lợi trực tiếp, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Thông qua 2 hợp phần, gồm: Xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường và đầu tư hàng hóa phù hợp với người nghèo đã huy động tối đa sự tham gia của người dân vào tất cả các phần việc từ quy trình lập kế hoạch ở cấp thôn, bản; hình thành các nhóm cùng sở thích (CIG), nhóm tín dụng tiết kiệm; các mô hình kinh tế tiêu biểu và xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. Dự án góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 61,8% năm 2015 xuống còn 38,9% năm 2019.

Xã Tân Nam mở rộng diện tích trồng dưa hấu trên đất một vụ.
Xã Tân Nam mở rộng diện tích trồng dưa hấu trên đất một vụ.

Một trong những dấu ấn của Chương trình CPRP là phát triển cơ sở hạ tầng cộng đồng. Với 4 công trình đường bê tông liên thôn có tổng chiều dài 6,5km và 1 công trình cầu qua suối được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã có những tác động đáng kể đối với nền KT - XH của địa phương. Trước hết, phục vụ hiệu quả hoạt động giao thương hàng hóa gắn với phát triển tiềm năng, thế mạnh trong chăn nuôi lợn đen, dê và trồng cây dược liệu. Đồng thời, tạo điều kiện đảm bảo tỷ lệ học sinh đến trường và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Đơn cử, thôn Nặm Qua có 77 hộ dân sinh sống, đa số là dân tộc Dao, Tày. Bà con chủ yếu phát triển kinh tế nhờ trồng cây Thảo quả với diện tích 117 ha; chè Shan tuyết 60 ha và chăn nuôi trâu, dê với tổng đàn trên 500 con. Những năm trước, các tuyến đường vào thôn đều là đường đất, mùa mưa trơn trượt, lầy lội, gây cản trở việc đi lại của nhân dân. Trước thực trạng đó, Chương trình CPRP đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông liên thôn dài 4,5 km. Từ khi có con đường, các sản phẩm chủ lực có giá bán cao hơn, quá trình vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất dễ dàng, thuận tiện, giảm chi phí cho người dân.

Anh Phượng Quầy Lụa bày tỏ: “Bây giờ, bà con đi đâu cũng tiện, học sinh đến trường cũng đỡ vất vả, không còn lấm lem bùn đất. Ngoài trồng chè, nhà tôi còn mở xưởng, mua sắm máy móc để sản xuất các loại chè khô, chè vàng. Vào thời điểm thu hoạch chính vụ, mỗi ngày, xưởng thu mua từ 1 - 1,2 tấn chè búp tươi. Giá chè búp tươi đạt 11 - 13 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với trước. Hầu hết chè làm ra đến đâu, thương lái vào tận nơi tiêu thụ đến đó, giá bán theo thị trường, không bị ép giá. Tính trung bình, lợi nhuận đạt 80 triệu đồng/năm, giúp gia đình tôi có việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Có thể nói, con đường đã tạo động lực cho người dân Nặm Qua vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, tiến bộ”.

Sau chặng đường nỗ lực thực hiện Chương trình CPRP, diện mạo Tân Nam đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Đặc biệt, những con đường mới mở kiên cố đã thỏa nỗi mong chờ bấy lâu nay của đồng bào. Từ đây, nhiều hộ đã biết cách làm ăn, buôn bán, đưa những mô hình kinh tế hay, hiệu quả vào đồng đất quê hương. Hơn nữa, một số nhóm CIG đã phát triển thành tổ hợp tác, có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và bao tiêu sản phẩm một cách đồng bộ, làm nâng cao giá trị sản phẩm hiện có. Xã sẽ tiếp tục duy trì và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát của dự án với mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nhân dân - đồng chí Nguyễn Văn Huy, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nam khẳng định.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang tiết kiệm 10.500Kwh trong Chiến dịch Giờ Trái đất 2020

BHG - Theo Công ty Điện lực Hà Giang, sản lượng điện tiết kiệm được trong thời gian diễn gia sự kiện Giờ Trái đất 2020 trên địa bàn Hà Giang từ 20h30 đến 21h30 ngày 28.3 là 10.500 Kwh.

31/03/2020
Hiệu quả dự án trồng ngô chuyển gen tại xã Niêm Sơn

BHG - Năm 2019, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) trồng thực nghiệm giống ngô chuyển gen NK4300 Bt/GT với tổng diện tích 22 ha do 40 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tại thôn Cá Thể Bản Tồng thực hiện. Qua thời gian thực nghiệm, ngô NK4300 Bt/GT cho năng suất, chất lượng cao trên cùng một đơn vị diện tích, có khả năng chống chịu sâu, bệnh cao hơn các loại giống ngô lai thường.

 

31/03/2020
Agribank Chi nhánh Bắc Mê đồng hành cùng sự phát triển của huyện nhà

BHG - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến khó lường, khiến các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước phải đối đầu với khủng hoảng về kinh tế; để hoàn thành mục tiêu, cán bộ, nhân viên Agribank Chi nhánh Bắc Mê đã nỗ lực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong 2 tháng đầu năm, Agribank Bắc Mê đã huy động nguồn vốn tăng 8 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 100,3% kế hoạch Agribank Hà Giang giao; dư nợ đạt 4 tỷ đồng, tăng 1,5%; thu phí dịch vụ đạt 344 triệu đồng, tăng 95 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2018,... 

30/03/2020
Giá xăng còn 12.000 đồng một lít

Từ 15h hôm nay, mỗi lít xăng giảm hơn 4.000 đồng về chưa đến 12.000 đồng - mức thấp nhất trong 11 năm qua. Thay vì chờ tới ngày 30/3 như kế hoạch, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định hạ giá bán lẻ xăng dầu sớm hơn một ngày. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON92 giảm 4.100 đồng, xăng RON 95 hạ 4.252 đồng; dầu hoả là 2.705 đồng, dầu diesel 1.776 đồng và dầu madut giảm 1.048 đồng. 

30/03/2020