Vùng quê Phương Tiến đổi mới

16:06, 19/02/2020

BHG - Là địa phương thuần nông, nhưng những năm gần đây, cuộc sống của người dân xã Phương Tiến (Vị Xuyên) ngày càng ấm no, sung túc nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM). Những con đường bê tông kiên cố trải dài khắp các ngõ xóm, kênh mương ruộng đồng ăm ắp nước tưới tiêu, kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện, người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản… Năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà đón Xuân mới trong niềm phấn khởi, hân hoan bởi mục tiêu “cán đích” NTM đã trở thành hiện thực.

Cán bộ, đoàn viên, thanh niên xã Phương Tiến thu gom rác thải.                                                                                        Ảnh: C.T.V
Cán bộ, đoàn viên, thanh niên xã Phương Tiến thu gom rác thải. Ảnh: C.T.V

Là xã vùng III của huyện Vị Xuyên, trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, Phương Tiến có trên 2/3 số thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù có tiềm lực và vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển KT – XH nhưng trước đó, xã chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Việc áp dụng tiến bộ KH - KT vào sản xuất còn chậm, người dân sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, tư tưởng của một bộ phận nhân dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước…

Bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền miệng thông qua các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt của hội, đoàn thể; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hoá văn nghệ; bằng hình thức trực quan như khẩu hiệu, pa nô, áp phích… Qua đó, đã giúp nhân dân nhận thức được tầm quan trọng và mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM, từ đó, tích cực hưởng ứng, tham gia.

Xác định trong xây dựng NTM, việc quan trọng hàng đầu là phải đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập, XĐGN cho nhân dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh của địa phương như: Chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm, trồng rừng sản xuất, trồng dược liệu. Tích cực phối hợp với các ngành của huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi: Chương trình 135, Nghị quyết 29 HĐND tỉnh, vay vốn tín dụng chính sách. Từ nguồn vốn vay, nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập. Các mô hình như: Trồng cam ở thôn Nà Miều; mô hình trồng dưa lưới của HTX Thanh Niên; mô hình nuôi cá thương phẩm tại thôn Sửu… đang dần phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các gia đình.

Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ gắn với đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 cơ sở cơ khí; 1 cơ sở vật liệu xây dựng; 2 xưởng mộc và các dịch vụ khác như sửa chữa xe máy, máy nông cụ… Tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn như các lớp nghề về trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi. Qua đó, giúp người dân nắm được các kiến thức cơ bản để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất lao động. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt 32,54 triệu đồng/người/năm, tăng 16,6 triệu đồng so với năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10%.

Song song với việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, xã Phương Tiến cũng tập trung lồng ghép các nguồn vốn và huy động nội lực trong dân để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn từ đường giao thông, thủy lợi, chợ đến cơ sở vật chất văn hóa… Đến nay, nhân dân đã hiến gần 20.000 m2 đất, đóng góp vật liệu và ngày công quy đổi ra tiền mặt được 9,9 tỷ đồng; cứng hóa được 12,9 km tuyến đường trục xã, 10,28 km đường trục thôn, bản và 11,8 km đường ngõ xóm; tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa 8/8 thôn, bản. Xây dựng chợ trung tâm xã với diện tích 890 m2, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của nhân dân.

Với nhiều nỗ lực, tháng 1 vừa qua, xã Phương Tiến đã vinh dự đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn NTM, đánh dấu một mốc son trong công cuộc xây dựng và phát triển của miền quê Phương Tiến. Nói về những đổi thay của địa phương từ chương trình xây dựng NTM, ông Đặng Văn Thắng, thôn Nặm Tẹ phấn khởi cho biết: “Vài năm gần đây, người dân chúng tôi ai cũng cảm nhận được sự đổi thay rất lớn của xã nhà từ kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm ngày càng được hoàn thiện đến đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình được nâng lên đáng kể. Chúng tôi rất vui mừng và sẽ tiếp tục chung tay cùng cấp ủy, chính quyền xã quyết tâm giữ vững và phát huy hơn nữa thành quả NTM”.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sản xuất vụ Xuân ở Vị Xuyên

BHG - Theo kế hoạch, vụ Xuân năm 2020, huyện Vị Xuyên gieo trồng 6.443 ha; trong đó 1.831 ha lúa, trên 3.200 ha ngô, 662,5 ha lạc, 200 ha đậu tương và 456 ha rau đậu. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này, bà con nông dân các xã, thị trấn tập trung xuống đồng làm đất, gieo trồng nhằm đảm bảo khung thời vụ, cơ cấu giống.

 

19/02/2020
Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy

BHG - Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh covid - 19, nhiều loại hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ở một số cửa khẩu lớn như: Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Hà Khẩu (Lào Cai)… bị đình trệ. Tuy nhiên, một số cửa khẩu tiếp giáp với nước bạn đã hoạt động trở lại.

 

19/02/2020
Tín dụng chính sách giúp người dân Quản Bạ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống

BHG - Giảm nghèo là mục tiêu quan trọng luôn được các cấp, các ngành và địa phương đặc biệt quan tâm. Những năm qua, đã có nhiều chương trình, chính sách được triển khai, thực hiện hiệu quả; mang đến cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội thoát nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, chương trình tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) nói chung và Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ...

19/02/2020
Chung tay phát triển sản phẩm nông sản Xín Mần

BHG - Những năm qua, Công ty TNHH Gia Long luôn chủ động liên kết, bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân trong huyện chế biến và đưa ra thị trường với các sản phẩm nổi tiếng như miến dong, rượu vang mận, rượu nếp Quảng Nguyên… Đây cũng là doanh nghiệp tích cực trong thực hiện chương trình OCOP và là điểm tựa của nông dân huyện Xín Mần.

 

19/02/2020