Hà Giang

Nhịp sống mới trên những vùng quê nghèo Bắc Quang

15:13, 26/12/2019

BHG - Với một ý nghĩa hết sức nhân văn, thiết thực, Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh ta khép lại thành công sau chặng đường 5 năm đồng hành, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bắc Quang. Trở về những vùng quê xa xôi, hẻo lánh ngày nào, giờ đây nhịp sống mới năng động và phát triển hơn nhiều.

Người dân xã Đức Xuân thu hái chè Shan tuyết.
Người dân xã Đức Xuân thu hái chè Shan tuyết.

Những ngày cuối năm, tôi có dịp trở về Tân Lập, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang đang từng ngày thay da đổi thịt. Chủ tịch UBND xã Hoàng Quang Hùng phấn khởi cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 54,5% năm 2015 xuống còn 17,6% năm 2019; thu nhập bình quân đầu người tăng 11,4 triệu đồng lên 16,5 triệu đồng/năm; một bộ phận người dân chuyển từ sản xuất quy mô hộ gia đình sang phát triển theo hướng hàng hóa. Thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ của Chương trình CPRP. Bằng cách đến với dân trực tiếp, thường xuyên, Chương trình CPRP đã tìm ra “lối mở” giúp bà con thay đổi tư duy nhận thức lạc hậu, truyền thống để phát triển kinh tế theo định hướng thị trường với mục tiêu tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống”.

Không chỉ riêng Tân Lập, các xã Thượng Bình, Đồng Tiến, Đức Xuân cũng trên đà đổi mới. Thời gian qua, với tổng số vốn đầu tư của Chương trình CPRP trên 41 tỷ đồng, huyện đã hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt 8 chuỗi giá trị cấp xã cho những sản phẩm chủ lực như: Lợn, dê, trâu, chè, keo và tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ trong công tác lập kế hoạch KT - XH. Dựa trên những tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế của mỗi địa phương, các xã đã thành lập được gần 100 nhóm cùng sở thích (CIG) với 954 thành viên và 53 nhóm tiết kiệm tín dụng (TKTD) thu hút 599 hội viên phụ nữ tham gia. Nhìn chung, các nhóm đều hoạt động tốt, biết cách xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để thu lợi nhuận cao.

Từ năm 2015, Chương trình CPRP đã tổ chức 3 cuộc hội thảo thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã về cơ hội tham gia hợp tác công tư (P - PC), duy trì 4 P - PC cấp hộ, 2 P - PC cấp tỉnh. Chị Mạc Thị Miến, Giám đốc HTX Nông sản dầu lạc Đồng Yên, cho biết. HTX được chương trình hỗ trợ 660 triệu đồng để mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất. Hiện tại, cơ sở đã ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm với các nhóm trồng và chăm sóc lạc của các xã trong huyện Bắc Quang, Quang Bình. Công suất sản xuất lạc vỏ khô đạt 4.000 tấn/năm; lạc nhân đạt 300 tấn/năm và tăng gấp 3,5 lần so với trước kia. Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất thêm dầu mè, dầu vừng để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp”.

Song song với việc đầu tư thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa, thông qua Quỹ đầu tư cộng đồng, các xã đã xây dựng 22 đầu điểm công trình làm mới đường bê tông nông thôn với tổng chiều dài 25,8 km và 1 công trình cầu treo. Có thể nói, các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đóng góp rất lớn vào an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường, người dân trao đổi, giao lưu, buôn bán hàng hóa. Với các hoạt động đồng bộ, hướng mạnh đến người dân, tại 4 xã nằm trong Chương trình CPRP đã giảm được tổng số 277 hộ nghèo. Đây là kết quả phản ánh rõ nét sự vào cuộc của các cấp, sự đồng tình của người dân để đáp ứng tốt yêu cầu, mục tiêu của chương trình đưa ra.

Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: “Sau nhiều nỗ lực, đến nay, các hợp phần của Chương trình CPRP tại các xã đảm bảo tiến độ và hoàn thành 100% kế hoạch giao. Để chuyển giao và duy trì bền vững dự án khi kết thúc, đòi hỏi các tổ, nhóm phải nâng cao chất lượng về mặt tổ chức, năng lực, có phương pháp tốt, nhằm thu hút hộ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào nhóm CIG, TKTD. Hơn nữa, các xã cần tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh với người dân để tạo thành các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Trên cơ sở các kết quả đạt được, huyện sẽ lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để phát triển các chuỗi giá trị của địa phương”.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chung sức làm đường bê tông nông thôn ở Vị Xuyên

BHG - Nhờ có sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, người dân thôn Đông Cáp 2, thị trấn vị Xuyên (Vị Xuyên) cùng góp công làm đường bê tông nông thôn, xây dựng Nông thôn mới... 

26/12/2019
Thẩm định 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019

BHG - Sáng 26.12, tại UBND tỉnh, Hội đồng Thẩm định Nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức họp thẩm định 19 tiêu chí NTM đối với 5 xã: Phương Tiến, Tùng Bá (Vị Xuyên), Tân Bắc (Quang Bình), Kim Ngọc, Hùng An (Bắc Quang). Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

26/12/2019
Thoát nghèo nhờ nuôi lợn giống bản địa

BHG - Từ hai bàn tay trắng, bằng nghị lực và ý chí vươn lên, anh Phàn Văn Giang (sinh 1990) dân tộc Dao, thôn Thâm Quảng, xã Đường Âm (Bắc Mê) đã trở thành chủ mô hình nuôi lợn cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, từ khi lấy vợ, sinh con; cuộc sống của gia đình anh Giang chỉ trông vào diện tích ruộng, nương ít ỏi nên gặp rất nhiều thiếu thốn. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo...

25/12/2019
Bắc Quang sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu

BHG - Từng bước đưa sản xuất nông, lâm nghiệp tại 23 xã, thị trấn đi vào chiều sâu; nhằm tạo ra các chuỗi giá trị là kết quả đạt được của huyện Bắc Quang trong năm 2019.Nhận thấy lợi thế về sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện có nhiều sản phẩm đặc sắc để cạnh tranh trong phát triển sản xuất hàng hoá chất lượng cao như: Cam Sành, chè Shan tuyết hữu cơ, gạo Nếp cái hoa vàng...

25/12/2019