Hà Giang

Ngôi làng tỷ phú cam Sành

14:14, 19/12/2019

BHG - Trong cái rét mùa Đông, cuối tháng Chạp, cam Sành Vĩnh Phúc (Bắc Quang) đã bắt đầu vào độ chín. Những trái cam mọng nước, vàng đượm phủ kín trên các ngả đường, sườn đồi; giúp cho vùng quê này mọc lên nhiều ngôi nhà lộng lẫy, khang trang. Giữa ngôi làng trù phú, những hộ trồng cam lớn nhất có thu nhập tiền tỷ, còn hộ ít cũng đạt 200 triệu đồng/năm.

Anh Sùng Diu Sì, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc điển hình làm kinh tế giỏi.
Anh Sùng Diu Sì, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc điển hình làm kinh tế giỏi.

Qua sự giới thiệu của lãnh đạo xã, tôi đến thăm cơ ngơi trồng cam Sành nổi tiếng bậc nhất tỉnh của anh Trần Trung Thuyết, Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc. Không giấu được niềm tự hào của người trồng cây đến ngày hái quả, anh Thuyết vui mừng cho biết: “Cha mẹ tôi vốn là người gốc Nam Định, nhưng lên đây lập nghiệp đã từ năm 1965;  khi trong thôn Vĩnh Thành chưa có hộ nào trồng cam, gia đình tôi đã tiên phong làm trước. Cứ thế tôi lớn lên, gắn bó và mang nặng “mối duyên” với cây cam cho đến ngày hôm nay. Năm 2019, nhà tôi có 100 ha cam Sành, sản lượng ước đạt gần 1.000 tấn và cho thu hơn 10 tỷ đồng. Với tôi, hay bất cứ ai thì đều chung suy nghĩ làm nghề trồng cam là làm giàu cho chính bản thân, gia đình; nên lúc nào cũng trăn trở, quyết tâm nâng cao chất lượng cho cam Sành”.

Vườn cam Sành trồng theo hướng hữu cơ của HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc.
Vườn cam Sành trồng theo hướng hữu cơ của HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc.

Nhờ sự giúp đỡ của tỉnh, huyện; đến nay, 312 ha cam Sành của 15 thành viên trong HTX đang chuyển đổi mạnh từ sản xuất VietGAP sang quy trình Organic (hữu cơ) và đạt 100 ha. Đây là quy trình hết sức nghiêm ngặt, nói không với thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học mà dùng các chế phẩm sinh học từ tỏi, ớt, giềng, gừng để phòng, trừ sâu bệnh và phân chuồng, đậu tương để chăm sóc cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Dù năm nay sản lượng thấp hơn năm ngoái, ước đạt 2.500 tấn; nhưng giá bán trung bình khoảng 17 - 20 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi so với canh tác theo phương pháp truyền thống. Sản phẩm cam Sành được các chuỗi cửa hàng rau, quả sạch Hà Nội, siêu thị BigC, Vinmart, Tmart ký kết thu mua toàn bộ. Ngoài ra, HTX còn kết nối với các siêu thị để bao tiêu cam cho người dân địa phương.

Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm của người trồng cam; hiện, mức thu nhập của các thành viên trong HTX chưa bao giờ dưới 500 triệu đồng/năm. Nếu như trồng lúa, ngô góp phần giảm nghèo, đảm bảo lương thực thì trồng cam Sành đã góp phần vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới ổn định và lâu dài. Bên cạnh cây cam Sành, HTX còn phát triển cây cam Vàng nhằm đa dạng các loại cây có múi trên mảnh đất đầy tiềm năng, lợi thế này. Không chỉ giàu có cho mình, HTX đã giúp đỡ 28 cặp vợ chồng đồng bào vùng cao có việc làm thường xuyên với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 200 lao động/ngày trong mùa thu hoạch cam.

Xuất phát từ ý chí vươn lên và bàn tay lao động miệt mài, vườn cam của anh Thuyết được tỉnh duyệt làm vườn cam mẫu khu vực trồng cam chất lượng cao. Tiếng lành đồn xa, HTX đã đón rất nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Với vinh dự đó, HTX định hướng cho các thành viên tiếp tục nhân rộng quy trình trồng cam hữu cơ để giữ vững uy tín, thương hiệu sẵn có. Đồng thời, kỳ vọng sẽ có thêm những doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm sâu sắc hơn để nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, được tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, tạo niềm tin, chỗ dựa cho cam sạch vươn xa đến những thị trường khó tính.

Rời thôn Vĩnh Thành, tôi trở về Vĩnh Sơn, một trong những địa bàn trọng điểm trồng cam Sành của xã. Không thể phủ nhận trước sự thay đổi ngỡ ngàng của đồng bào Mông, Tày, Nùng nơi đây; thay vì những nếp nhà tranh cũ kỹ, nay đã hiện diện nhiều ngôi nhà xây mái ngói đỏ tươi. Anh Sùng Diu Sì chia sẻ: “Vừa rồi, riêng 3 ha vườn cam Vàng, tôi thu hoạch được 50 tấn, giá bán đạt 10 nghìn đồng/kg, tính ra thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Sang đầu tháng 1.2020, vườn cam Sành sẽ khai vụ, dự kiến đạt 60 - 70 tấn; bởi tôi trồng cam hữu cơ nên giá thành cao hơn. Cây cam là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, mang lại cuộc sống khấm khá, no đủ cho người dân”.

Với diện tích trên 1.000 ha, tổng sản lượng hàng năm đạt 20.560 tấn quả; doanh thu hơn 206 tỷ đồng và cây cam được ví là cây “vàng xanh” làm giàu bền vững cho người dân xã Vĩnh Phúc. Cũng nhờ thương hiệu nức tiếng của cam Sành, Vĩnh Phúc được biết đến là nơi có trên 30 tỷ phú nông dân đạt thu nhập 1 tỷ đồng/năm - đồng chí Hoàng Hải Chư, Chủ tịch UBND xã cho hay.

Bài, ảnh: HẠ HÒA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019

BHG - Ngày 17.12, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn có Công điện số 4084/CĐ-UBND ngày 17.12.2019, về nhiệm vụ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và thu hồi vốn tạm ứng đầu tư công.

19/12/2019
Góp phần tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững

BHG - Năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố trong tỉnh rà soát các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để tăng nguồn thu, phát huy hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Qua đó, đã góp phần tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Phóng viên (P.V) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để giúp độc giả hiểu rõ hơn về nội dung này.

 

19/12/2019
Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2019

BHG - Chiều 18.12, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực UBND, phòng NN&PTNT các huyện, thành phố.

19/12/2019
Tập huấn nâng cao năng lực cho thanh niên khởi nghiệp

BHG - Vừa qua, tại huyện Bắc Quang, Tỉnh đoàn phối hợp với Ban Điều phối chương trình CPRP tỉnh mở lớp Tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 200 thanh niên khởi nghiệp đến từ các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

 

18/12/2019