Làng quê Thanh Đức ngày càng khởi sắc

14:16, 19/12/2019

BHG - Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã nghèo Thanh Đức (Vị Xuyên) đã khoác lên mình một diện mạo mới với cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên, đem lại niềm tin, sự phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Đường vào thôn Nặm Lạn được bê tông hóa.
Đường vào thôn Nặm Lạn được bê tông hóa.

Là xã biên giới, thuần nông nên khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Thanh Đức gặp rất nhiều khó khăn. Xác định rõ những thuận lợi và khó khăn; cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đồng thời trực tiếp tham gia cùng nhân dân thực hiện các phần việc NTM. Các cán bộ từ xã đến thôn luôn gương mẫu bám sát cơ sở, đến từng hộ dân để “cầm tay chỉ việc”. Vì vậy, chương trình xây dựng NTM đã đến với từng ngõ xóm, thôn, bản và được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Sự đồng thuận của người dân thực sự là nền tảng để xã vượt qua mọi khó khăn ban đầu từ thiếu đất, thiếu nước sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; hệ thống cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nội lực trong dân yếu... Đến xã Thanh Đức ngày hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy diện mạo nông thôn đã được thay đổi; hiện hữu từ những con đường bê tông phẳng lỳ nối liền từ trung tâm xã với các thôn, xóm; các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đều được đầu tư xây dựng khang trang.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xã, đến nay, người dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp trên 2.500 ngày công và hơn 500 triệu đồng tiền mặt; mở mới được 13,5 km đường đất đá, nâng cấp 4,5 km đường liên thôn, bê tông hóa các trục đường nối trung tâm xã với trụ sở các thôn, bản… Hiện, xã đã đạt 10/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đạt 14,6 triệu đồng/người/năm, tăng 3,1 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,9% năm 2016 xuống còn 32% năm 2018.

Với địa hình có độ dốc cao, kết cấu thổ nhưỡng không ổn định, chủ yếu là đất pha cát; nên việc bê tông hóa các tuyến đường đối với xã Thanh Đức gặp rất nhiều khó khăn. Về vận chuyển vật liệu, người dân chủ yếu sử dụng bằng xe máy hoặc gùi, cõng bộ… Vượt qua mọi khó khăn, đến nay nhân dân trong xã đã bê tông hóa được trên 4 km đường nối trung tâm xã với các thôn. Anh Đặng Văn Thàm, thôn Nặm Nịch cho biết: Những tuyến đường bê tông đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của người dân trong việc chung tay cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng NTM. Khắc phục những khó khăn của điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ nhưỡng;  nhiều tuyến đường đã được hoàn thiện, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi hơn; từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cũng như mức sống của người dân.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã cho biết: Đối với các tiêu chí còn lại, thì tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, giao thông, điện là những tiêu chí khó thực hiện nhất; bởi đây là những tiêu chí cần nguồn lực lớn. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm mà xã sẽ thực hiện từng bước. Trong đó, ưu tiên thực hiện tiêu chí thu nhập và hộ nghèo nhằm nâng cao đời sống cho người dân bằng việc tập trung tổ chức lại sản xuất, phân vùng kinh tế nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; nhằm phát huy thế mạnh của từng thôn, bản. Tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc; mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân…

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Hồ Thầu phấn đấu về đích trong năm tới

BHG - Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) đã có nhiều thay đổi; đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Đến nay, xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM và đang nỗ lực phấn đấu về đích NTM vào quý II.2020…

 

19/12/2019
Ngôi làng tỷ phú cam Sành

BHG - Trong cái rét mùa Đông, cuối tháng Chạp, cam Sành Vĩnh Phúc (Bắc Quang) đã bắt đầu vào độ chín. Những trái cam mọng nước, vàng đượm phủ kín trên các ngả đường, sườn đồi; giúp cho vùng quê này mọc lên nhiều ngôi nhà lộng lẫy, khang trang. Giữa ngôi làng trù phú, những hộ trồng cam lớn nhất có thu nhập tiền tỷ, còn hộ ít cũng đạt 200 triệu đồng/năm.

 

19/12/2019
Góp phần tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững

BHG - Năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố trong tỉnh rà soát các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để tăng nguồn thu, phát huy hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Qua đó, đã góp phần tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Phóng viên (P.V) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để giúp độc giả hiểu rõ hơn về nội dung này.

 

19/12/2019
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019

BHG - Ngày 17.12, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn có Công điện số 4084/CĐ-UBND ngày 17.12.2019, về nhiệm vụ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và thu hồi vốn tạm ứng đầu tư công.

19/12/2019