Hà Giang

Giải pháp ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc

14:16, 19/12/2019

BHG - Được cho là giải pháp hàng đầu của huyện Bắc Mê trong việc đẩy lùi và ngăn chăn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, đó là việc tăng cường và kiên quyết trong việc tuần tra, kiểm tra các phương tiện, các nguồn lây nhiễm. Qua đó, giúp Bắc Mê trở thành huyện duy nhất nằm ngoài vùng dịch trong tổng số 11 huyện, thành phố của tỉnh kể từ khi dịch bệnh tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện.

Gia đình chị Nguyễn Thị Yến, tổ 1, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) luôn vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Gia đình chị Nguyễn Thị Yến, tổ 1, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) luôn vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Để có kết quả trên, ngay từ khi xảy ra dịch bệnh, huyện đã tích cực triển khai, ban hành các kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh trên động vật; đưa ra các giải pháp ứng phó với khả năng xâm nhiễm DTLCP vào địa bàn; triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm và đẩy mạnh vệ sinh tiêu độc, khử trùng. UBND huyện thành lập các chốt kiểm dịch và các xã giáp ranh chủ động thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời của xã và quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch. Từ sự chủ động ứng phó và tăng cường công tác kiểm tra trong năm 2019 toàn huyện đã xử lý 9 vụ vi phạm, tiêu hủy 16 con lợn và 39 kg sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xử phạt vi phạm hành chính 3 vụ với số tiền 14 triệu đồng.

Nhằm thực hiện và làm tốt công tác kiểm tra, kiểm dịch, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Trạm trưởng trạm Thú y huyện cho biết: “Cùng với việc thành lập các chốt kiểm dịch, huyện tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt thực hiện; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua, bán, vận chuyển, giết mổ gia súc. Thành lập đội kiểm soát liên ngành thực hiện việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn để ngăn chặn nguồn xâm nhiễm vào địa bàn...”.

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn và gia súc, gia cầm lớn trên địa bàn, nhằm phòng, chống dịch bệnh, gia đình chị Nguyễn Thị Yến, tổ 1, thị trấn Yên Phú chia sẻ: “Gia đình có thời điểm nuôi đến 100 con lợn thịt và 7 con lợn nái; hơn nghìn con gà, vịt, chim Bồ câu... Để đảm bảo và duy trì được đàn và vật nuôi khỏe mạnh, trước tiên gia đình luôn đề cao việc tuân thủ theo hướng dẫn về công tác tiêm phòng dịch, luôn giữ vệ sinh chuồng trại, tăng cường việc rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng. Trong thời điểm khắp nơi thông báo có dịch bệnh, nhưng lợn, gà, vịt... của gia đình vẫn xuất bán đều, quả thực đó là một niềm vui, nhưng nỗi lo về dịch bệnh thì luôn đè nặng, bởi vậy trong việc duy trì và phát triển đàn thì gia đình cũng tăng cường công tác kiểm tra và tiêu độc khử trùng, cùng với đó phối hợp thường xuyên với thú y huyện, xã trong việc kiểm tra, kiểm dịch...”.

Yên Phong là xã có địa bàn khá phức tạp của huyện khi giáp ranh giữa huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) và Mèo Vạc, 2 địa phương đều đã có dịch. Nhằm đảm bảo xiết chặt các nút giao thông, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là xã giáp ranh với các địa phương có dịch, không chỉ trên đường bộ mà cả đường thủy, bởi vậy việc tuần tra, kiểm tra có phần phức tạp và khó khăn hơn. Nhưng để đảm bảo tốt, bên cạnh việc phối hợp với các ngành chức năng và chốt kiểm dịch, xã đã cùng với các tổ chức đoàn thể, cán bộ thôn đẩy mạnh việc tuần tra. Qua đó, ngăn chặn, bắt và tiêu hủy lợn và gia súc không rõ nguồn gốc hay có nguồn bệnh vào trong địa bàn xã, huyện. Từ đó, giúp người dân cảnh giác và yên tâm trong việc phát triển chăn nuôi...”.

Nhằm tạo bức rào chắn tích cực trong việc phòng, chống dịch, cùng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của huyện, sự phối hợp của các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm dịch đã giúp ngăn chặn các xe chở gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, giấy tờ đi vào địa bàn. Qua đó, góp phần răn đe và là một biện pháp trong việc nâng cao ý thức tự phòng, tự bảo vệ đàn gia súc trong từng hộ dân.

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Hồ Thầu phấn đấu về đích trong năm tới

BHG - Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) đã có nhiều thay đổi; đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Đến nay, xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM và đang nỗ lực phấn đấu về đích NTM vào quý II.2020…

 

19/12/2019
Làng quê Thanh Đức ngày càng khởi sắc

BHG - Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã nghèo Thanh Đức (Vị Xuyên) đã khoác lên mình một diện mạo mới với cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên, đem lại niềm tin, sự phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

 

19/12/2019
Ngôi làng tỷ phú cam Sành

BHG - Trong cái rét mùa Đông, cuối tháng Chạp, cam Sành Vĩnh Phúc (Bắc Quang) đã bắt đầu vào độ chín. Những trái cam mọng nước, vàng đượm phủ kín trên các ngả đường, sườn đồi; giúp cho vùng quê này mọc lên nhiều ngôi nhà lộng lẫy, khang trang. Giữa ngôi làng trù phú, những hộ trồng cam lớn nhất có thu nhập tiền tỷ, còn hộ ít cũng đạt 200 triệu đồng/năm.

 

19/12/2019
Góp phần tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững

BHG - Năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố trong tỉnh rà soát các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để tăng nguồn thu, phát huy hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Qua đó, đã góp phần tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Phóng viên (P.V) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để giúp độc giả hiểu rõ hơn về nội dung này.

 

19/12/2019