Bắc Quang - "Tấc đất, tấc vàng"

15:07, 13/12/2019

BHG - Những năm qua, việc chuyển đổi, cải tạo vườn, đồi tạp sang trồng các loại cây cho thu nhập cao trên địa bàn huyện Bắc Quang diễn ra mạnh mẽ. Nhờ đó, những “tấc đất” của nông dân dần trở thành “tấc vàng” trên chính mảnh đất “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh.

Chuyển đổi vườn, đồi tạp sang trồng cam Chanh giúp nhiều hộ dân thôn Tự Lập (thị trấn Vĩnh Tuy) nâng cao thu nhập.
Chuyển đổi vườn, đồi tạp sang trồng cam Chanh giúp nhiều hộ dân thôn Tự Lập (thị trấn Vĩnh Tuy) nâng cao thu nhập.

Theo kết quả rà soát năm 2016, trên địa bàn huyện Bắc Quang có gần 4 nghìn ha vườn, đồi tạp có khả năng chuyển đổi, cải tạo sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, tập trung tại các xã: Đồng Tâm, Hữu Sản, Đức Xuân… Trước đây, những diện tích này chủ yếu được người dân sử dụng để trồng các loại cây phục vụ nhu cầu tự túc hàng ngày hay làm bãi chăn thả gia súc… Do vậy, giá trị kinh tế thu về chỉ từ 0,5 – 3,5 triệu đồng/ha/năm; thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên cùng loại đất đã được chuyển đổi như: Cam, chè, gỗ... Từ thực tế trên, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi cải tạo vườn, đồi tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 – 2020. Qua đó, nhằm tận dụng tiềm năng lợi thế đất đai, phát triển sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Đồng thời, tạo đà cho thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, chuyển dịch cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện chuyển đổi trên 3,6 nghìn ha vườn, đồi tạp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, trên 1,8 nghìn ha được chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp chất lượng cao. Đặc biệt, xác định cam là cây trồng chủ lực để phát triển hàng hóa; huyện đã chỉ đạo các xã trong vùng quy hoạch chuyển đổi những diện tích phù hợp sang trồng cam. Hiện, toàn huyện đã chuyển đổi trên 1 nghìn ha từ đất vườn, đồi tạp sang trồng cam hàng hóa. Đối với các diện tích đất đồi tạp chuyển sang trồng cam đến nay đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 11,5 tấn/ha với giá trị sản phẩm trung bình đạt 60 triệu đồng/ha. Cá biệt, mô hình thí điểm chuyển đổi cải tạo vườn, đồi tạp sang trồng 10 ha cam tại xã Việt Hồng cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, huyện xác định cây chè có thể trồng trên mọi địa hình đất và yêu cầu mức độ thâm canh không cao, lại góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo; đến nay, trên 139 ha diện tích vườn, đồi tạp được chuyển đổi sang trồng chè. Thêm vào đó, trên 600 ha vườn, đồi tạp được chuyển đổi sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc. Riêng xã Quang Minh, ngoài kế hoạch được giao còn chủ động chuyển đổi, cải tạo, trồng mới 10,8 ha Sâm cát nhằm hình thành vùng dược liệu quý. Đặc biệt, để hỗ trợ người dân cải tạo vườn, đồi tạp; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tổ chức thẩm định, nghiệm thu 306,2 ha vườn đồi tạp đã chuyển đổi với số tiền hỗ trợ 586 triệu đồng.

Anh Thào Văn Lèn, thôn Bản Tân (xã Tân Thành) chia sẻ: Trước đây, với trên 6,5 ha đất vườn, đồi của gia đình tôi sử dụng để trồng lúa nương, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình..., nên giá trị thu về thấp. Song, được sự tuyên truyền của UBND xã về chủ trương chuyển đổi vườn, đồi tạp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; những năm gần đây, tôi mạnh dạn chuyển những diện tích vườn, đồi tạp của gia đình sang trồng 4,5 ha keo và 2 ha chè Shan tuyết. Đến nay, vườn chè đã cho thu hoạch, đồi keo sắp đến chu kỳ khai thác gỗ; ngoài ra, tôi còn trồng thêm 100 cây cam Giấy và nuôi thêm trâu, bò, dê… Mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chuyển đổi vườn, đồi tạp của huyện cũng gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó, các diện tích chuyển đổi, cải tạo đa số là nhỏ lẻ, manh mún, phân tán cộng với địa hình phức tạp; gây khó khăn trong việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp tập trung. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi, cải tạo vườn, đồi tạp phải gắn với chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhưng người dân chủ yếu chỉ thực hiện để chuyển đổi mục đích sử dụng đất; trong khi việc chuyển đổi từ các diện tích vườn, đồi tạp sang trồng cây kinh tế đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, chi phí sản xuất lớn, khả năng mang lại thu nhập phải chờ nhiều năm (đối với cây ăn quả, lâm nghiệp). Vì vậy, một số mô hình sau khi thực hiện chuyển đổi, cải tạo, người dân không đủ nguồn lực để duy trì, chăm sóc, phát triển; dẫn đến tình trạng mô hình không phát huy hiệu quả…

Không thể phủ nhận hiệu quả thực tế từ chuyển đổi, cải tạo vườn, đồi tạp sang trồng cây có giá trị kinh tế; tuy nhiên, về lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc ban hành chính sách thống nhất chung về chuyển đổi, cải tạo vườn, đồi tạp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với tích tụ ruộng đất trong bối cảnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiện nay.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Văn Ngọc - thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu

BHG - Hà Văn Ngọc, sinh năm 1989, hiện là Phó Bí thư Đoàn thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh. Ngoài năng nổ, nhiệt huyết trong công tác Đoàn, anh còn là một thanh niên tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp ở địa phương. Ngọc chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Năm 2007, sau khi học xong cấp 3, do điều kiện không cho phép học tiếp đại học, tôi lên mảnh đất Yên Minh làm ăn. Năm 2012 tôi thi đỗ vào Trường Đại học Nông - lâm Thái Nguyên. 

13/12/2019
Nghề đan quẩy tấu ở Thèn Chu Phìn

BHG - Trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất thường ngày của đồng bào Mông, chiếc quẩy tấu có vị trí rất quan trọng. Với địa hình núi dốc hiểm trở, quẩy tấu trở thành vật hữu dụng theo chân người Mông kể cả khi lên nương hay lúc xuống chợ. Ở xã Thèn Chu Phìn (Hoàng Su Phì), đan quẩy tấu đã trở thành một nghề truyền thống, giúp gìn giữ nét đẹp riêng có của dân tộc và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

 

13/12/2019
Nâng cao năng lực phát triển KT – XH định hướng thị trường

BHG - Kế hoạch phát triển KT - XH định hướng thị trường (MoSEDP) là một trong những hợp phần quan trọng của Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang. Là một trong những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình CPRP, đến nay, các xã, thị trấn của huyện Bắc Quang đã thực hiện đồng bộ kế hoạch MoSEDP nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

 

13/12/2019
Họp bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm cam Sành niên vụ 2019 - 2020

BHG - Để cụ thể hóa các nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Vingroup, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của UBND tỉnh, sáng 12.12, đồng chí Lương Văn Đoàn, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh chủ trì buổi họp nghe báo cáo tiến độ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2019 - 2020 vào hệ thống Vinmart. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên.

 

12/12/2019