Quang Bình bội thu mùa Thảo quả

08:56, 27/11/2019

BHG - Thảo quả là cây dược liệu quý, được trồng dưới những tán rừng có độ cao từ 1.600 m trở lên và có ẩm cao, nhiệt độ thấp. Những năm qua, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Quang Bình đã xây dựng những chính sách phát triển loại cây này, nhằm đem lại thu nhập cao cho người dân.

Lãnh đạo huyện Quang Bình kiểm tra diện tích Thảo quả sau thu hoạch của người dân thôn Nặm Khẳm, xã Tân Bắc.
Lãnh đạo huyện Quang Bình kiểm tra diện tích Thảo quả sau thu hoạch của người dân thôn Nặm Khẳm, xã Tân Bắc.

Nằm ở địa bàn KT - XH đặc biệt khó khăn, nhưng thôn Nặm Qua được trời phú cho điều kiện thuận lợi để phát triển cây Thảo quả; đây cũng là nơi có diện tích Thảo quả tập trung lớn nhất của xã Tân Nam, khoảng 157 ha. Những ngày qua, dù bận rộn với công việc ruộng đồng, nhưng người dân trong thôn vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian bước vào vụ thu hoạch Thảo quả. Từ sáng sớm, khi trời còn dày đặc hơi sương, bà con đã chuẩn bị sẵn lương thực, quẩy tấu cho chuyến hành trình dài ngày vượt núi, leo rừng để gùi những chùm Thảo quả chín đỏ tươi về bán. Dẫu trải qua những quãng đường đi bộ vất vả, nhiều đoạn dốc dựng đứng; có khi phải đi từ sáng đến chiều tối mới ra tới cửa rừng, nhưng người dân rất phấn khởi, vì năm nay,  Thảo quả được mùa, dễ tiêu thụ.

Anh Triệu Văn Lìn, Trưởng thôn Nặm Qua vui mừng cho biết: “Tháng 10 là thời điểm chính vụ thu hoạch Thảo quả, vụ này, người dân thu được trên 17 tấn, giá bán được khoảng 20 - 30 nghìn đồng/kg quả tươi. Toàn thôn có 82 hộ dân với 443 khẩu; đồng bào chủ yếu là dân tộc Dao và  hầu hết các gia đình đều trồng Thảo quả. Cây dược liệu này được đưa vào trồng từ năm 2013, nhưng sau đợt rét đậm, rét hại, tuyết rơi dày đặc vào mấy năm trước, bây giờ nhân dân mới mở rộng diện tích nên sản lượng  chưa cao. Được xem là cây trồng chủ lực, hộ ông Triệu Mềnh On và Triệu Vàn On đã vươn lên thành khá giả, mỗi năm thu trên 30 triệu đồng nhờ trồng Thảo quả. Riêng gia đình tôi trồng 7 ha, thu được 1 tấn Thảo quả tươi; loại cây này trồng không khó, chỉ cần chăm sóc, bón phân 2 đợt/năm”.

Qua trao đổi, đồng chí Hoàng Ngọc Bền, Chủ tịch UBND xã Tân Nam cho hay: “Xã là vùng có diện tích Thảo quả rộng lớn nhất huyện với trên 409 ha; trong năm 2019, nhân dân trồng mới được 80 ha; đa số diện tích Thảo quả được trồng ở các thôn: Nặm Qua, Lùng Chún, Nặm Ngoa. Năm nay, tổng sản lượng thu hoạch đạt gần 20 tấn, vì đa số cây mới cho ra quả vụ đầu; Thảo quả tuy được mùa, song giá thu mua vẫn bấp bênh. Với tiềm năng, triển vọng phát triển của loại cây này; cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng cho người dân chú trọng chăm sóc những diện tích hiện có, nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, kết hợp với chế biến Thảo quả khô để tạo thương hiệu, ổn định đầu ra cho sản phẩm”.

Rời xã Tân Nam, đi dọc những con đường làng hun hút để đến với người dân xã Tiên Nguyên giữa mùa thu hoạch Thảo quả; tôi được bà con chia sẻ: “Ngoài cây chè Shan tuyết, người dân miền sơn cước này còn trồng Thảo quả. Cây dược liệu ở núi rừng không những làm hương vị trong các món ăn truyền thống mà còn tạo việc làm, giúp nhân dân giảm nghèo và có tiền mua thêm những cây trồng, vật nuôi khác về tăng gia sản xuất”. Toàn xã có 278 ha Thảo quả, với giá trị kinh tế đem lại, địa phương đã và đang phát triển mạnh cây trồng trên để bảo vệ tài nguyên rừng, tăng hệ số sử dụng đất lâm nghiệp.

Hiện nay, huyện Quang Bình có gần 800 ha Thảo quả tại các xã: Tân Nam, Tiên Nguyên, Bản Rịa, Xuân Minh và Tân Bắc; thực hiện chính sách khuyến khích người dân trồng Thảo quả dưới tán rừng, huyện có chủ trương hỗ trợ cây giống 2,4 triệu đồng/ha. Năm 2019, huyện đã bố trí kinh phí 390 triệu đồng cho nhân dân trồng và phát triển Thảo quả. Một số xã đã xây dựng các nhóm sở thích trồng Thảo quả theo tiêu chí “5 cùng”: Cùng trồng, cùng chăm sóc, cùng bảo vệ, cùng thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm” nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển Hồng không hạt thành cây hàng hóa ở xã vùng biên Nghĩa Thuận

BHG - Những năm gần đây, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) đã có nhiều khởi sắc trong phát triển KT - XH. Phát huy những tiềm năng, ưu thế sẵn có của địa phương; cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Thuận đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tiêu biểu như cây Hồng không hạt (HKH) và các loại rau màu.

 

27/11/2019
Không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng

BHG - Chi nhánh Agribank Đồng Văn hoạt động trên địa bàn có mặt bằng dân trí không đồng đều, KT - XH có sự chênh lệch giữa các vùng; nhu cầu vay vốn của người dân nhiều nhưng số hộ có điều kiện, nhu cầu lập dự án vay vốn lớn để mở rộng quy mô phát triển kinh tế lại hạn chế… điều này đã gây khá nhiều khó khăn trong hoạt động của ngân hàng. Mặc dù vậy, tập thể cán bộ, viên chức Agribank Đồng Văn đã đặt quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu do ngân hàng cấp trên giao ở mức cao nhất.

 

26/11/2019
Agribank Mèo Vạc giúp nông dân làm giàu

BHG - Với vai trò chủ đạo trong đầu tư tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Agribank huyện Mèo Vạc đã giúp hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện có điều kiện vay vốn để đẩy mạnh sản xuất, làm giàu ngay trên chính quê hương. Năm 2017, gia đình ông Sùng Mí Chứ, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, vay 100 triệu đồng tại Agribank Mèo Vạc với nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh...

26/11/2019
Bắc Quang mùa cam ngọt!

BHG - Vào thời điểm này, những vườn cam ở Bắc Quang bắt đầu ánh lên sắc vàng, cùng với việc thu hoạch thì các hộ trồng cam cũng đang tích cực chăm sóc để có những trái cam đảm bảo chất lượng, đẹp về mẫu mã. Gia đình anh Trần Văn Nhượng, Tổ hợp tác sản xuất cam VietGAP thôn Vĩnh Chúa, xã Vĩnh Phúc được nhiều người biết đến bởi có thâm niên gắn bó và làm giàu từ cây cam. Với tổng diện tích 7 ha...

26/11/2019