Hà Giang

Phát triển cây vụ Đông theo hướng sản xuất hàng hóa

10:49, 31/10/2019

BHG - Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tăng hệ số sử dụng đất và từng bước đưa cây vụ Đông thành cây trồng chính; các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất vụ Đông theo hướng hàng hóa, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân.

Người dân Vị Xuyên trồng Cà chua chất lượng cao trong nhà lưới.
Người dân Vị Xuyên trồng Cà chua chất lượng cao trong nhà lưới.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã tích cực triển khai nhiều giải pháp và chính sách phát triển cây vụ Đông, như: Hướng dẫn người dân thực hiện khung thời vụ và quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; khuyến khích mở rộng diện tích, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; sử dụng các loại cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ giống, vật tư theo hình thức đầu tư có thu hồi.

Năm nay, toàn tỉnh bước vào sản xuất vụ Đông trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; trình độ kỹ thuật thâm canh, xen canh và ý thức chủ động của người dân được nâng cao. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhất là các công trình thủy lợi được xây mới, cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng ngày càng hiệu quả; cơ giới hóa trong sản xuất tiếp tục được áp dụng mạnh mẽ; các loại giống, vật tư khác đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

 Các địa phương căn cứ vào điều kiện tự nhiên, đất đai thực tế và khung thời vụ để chủ động bố trí hợp lý cơ cấu các nhóm cây ưa ấm như: Ngô, Cà chua, Dưa hấu, Dưa chuột...; nhóm cây ưa lạnh, như: Su hào, Bắp cải, rau, đậu và các nhóm cây trung tính. Tập trung phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ như: Ngô nếp, rau đậu, Khoai tây, Tam giác mạch gắn với phát triển du lịch... Đặc biệt, cây rau, đậu các loại là nhóm cây có chu kỳ sản xuất ngắn, phù hợp gieo trồng trên đất ruộng và trong các vườn rau chuyên canh của hộ gia đình, nhu cầu tiêu thụ lớn. Nên ngay từ đầu vụ, bà con đã chủ động tăng diện tích sản xuất, tận dụng tối đa diện tích gieo trồng, quy hoạch các ruộng rau chuyên canh, rau sạch, rau an toàn, đầu tư thâm canh đưa các loại giống rau chất lượng, cho năng suất cao vào gieo trồng.

Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh gieo trồng trên 12.900 ha cây vụ Đông;  trong đó, cây ngô 1.435,5 ha, Khoai lang 388 ha, Khoai tây 109 ha, rau đậu các loại 10.313,5 ha, Tam giác mạch 740 ha. Với phương châm thu hoạch lúa Mùa đến đâu, làm đất gieo trồng cây vụ Đông đến đó; đến nay, toàn tỉnh đã làm đất và gieo trồng được 40% diện tích cây vụ Đông. Trong đó, gieo trồng được 1.150 ha ngô, tập trung tại các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần, Bắc Mê; 116,7 ha rau, đậu các loại tại các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, thành phố Hà Giang; đồng thời tập trung gieo trồng Tam giác mạch để phát triển du lịch.

Là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển cây vụ Đông thành hàng hóa, những năm qua, Vị Xuyên đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân phát triển sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất cây trồng. Vụ Đông năm nay, Vị Xuyên gieo trồng 1.144 ha cây trồng các loại; trong đó, có 313 ha ngô; Khoai lang 80 ha; Khoai tây 11 ha và rau đậu các loại 740 ha. Đến thời điểm hiện tại, người dân đã gieo trồng được trên 730 ha cây vụ Đông các loại.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Giang Đức Hiệp cho biết: “Ngay khi kết thúc gieo trồng cây vụ Đông, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn để có kế hoạch, biện pháp chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất; nắm chắc diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng và chủ động phòng trừ kịp thời; chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, với chủ trương sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, các huyện, thành phố chủ động tìm kiếm và kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.

Bài, ảnh: AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc đẩy mạnh phong trào đảng viên giúp hộ nghèo phát triển kinh tế

BHG - Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá, nhận thức người dân còn hạn chế, điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó, huyện đã và đang đẩy mạnh phong trào mỗi đảng viên hỗ trợ, giúp đỡ một hộ nghèo phát triển kinh tế. Đến thăm mô hình nuôi bò hàng hóa và sinh sản của gia đình anh Thò Vả Tính, thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn, anh tâm sự: Để thoát khỏi cái đói, nghèo, năm 2018 gia đình tôi mạnh dạn vay vốn từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh với số tiền 60 triệu đồng...

30/10/2019
Hội thảo tầm quan trọng của quần thể voọc Mũi hếch ở rừng phòng hộ Quản Bạ

BHG - Chiều 29.10, tại khách sạn Hà An, Sở NN&PTNT, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) tổ chức hội thảo về tầm quan trọng của quần thể voọc Mũi hếch tại khu vực Rừng phòng hộ Quản Bạ. Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT...

29/10/2019
Xuất khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy tăng mạnh

BHG - Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Thanh Thủy, trong những ngày qua, lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc qua CKQT Thanh Thủy tăng mạnh, nhất là lượng hàng nông sản thanh long. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Thanh Thủy, Lương Trung Kiên cho biết: Lượng hàng hóa xuất khẩu bắt đầu tăng mạnh từ ngày 14.10, trong đó chủ yếu là mặt hàng thanh long.

29/10/2019
Mèo Vạc nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học

BHG - Lợn đen Lũng Pù (Mèo Vạc) là giống bản địa, có tầm vóc to lớn và chất lượng thịt thơm ngon. Đây là giống lợn có chất lượng tốt nhất so với các giống lợn địa phương khác trong tỉnh và được thị trường ưa chuộng. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lợn đen Lũng Pù, huyện Mèo Vạc đã và đang triển khai mô hình nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học (ATSH) theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN-14:2010/BNNPTNT.

 

29/10/2019